Ngừng sáng tạo 13 năm: Nguyên nhân chính khiến 7-Eleven đứng trước nguy cơ bị thâu tóm

29/11/2024 14:54 PM | Quốc tế

Ngay cả biểu tượng văn hóa siêu thị tiện lợi của Nhật Bản cũng có khả năng thất bại nếu ngừng sáng tạo.

Ngừng sáng tạo 13 năm: Nguyên nhân chính khiến 7-Eleven đứng trước nguy cơ bị thâu tóm- Ảnh 1.

Với dân số già hóa và sự gia tăng của lối sống độc thân tại Nhật Bản, chuỗi siêu thị tiện lợi 7-Eleven đáng lẽ ra phải bùng nổ mạnh mẽ nhưng thương hiệu này lại đang phải đứng trước nguy cơ bị thâu tóm.

Một trong những nguyên nhân chính đến từ việc ngừng sáng tạo và tạo ra giá trị mới của thương hiệu này.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay một trong những điểm mạnh của 7-Eleven là khả năng giới thiệu cho người tiêu dùng những thói quen ăn uống mới, tạo ra các lĩnh vực kinh tế mới.

Cách thức các sản phẩm và dịch vụ chủ lực được trình bày tại các cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước như cơm nắm Onigiri, suất ăn đóng hộp, mì Soba và Udon, các loại đồ ăn nóng, dịch vụ ngân hàng, cà phê tươi...đều do 7-Eleven phát triển hoặc hoàn thiện.

Tuy nhiên, kể từ khi chuỗi cửa hàng này có những cải tiến về cà phê với máy tự động pha chế cà phê xay và pha sẵn theo yêu cầu trong vài giây vào năm 2013, 7-Eleven vẫn chưa giới thiệu bất kỳ điều gì mới làm thay đổi phong cách tiêu dùng từ đó đến nay.

Ngừng sáng tạo 13 năm: Nguyên nhân chính khiến 7-Eleven đứng trước nguy cơ bị thâu tóm- Ảnh 2.

Số cửa hàng 7-Eleven tại nước ngoài và Nhật Bản

Bởi vậy theo Nikkei, tốc độ tăng trưởng của 7-Eleven đã chậm lại khi việc sáng tạo trở nên trì trệ, qua đó không còn thu hút được nhiều khách hàng như trước.

Tất nhiên, bối cảnh hậu đại dịch khiến người tiêu dùng tiết kiệm hơn trên toàn cầu cũng là một nguyên nhân góp phần ảnh hưởng đến biểu tượng văn hóa này của Nhật Bản.

Công thức thành công

Sau Thế chiến thứ II, thị trường bán lẻ Nhật Bản đã trải qua một cuộc cách mạng toàn diện với các thương hiệu lớn tăng cường cạnh tranh về giá, thúc đẩy lối sống mới cũng như tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, sau khi bong bóng kinh tế của đất nước này nổ tung vào những năm 1990, các nhà bán lẻ như Daiei, Saison, Sogo, Mycal và Yaohan phải gánh chịu khoản nợ quá lớn, dẫn tới việc phải chịu sự kiểm soát của ngân hàng và phần lớn biến mất khỏi tầm mắt của công chúng.

Chính vì vậy, 7-Eleven đã có cơ hội bùng nổ với hàng loạt các sáng tạo giá trị mới, từ việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng đến quản lý hậu cần và thu thập dữ liệu khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu tùy từng địa phương.

Dù mỗi cửa hàng của 7-Eleven không lớn như Walmart hay Target, thậm chí trông lộn xộn và chật cứng nhưng khoảng 3.000 sản phẩm tại mỗi chi nhánh lại được chọn lọc bằng dữ liệu chi tiết cho phép mỗi cửa hàng điều chỉnh theo thói quen và khẩu vị của người dân địa phương.

Ví dụ có những chi nhánh bán nhiều bánh quy hơn trong khi địa điểm khác lại bán cả bia thủ công để phục vụ thị hiếu bản địa.

Thế rồi những thực phẩm tươi sống cùng khả năng hậu cần cực tốt của 7-Eleven đã khiến siêu thị này có lợi nhuận trong mảng bán lẻ thực phẩm, một điều cực kỳ khó trong ngành.

Lúc đầu, việc giao hàng từ tới 70 xe tải một ngày sẽ gây ra tình trạng tắc đường trước các cửa hàng 7-Eleven của Nhật Bản. Do đó từ năm 1976, công ty đã phát triển một hệ thống mới tập trung giao hàng từ nhiều thương hiệu và nhà cung cấp khác nhau, cho phép chuỗi cửa hàng bổ sung hàng tồn kho của cửa hàng với ít hơn một chục xe tải ngày nay.

Năm 1982, 7-Eleven tại Nhật Bản đã giới thiệu mô hình quản lý hàng tồn kho theo từng mặt hàng, sử dụng hệ thống máy tính giúp các cửa hàng chỉ đặt hàng những gì cần thiết dựa trên dữ liệu bán hàng theo thời gian thực, giảm thiểu lãng phí.

Nhờ khả năng hậu cần và quản lý hàng tồn kho cực tốt này mà ông Suzuki có khả năng nhấn mạnh vào độ tươi của sản phẩm, việc bổ sung hàng thường xuyên và danh mục sản phẩm đa dạng bao gồm các món ăn chế biến sẵn phù hợp với khẩu vị địa phương, tạo nên lợi thế cực lớn cho 7-Eleven Nhật Bản.

Ngừng sáng tạo 13 năm: Nguyên nhân chính khiến 7-Eleven đứng trước nguy cơ bị thâu tóm- Ảnh 3.

7-Eleven tại mỗi thị trường đều sẽ hòa nhập với văn hóa địa phương

Thế rồi khi mua lại 70% cổ phần của công ty mẹ 7-Eleven tại Mỹ vào năm 1991, ông chủ Toshifumi Suzuki của 7-Eleven Nhật Bản đã tái cấu trúc toàn diện lại thương hiệu này ở Phương Tây.

Một trong những cải cách tiêu biểu là cấu trúc hoạt động trao quyền tự chủ cho từng quản lý cửa hàng để quyết định về sản phẩm sẽ bán và lịch trình giao hàng.

Ví dụ, các cửa hàng trong khuôn viên trường đại học có thể bán nhiều bia và khoai tây chiên hơn; một địa điểm đường cao tốc liên bang có thể bán nhiều loại đồ dùng ô tô và kính râm hơn.

Ngoài ra, các chi nhánh 7-Eleven sẽ theo dõi doanh số bán hàng hàng ngày và thu thập thông tin nhân khẩu học về khách hàng địa phương.

Các cửa hàng cũng sử dụng hệ thống phân phối mà trong đó đơn vị nhượng quyền đặt hàng hàng ngày dựa trên khuyến nghị của công ty về những mặt hàng đang bán chạy trên toàn quốc và khu vực.

Đặc biệt, 7-Eleven đã nâng cao tiêu chuẩn của mình với nhà cung ứng, nhất là trong vấn đề thực phẩm. Những món ăn nhẹ chế biến của 7-Eleven thường được ưa chuộng trong khu vực địa phương nhờ hiểu được thị hiếu bản địa.

Ví dụ 7-Eleven tại Virginia sẽ chuyên làm bánh sandwich gà và bánh sandwich bít tết jalapeno, vốn là các món ưa thích của người dân nơi đây.

Bão hòa

Mặc dù có nhiều thành công là vậy nhưng kể từ năm 2013 đến nay, 7-Eleven chưa có bất cứ sáng tạo hay thay đổi nào nữa.

Bởi vậy doanh số trung bình hàng ngày của 7-Eleven vẫn tăng trong 10 năm qua, đạt 691.000 Yên trong năm tài chính 2023, nhưng tốc độ đã chậm lại.

Tờ Nikkei cho hay trong 5 năm qua, doanh số bán hàng tại các cửa hàng tiện lợi khá tốt nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản từng mở rộng đến 1.000 chi nhánh mới mỗi năm thì nay thị trường đã bão hòa.

Số lượng cửa hàng FamilyMart, một trong 3 siêu thị tiện lợi lớn bên cạnh 7-Eleven và Lawson, trong nước đã giảm từ 16.430 chi nhánh vào cuối tháng 2/2019 xuống còn 16.253 cửa hàng vào cuối tháng 10/2024.

Thương hiệu Lawson thì giảm từ 14.444 cửa hàng trong năm tài chính 2019 xuống còn 14.643 vào cuối tháng 2/2024.

Ngừng sáng tạo 13 năm: Nguyên nhân chính khiến 7-Eleven đứng trước nguy cơ bị thâu tóm- Ảnh 4.

Mặc dù số cửa hàng của 7-Eleven tăng từ 20.876 vào cuối tháng 2/2019 lên 21.535 vào cuối tháng 2/2024 nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với trước đây.

Vào tháng 10/2024, các giám đốc điều hành của 7-Eleven cho biết họ có kế hoạch đóng cửa gần 450 địa điểm ở Bắc Mỹ để cắt giảm chi phí vì sức tiêu dùng giảm do lạm phát. Công ty cho biết doanh số bán thuốc lá đã giảm 26% kể từ năm 2019, mức thấp nhất trong 80 năm.

Suốt 1 năm qua, 7-Eleven đã cố gắng cải thiện một số sản phẩm mang tính thương hiệu của mình và bán nhiều đồ uống đặc sản hơn như cà phê Cappuccino và Latte, qua đó giúp đa dạng hóa ngoài việc bán xăng và thuốc lá.

Tuy nhiên với việc ngừng sáng tạo những trải nghiệm mới thu hút khách hàng, 7-Eleven đang mất dần công thức làm nên sự vượt trội của siêu thị tiện lợi này cũng như sức hút của chúng với khách hàng.

*Nguồn: Nikkei

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM