Người Ấn Độ tất bật đi làm trở lại vì nỗi lo "cơm áo gạo tiền"

22/10/2020 10:00 AM | Xã hội

Mặc dù Ấn Độ vẫn có nhiều ca nhiễm COVID-19, tuy nhiên rủi ro về dịch bệnh không át được nỗi lo về "cơm áo gạo tiền" hàng ngày.

Từ các nhà máy nằm trong khu vực Maharashtra cho đến các khu chợ, mọi người đều đang tất bật quay trở lại nhịp sống công việc bận rộn như trước kia.

Chị Sonali Dange có hai con gái và mẹ chồng già yếu cần chăm nom. Đầu năm nay, chị từng phải nhập viện sau khi mắc COVID-19 . Tuy nhiên, khi lệnh đóng cửa vắt kiệt các khoản tiền tiết kiệm của gia đình, người phụ nữ 29 tuổi đành quay lại công việc ở một nhà máy để kiếm 25.000 Rupee (340 USD)/tháng.

"Nếu không đi làm kiếm gì mà ăn. Nếu cứ sợ bệnh tật mà ngồi nhà, lấy đâu ra tiền để nuôi gia đình. Mọi người đành phải ra ngoài thôi", chị Gargi Mukherjee - người dân Ấn Độ nói.

Sau lệnh đóng cửa được áp dụng từ tháng 3, hàng triệu người đã lâm vào cảnh mất làm việc, không một xu dính túi chỉ sau một đêm. Có lẽ đây cũng là lý do khiến Thủ tướng Narendra Modi trì hoãn áp lệnh đóng cửa mới phòng ngừa COVID-19.

Nếu như các quốc gia phát triển với dân số già phải chịu nhiều thiệt hại về người do COVID-19 thì các nước nghèo đang phải hứng chịu thiệt hại về kinh tế nặng nề hơn cả.

Ngân hàng Thế giới dự đoán 150 triệu người trên toàn thế giới có thể rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực. Nhiều trẻ em ở các nước đang phát triển còn phải tham gia lao động sớm để kiếm tiền giúp gia đình.

Người Ấn Độ tất bật đi làm trở lại vì nỗi lo cơm áo gạo tiền - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 đã khiến các nước nghèo phải hứng chịu thiệt hại về kinh tế nặng nề. Ảnh minh họa (Nguồn: www.dnaindia.com)

Em Nisha - người dân Ấn Độ cho hay: "Cứ nhìn quanh đây mà xem, mọi người đi mua sắm như chưa hề có chuyện gì xảy ra cả. Sự khác biệt so với hồi xưa là nhiều người đeo khẩu trang hơn".

Các chuyên gia cảnh báo rằng tháng 10 - 11, khi người Hindu ăn mừng các lễ hội lớn, số ca lây nhiễm COVID-19 có thể tăng mạnh bởi khách hàng đổ đến chợ mua đồ giảm giá.

"Chính phủ đang cố gắng kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, trong khi mọi người cứ đi đây đi đó, tập trung nơi đông người. Nhiều người lo sợ rủi ro họ ở nhà, chứ còn những người khác, họ cũng mặc kệ", ông Amar Deepak - Giáo sư ngành cơ khí nói.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán GDP của Ấn Độ sẽ giảm 10,3% trong năm nay, mức giảm lớn nhất đối với một nước lớn đang phát triển và là mức tồi tệ nhất kể từ khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947.

Kim Huệ

Cùng chuyên mục
XEM