Ngoài chiết khấu cho siêu thị, doanh nghiệp muốn đưa hàng vào còn phải chi “lót tay” từ sếp đến lính

04/06/2016 08:11 AM | Kinh doanh

Không tiết lộ tên cụ thể là siêu thị nào nhưng ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết thực trạng các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng hóa vào siêu thị ngoài chiết khấu, phí các loại còn phải chi tiền “lót tay” từ sếp đến lính.

Nội dung này nằm trong bài tham luận của ông Phạm Ngọc Hưng tại hội thảo Giải pháp cho thị trường bán lẻ Việt phát triển bền vững ngày 3/6 tại TPHCM.

Theo ông Hưng, tổng các loại chiết khấu hiện vào khoảng 20 – 30% giá bán. Đó là chưa kể, khi các kênh phân phối thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới, nhà cung cấp phải hỗ trợ phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán từ 15 – 30%, thời gian 10 – 30 ngày và mỗi năm từ 1 đến 3 lần.

Ngoài ra, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt các loại phí như phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số và nhiều loại phí được tăng định kì hoặc bất thường, chẳng hạn chiết khấu thương mại hằng năm đều tăng từ 1 – 3%.

Chậm thanh toán cũng là một rào cản của siêu thị, các siêu thị chậm thanh toán quá lâu, từ 40 – 60 ngày, thậm chí lên đến 90 ngày.

Nhiều doanh nghiệp cho biết đưa hàng vào siêu thị là không có lãi, thậm chí lỗ nhưng vẫn phải cố gắng để đưa vào khẳng định thương hiệu.

Bên cạnh đó, ông Phạm Ngọc Hưng cho biết thực trạng “éo le” là các nhà cung cấp phải bỏ ra nhiều khoản phí không chính thức cho nhân viên siêu thị. Muốn mở mã hàng trong một hệ thống siêu thị, ngoài khoản phí theo quy định của siêu thị, doanh nghiệp phải lót tay từ 10 – 20 triệu đồng/mã hàng cho riêng nhân viên bộ phận này.

Các công đoạn tiếp theo cũng đều phải lót tay cho bộ phận hoặc cá nhân phụ trách trực tiếp như đặt hàng, đưa hàng lên quầy kệ… Ngay cả nhân viên nhập hàng cũng phải lót tay nếu không muốn đường đi của hàng hóa đến tay người tiêu dùng gặp trở ngại.

Nếu không lót tay cho nhân viên quầy kệ thì hàng bị nhét trong góc, không thể bán được.

Ông Phạm Ngọc Hưng cũng cho biết thực trạng các hệ thống siêu thị gia công và bán sản phẩm mang tên nhãn hàng riêng với giá rất cạnh tranh khiến doanh nghiệp bên ngoài chỉ còn gia công và phát triển theo yêu cầu của siêu thị, khó có thể định hướng phát triển cho mình.

“Một vấn đề mấu chốt cần phải thực hiện là tăng cường tính kết nối giữa các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất nội địa, hai phía đều có mục tiêu là phục vụ người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp bán hàng có lợi nhuận thì siêu thị cũng sẽ lời nhiều.

Việc liên kết của các doanh nghiệp cùng ngành hàng cũng tạo áp lực lại với nhà phân phối nước ngoài như phản ứng của các doanh nghiệp thủy sản vừa qua cũng là một kinh nghiệm”, ông Phạm Ngọc Hưng chia sẻ.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM