'Ngồi không cũng bị vạ lây': Đây là cách cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc đang tàn phá nền kinh tế top đầu thế giới

11/10/2021 16:36 PM | Xã hội

Điều không may mắn đã xảy đến. 2021 là một năm đình trệ của ngành khai thác mỏ ở Úc và nền kinh tế nước này cũng chứng kiến một bước ngoặt. Thời kỳ Trung Quốc mua vô số khoáng sản của Úc và chấp nhận chi trả nhiều tiền đã kết thúc.

Cái giá của phụ thuộc vào Trung Quốc 

Có thể thấy, Úc sở hữu nhiều khoáng chất quan trọng. Ban đầu, nhóm người di cư đến lục địa này phát hiện ra một lượng lớn các mỏ quặng sắt và đào lên để luyện sắt. Đầu những năm 1990, khai thác quặng sắt đã chính thức trở thành một ngành kinh doanh. 100 năm sau, nền kinh tế Úc cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ quặng sắt.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác của Úc lại không được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước mà là nguồn lực từ nước ngoài. Khoảng 2/3 tổng doanh thu xuất khẩu năm 2020 của quốc gia này là từ khoáng sản được vận chuyển ra nước ngoài.

Trong nhiều năm liên tiếp, tăng trưởng kinh tế của Úc không có dấu hiệu suy thoái và toàn bộ các lĩnh vực cũng "hái ra tiền" cho đến khi đại dịch kìm hãm mọi thứ. Quốc gia này liên tục đẩy mạnh hoạt động khai thác quặng sắt, đồng và than để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực bất động sản và phát triển hệ thống đường sắt của Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xu hướng giá tăng mạnh. Năm 2020, chỉ riêng quặng sắt đã chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc, với giá trị khoảng 149 tỷ AUD.

Tuy nhiên, điều không may mắn đã xảy đến. 2021 là một năm đình trệ của ngành khai thác mỏ ở Úc và nền kinh tế nước này cũng chứng kiến một bước ngoặt. Thời kỳ Trung Quốc mua vô số khoáng sản của Úc và chấp nhận chi trả nhiều tiền đã kết thúc. Gần đây, có 3 yếu tố xảy ra đã làm tiêu tan niềm hy vọng rằng hoạt động khai thác mỏ sẽ vực dậy nền kinh tế Úc.

Trung Quốc ngày càng tỏ ra ít quan tâm đến việc chi tiêu cho hoạt động nhập khẩu. Trước đó, chiến tranh thương mại với Úc nổ ra và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tuyên bố sẽ không nhập khẩu hàng hóa nước này. Số hàng hóa đó bao gồm đồng, đường, gỗ, lúa mạch và hàng tấn tôm hùm.

Nhu cầu đối với sắt, than và quặng đồng của Trung Quốc hiện đang giảm rất mạnh, trong bối cảnh 3 nhà phát triển bất động sản lớn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng - bao gồm Evergrande, Sinic và Fantasia. Các "thành phố ma" vốn nổi tiếng ở Trung Quốc đang bắt đầu bị phá bỏ và để lại một lượng lớn sắt vụn, đồng.

Financial Timess ước tính, những khu nhà bỏ hoang đó có thể là địa điểm sống của 90 triệu người. Lượng thép và đồng sau khi dỡ bỏ các khu căn hộ sẽ được tái chế vì có mức giá rẻ hơn và tiết kiệm năng lượng so với nung chảy từ quặng. Điều này cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu than từ Úc.

Theo SCMP, vào những năm 2020, "mọi ngả đường" sẽ dẫn đến Bắc Kinh, khi Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng qua Trung Á, sang châu Âu và châu Phi. Trung Quốc đã sở hữu những nguồn nguyên liệu thô mới và những loại hàng hóa khác. Họ không cần phải dùng đến khoản dự trữ USD và xây dựng những mối quan hệ bền chặt nhờ những khoản khoản vay hay dự án cơ sở hạ tầng.

Nhìn chung, Trung Quốc sẽ không còn cần đến sắt, đồng và than của Úc.

Thời gian gần đây, hoạt động sản xuất thép ở Trung Quốc đã bị cắt giảm. Khi các vấn đề về tài chính liên quan đến Evergrande trở nên căng thẳng hơn, rõ ràng rằng nhu cầu đối với các nguyên liệu xây dựng cũng đi xuống khi hoạt động này ngừng hoạt động.

Hơn nữa, khi giá quặng sắt đang ở mức cao gấp đôi trung bình trong 15 năm qua, 200 USD/tấn so với trung bình gần 100 USD/tấn, Bắc Kinh cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao lại tiếp tục sản xuất thép mới cho ngành xây dựng và tăng hàng tồn kho mà không có mục đích quan trọng nào?

Song, nhu cầu từ các ngành công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn chưa biến mất, khi việc phát triển trong nước sẽ được thực hiện đến năm 2035. Khi Trung Quốc phá bỏ các tòa nhà không có mục đích sử dụng và giải phóng nguồn thép, các doanh nghiệp tài chế trong nước sẽ được hưởng lợi.

Tháng 7, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) thông báo việc Trung Quốc tăng cường sử dụng phế liệu sẽ đóng góp thêm 320 triệu tấn thép vào năm 2025. Quốc gia này cũng đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho hoạt động tái chế các kim loại khác như đồng, nhôm và chì. Theo dự đoán của chuyên gia, khi phế liệu được sử dụng hết, Trung Quốc sẽ tận dụng nguồn cung từ Trung và Tây Phi.

Hoạt động khai thác mỏ ở châu Phi sẽ phải mất vài năm để hoàn thiện nhưng Trung Quốc vẫn nhận ra cơ hội để "vào cuộc". Năm 2012, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 70% quặng sắt của thế giới được vận chuyển bằng đường biển, tương đương khoảng 280 triệu tấn. Khoảng 60% số đó là nhập khẩu từ Úc.

Hiện tại, tổng sản lượng ước tính từ các mỏ đã phát triển hoàn thiện ở Tây Phi và các nước Trung Phi là từ 400-600 triệu tấn/năm. Con số này tương đương gần như toàn bộ lượng nhập khẩu của Trung Quốc qua đường biển vào năm 2012.

2 địa điểm trên ở châu Phi cần cơ sở hạ tầng lớn để vận chuyển quặng sắt. Họ đã có 2 tuyến đường sắt dài khoảng 550-600km và các cảng, máy móc cần thiết tại các mỏ. Ban đầu, một số công ty của Úc và Anh tìm cách xây dựng những công trình này nhưng các công ty có vốn đầu tư, nhà thầu Trung Quốc - vốn được châu Phi ưu ái hơn, đã chiếm ưu thế. Dù một số vụ kiện thông qua trọng tài quốc tế của Úc và Anh chống lại chính phủ các nước châu Phi sắp diễn ra, nhưng điều này cũng không thể giúp ích cho nền kinh tế Úc.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ được điều chỉnh và nhiều người dự đoán kết cục sẽ là một cuộc khủng hoảng tương tự như Nhật Bản những năm 1990. Theo đó, đợt tăng giá bất động sản sẽ ngừng lại và người sở hữu nhà, ngành xây dựng cùng các nhà cung cấp sẽ chịu áp lực lớn.

Điều này cho thấy chính phủ Úc sẽ phải cân nhắc rất lâu và gặp khó khăn để tìm kiếm nguồn thu thay thế, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu chững lại. Ví dụ đối với Úc cho thấy việc chỉ phụ thuộc vào một khách hàng duy nhất là quá rủi ro trong kinh doanh, hay thậm chí là cả tài chính. Những "cú đánh" mạnh của Trung Quốc với hoạt động nhập khẩu tôm hùm, gỗ và hàng hóa mềm vào năm ngoái đã để lại một lỗ hổng lớn cho nền kinh tế Úc.

Tham khảo SCMP

Vu Lam

Cùng chuyên mục
XEM