"Ngọc quý Olympic" của Việt Nam: Nếu được chọn lại, em không chọn con đường VĐV để đi Olympic

29/07/2021 10:57 AM | Sống

"Khi ngồi nói chuyện với Trường An, có lần tôi hỏi nếu được chọn lại, em có chọn trở thành vận động viên bơi lội để được đi Olympic không, thì Trường An lắc đầu".

Đấy là lời của nhà báo Nguyễn Nguyên - một cây bút gắn bó lâu năm với thể thao Việt Nam, kể lại. "Tôi hiểu cái lắc đầu của Trường An . Các vận động viên khi mới bước vào môi trường chuyên nghiệp thì họ say mê, nhưng khi bước ra thì họ thấy có cả một khoảng trống mênh mông phía trước.

Khi trở về từ nước Mỹ, Trường An nhận thấy rằng nước Mỹ họ không đào tạo vận động viên như ở Việt Nam, mà họ nuôi dưỡng tài năng từ môi trường giáo dục".

Mười lăm tuổi, "cô bé" Võ Trần Trường An đến với Olympic Atlanta cùng tất cả sự hào hứng của tuổi thanh xuân. Năm ấy, Việt Nam mang đến đấu trường Thế vận hội 6 vận động viên, Trường An là người trẻ nhất. Và cho đến tận bây giờ, cô vẫn là vận động viên nhỏ tuổi nhất của Việt Nam tham dự đấu trường danh giá này.

 Ngọc quý Olympic của Việt Nam: Nếu được chọn lại, em không chọn con đường VĐV để đi Olympic - Ảnh 1.

Hai lăm năm trước, Võ Trần Trường An là vận động viên Việt Nam trẻ tuổi nhất góp mặt tại đấu trường Olympic.

Nhưng rồi hai năm sau, ở tuổi 17 - đúng vào độ chín của sự nghiệp, ở cái tuổi mà huyền thoại cầu lông Tiến Minh vẫn còn chơi nghiệp dư, Võ Trần Trường An từ giã đội tuyển quốc gia. Để rồi thêm hai năm sau nữa, ở tuổi 19, cô lặng lẽ nói lời từ biệt với đường đua xanh, để hòa mình vào dòng đời, vào cuộc sống như một con người bình thường, bỏ lại đằng sau bóng dáng một nhà vô địch, một "viên ngọc quý" của thể thao nước nhà.

Võ Trần Trường An đoạn tuyệt với thể thao chuyên nghiệp, cái sự đoạn tuyệt dứt dạt đến mức mọi huy chương, kỷ niệm chương, kỷ vật thi đấu... cô gom tất cả dành tặng cho phòng truyền thống của trung tâm TDTT dưới nước Yết Kiêu - cái nôi đã đào tạo ra mình.

Những Ánh Viên, Tiến Minh, Hoàng Xuân Vinh hay Thạch Kim Tuấn..., đấu trường Olympic đại diện cho sự thành công đỉnh cao trong sự nghiệp của một vận động viên chuyên nghiệp, cũng đại diện cho sự đảm bảo về mặt kinh tế dư đủ để họ có thể chuyên tâm đầu tư vào con đường mình đã chọn.

 Ngọc quý Olympic của Việt Nam: Nếu được chọn lại, em không chọn con đường VĐV để đi Olympic - Ảnh 2.
 Ngọc quý Olympic của Việt Nam: Nếu được chọn lại, em không chọn con đường VĐV để đi Olympic - Ảnh 3.
 Ngọc quý Olympic của Việt Nam: Nếu được chọn lại, em không chọn con đường VĐV để đi Olympic - Ảnh 4.

Nhưng hơn 20 năm trước, dẫu có bơi đến tận Olympic, thì con đường phía trước của Võ Trần Trường An vẫn chỉ mịt mù một màu mông lung. Ngày ấy, cô gái chưa đến tuổi đôi mươi không thể nhìn thấy được con đường phía trước của mình, để rồi thể thao Việt Nam mất đi một vận động viên đỉnh cao tầm cỡ, một tài năng hiếm hoi rất nhiều năm mới có một.

Trường An chia tay sự nghiệp bơi lội lặng lẽ. Từ đó, cô gái từng tham dự Olympic Atlanta 1996 lui về phụ giúp cha mẹ mình kinh doanh, bán hàng tại chợ Bến Thành, cùng đổ tâm sức vào nhóm thiện nguyện "Gia đình tâm thiện bụi đời" do cha mẹ cô lập nên từ đầu những năm 1990.

Sài Gòn đang oằn mình trong dịch dã, Trường An vẫn cùng các thành viên nhóm thiện nguyện của mình chắt chiu từng phần quà, phần cơm để đem lại niềm vui, bữa cơm no cho những người có hoàn cảnh khó khăn ở thành phố này.

Cô gái nhỏ của 25 năm về trước liệu có khi nào nhớ về đường đua xanh, về những kỷ niệm của một thời đam mê cháy bỏng với thể thao chuyên nghiệp?

Hai mươi lăm năm sau kỳ Thế vận hội của cô gái nhỏ ngày nào, chục ngày trước - chỉ vào ngày trước khi Olympic Tokyo 2020 khai mạc, trên tài khoản mạng xã hội cá nhân của mình, người phụ nữ đã bước sang tuổi 40 này đăng lên một tấm ảnh cùng dòng trạng thái: "May quá, An cũng có của để dành". Trên tấm ảnh đấy là những kỷ lục mà cô từng tập được cho bơi lội nước nhà.

 Ngọc quý Olympic của Việt Nam: Nếu được chọn lại, em không chọn con đường VĐV để đi Olympic - Ảnh 5.
 Ngọc quý Olympic của Việt Nam: Nếu được chọn lại, em không chọn con đường VĐV để đi Olympic - Ảnh 6.
 Ngọc quý Olympic của Việt Nam: Nếu được chọn lại, em không chọn con đường VĐV để đi Olympic - Ảnh 7.
 Ngọc quý Olympic của Việt Nam: Nếu được chọn lại, em không chọn con đường VĐV để đi Olympic - Ảnh 8.

Dòng trạng thái ấy, giữa muôn trùng dòng trạng thái là những tấm ảnh, những bài viết về hoạt động thiện nguyện, cùng những "tút" bán hàng - từ đồng hồ Hublot, giày Dior... cho đến những chiếc bánh ú tro có giá chỉ "60k một chục", chắc hẳn không khỏi gợi lại cho Trường An những kỷ niệm ngày cũ, đẹp đẽ hay đau buồn, chắc chỉ có mình cô kình ngư nhỏ là "viên ngọc quý" của thể thao Việt Nam ngày ấy biết mà thôi.

Dòng đời vẫn trôi, và cô gái nhỏ ngày nào vẫn miệt mài bơi trên dòng đời ấy...

Kim Thiền

Cùng chuyên mục
XEM