Nghiên cứu UNESCO tiết lộ: Học lập trình nhiều nhưng đa phần học sinh Việt Nam lại không biết thiết kế web, làm ứng dụng

23/03/2019 10:05 AM | Kinh doanh

Thậm chí trong 4 nước tham gia vào nghiên cứu, Việt Nam còn có tỷ lệ học sinh được dạy lập trình nhiều nhất.

Một vấn đề được đưa ra thảo luận trong Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 mới tổ chức gần đây là quyền công dân số của người trẻ, trong đó có khả năng học tập, tiếp cận công nghệ thông tin từ phía học sinh.

Để làm rõ điều này, bà Jonghwi Park, Chuyên gia chương trình ICT trong giáo dục, thuộc UNESCO đã đưa ra một nghiên cứu về quyền công dân số, thực hiện trong 2 năm với khoảng 5.000 trẻ em 15 tuổi tại 4 nước thuộc 4 khu vực khác nhau của Châu Á-Thái Bình Dương, gồm Hàn Quốc (Đông Bắc Á), Banglades (Nám Á), Fiji (Thái Bình Dương) và Việt Nam.

"Lý do chúng tôi đưa ra dự án nghiên cứu về quyền công dân số là nhằm cung cấp một khuôn khổ thăm dò cho các nước thành viên để các nước có thể theo dõi và đánh giá năng lực của trẻ em tại nước mình trong lĩnh vực quyền công dân số; từ đó có được những chính sách giáo dục hiệu quả, phù hợp, có chứng cứ thực tế", chuyên gia Jonghwi chia sẻ.

Một điểm đáng chú ý trong nghiên cứu lần này là việc Việt Nam sở hữu tỷ lệ học sinh được dạy kỹ năng lập trình tại trường học nhiều nhất, thậm chí vượt quốc gia có trình độ công nghệ phát triển hơn là Hàn Quốc. Tuy nhiên, khả năng tự phát triển trang web hay ứng dụng của học sinh Việt Nam lại ở mức thấp nhất trong số 4 nước tham gia.

"Nếu học nhiều như vậy thì tại sao các em không thử làm ứng dụng của mình chứ", bà Jonghwi Park đặt câu hỏi.

Chia sẻ chi tiết hơn về kết quả nghiên cứu, ông Đỗ Đức Lân, nghiên cứu viên đến từ Học viện khoa học giáo dục cho biết số lượng học sinh Việt Nam đã được học về lập trình ở trường học vào khoảng gần 40%, nhưng chỉ 14% trong số đó mới thật sự xây dựng được những ứng dụng, trang web riêng thông qua việc học tại trường.

"Tôi muốn nhấn mạnh những con số này vì ở Việt Nam tin học là môn học tự chọn ở các nhà trường, nhưng có thể trong 4-5 năm tới đây sẽ là môn học bắt buộc. Hiện nay, nhiều học sinh có thể tự chọn ngôn ngữ lập trình mà các em cảm thấy phù hợp nhưng lại không biết cách lập trang web thế nào. Đó là câu hỏi lớn cho các nhà nghiên cứu", ông Lân thừa nhận.

"Liệu có nên xây dựng chương trình học tin học chất lượng hơn để đưa vào nhà trường và giảng dạy cho các em trong thời gian tới hay không?", nhà nghiên cứu này gợi ý.

Kết quả nghiên cứu của UNESCO cũng chỉ ra rằng, có khoảng 8% trẻ em Việt Nam và Hàn Quốc sử dụng công nghệ số hơn 7 giờ mỗi ngày; nghĩa là ngoài thời gian đến trường, phần lớn thời gian còn lại của các em gắn liền với thiết bị công nghệ.

Ngoài ra, khá ít giáo viên tại Việt Nam khuyến khích trẻ em học tập trên mạng; 30% học sinh được khảo sát dành từ 1-2 giờ/ngày để lướt mạng tìm tài liệu phục vụ việc học tập; chỉ khoảng 6% giáo viên, phụ huynh thực sự quan tâm đến việc học sinh, con em mình lướt web như thế nào…

Ông Lân khẳng định nhìn chung trong tương quan so sánh với các quốc gia khác, Việt Nam chưa phải là nước có kết quả ở mức thấp nhất.

"Trong đó, với lĩnh vực đảm bảo an toàn cho trẻ em trên mạng, Việt Nam đã có những tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Còn xét ở phương diện thúc đẩy sự sáng tạo số, Việt Nam chưa thu được thành tích đáng kể".

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM