Ngoài Bắc Ninh, 1 tỉnh nữa không có cả sân bay và cảng biển nhưng vẫn lọt top 10 thu nhập bình quân cao nhất

05/05/2023 09:28 AM | Kinh tế vĩ mô

Ngoài Bắc Ninh, một tỉnh nữa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tuy không có sân bay, cảng biển nhưng vẫn lọt top 10 thu nhập bình quân cao nhất Việt Nam.

Cụ thể, Bắc Ninh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tuy không có cảng hàng không, cảng biển, nhưng Bắc Ninh có vị trí tiếp giáp với Hà Nội, là cửa ngõ kết nối thủ đô với các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc... nên dễ dàng kết nối đến các cảng biển, cảng sông và sân bay quốc tế.

Trong nhiều năm trở lại đây, thu nhập bình quân của Bắc Ninh luôn nằm trong top 10 cao nhất cả nước. Năm 2021, thu nhập bình quân của tỉnh đạt khoảng 4,917 triệu đồng/tháng, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành có thu nhập bình quân cao nhất.

Bên cạnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cũng là tỉnh vừa không có sân bay, vừa không có cảng biển nhưng vẫn lọt top 10 địa phương có thu nhập bình quân cao nhất cả nước. Năm 2021, thu nhập bình quân của tỉnh Vĩnh Phúc đạt khoảng 4,511 triệu đồng/ tháng, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành có thu nhập bình quân cao nhất.

Theo Cổng thông tin – Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, vì vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia.

Từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, Vĩnh Phúc xác định tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Đến nay Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, có năm tăng trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997 – 2022 tăng khoảng 11,5%/năm. Cùng với đó, quy mô kinh tế ngày càng lớn, năm 2022 đạt 153,12 nghìn tỷ đồng tăng gấp hơn 78 lần so với năm 1997 (1,96 nghìn tỷ đồng).

Đặc biệt, Vĩnh Phúc là trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô, xe máy và điện tử ở phía Bắc của Việt Nam, có kinh tế phát triển cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp – dịch vụ. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, 2022 đạt 127,85 triệu đồng/người, cao gấp 58,65 lần so với năm 1997 (2,18 triệu đồng/người).

Thu ngân sách nhà nước đạt cao, luôn vượt mục tiêu đề ra, với nhiều dấu mốc quan trọng và luôn nằm trong top các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất của cả nước. Năm 2022, với số thu ngân sách đạt 40,35 nghìn tỷ đồng, lần đầu tiên số thu ngân sách của toàn tỉnh vượt mức 40 nghìn tỷ đồng. Số thu ngân sách tăng cao đã tạo điều kiện tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế xã hội và thực hiện các chính sách xã hội.

Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của Vĩnh Phúc được cải thiện rõ rệt theo hướng đồng bộ, hiện đại, 100% các tuyến đường quốc lộ được nhựa hóa; tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua tỉnh với 5 nút giao đã, đang và sẽ là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Sông Hồng.

Cùng với đó, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ của tỉnh được cứng hóa đạt 100%; các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp; tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa trên 95% tuyến giao thông nông thôn và 65% giao thông nội đồng.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc đang là nơi hội tụ của nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp lớn, có vị trí địa lý thuận lợi, liền kề với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đặc biệt là nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Vĩnh Phúc có lợi thế lớn để đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics.

Hiện nay, Vĩnh Phúc đang hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh, cảng cạn ICD tại huyện Bình Xuyên. Cảng cạn ICD góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng và dễ dàng vận chuyển hàng hoá, giúp vận chuyển hàng tới các cảng biển và sân bay trong khoảng thời gian tối thiểu.

Từ đó, cảng cạn ICD góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam, Trung Quốc, ASEAN và các thị trường quốc tế. Đồng thời, cảng cạn ICD giúp phát triển ngành dịch vụ logistics tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng như của cả khu vực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Theo Minh Tiến

Cùng chuyên mục
XEM