Nghiên cứu sau sẽ cho bạn thấy việc học ngoại ngữ mang lại giá trị lớn thế nào

18/05/2016 20:02 PM | Sống

Thống kê mới đây cho thấy biết thêm ngoại ngữ chỉ giúp bạn kiếm được thêm 2% thu nhập thế nhưng nó sẽ là khoản tiền khổng lồ nếu biết sử dụng hợp lý.

Việc học một ngoại ngữ cũng có những điều hơn lẽ thiệt. Suy nghĩ và làm việc bằng một ngoại ngữ sẽ giúp người ta ra quyết định tốt hơn và giúp tăng khả năng nhận thức ở trẻ nhỏ và cải thiện tình trạng mất trí nhớ ở người già.

Tuy nhiên, một nghiên cứu cho biết thu nhập của một người Mỹ biết ngoại ngữ chỉ tăng thêm 2% mà thôi. Nghĩa là nếu thu nhập của bạn ở mức 30.000 USD/năm, 2% chỉ tương đương với 600 USD.

Ngoại ngữ hiện đang là một trong những yếu tố tác động lớn tới mức thu nhập của mỗi người, học một ngoại ngữ mới cũng không phải điều quá phức tạp.
Ngoại ngữ hiện đang là một trong những yếu tố tác động lớn tới mức thu nhập của mỗi người, học một ngoại ngữ mới cũng không phải điều quá phức tạp.

Nhưng nghiên cứu này lại không tính đến yếu tố lãi kép và thu nhập cả đời.

Thứ nhất, thay vì 30.000 USD, thường thì một người mới tốt nghiệp đại học sẽ có mức lương khởi điểm là 45.000 USD/năm. Cứ thử hình dung nếu người đó tiết kiệm khoản 2% này xem.

Giả sử mỗi năm người đó được tăng lương 1%, cộng với mức lợi nhuận thực tế là 2% trong vòng 40 năm, lúc này khoản 2% có được từ ngoại ngữ sẽ biến thành 67.000 USD. Rõ ràng đây là một khoản không nhỏ chút nào.

Thứ hai, nhà kinh tế học Albert Saiz từ đại học MIT đã tính toán mức 2% này và nhận thấy có sự khác biệt đối với các ngôn ngữ khác nhau: Với tiếng Tây Ban Nha (TBN) là 1,5%; tiếng Pháp là 2,3% và tiếng Đức là 3,8%. Theo công thức giả định đã nêu, ta có được kết quả: tiếng TBN đáng giá 51.000 USD, tiếng Pháp là 77.000 USD và tiếng Đức là 128.000 USD.

Tại sao ngôn ngữ mang lại những mức “lợi nhuận” khác nhau như vậy? Tất nhiên nó chẳng liên quan gì đến những phẩm chất vốn có của mỗi thứ tiếng. Câu trả lời hiển nhiên nằm ở sự tương tác của cung và cầu.

Đầu tư vào việc học ngoại ngữ luôn là một khoản đầu tư có lợi.
Đầu tư vào việc học ngoại ngữ luôn là một khoản đầu tư có lợi.

Theo thống kê, những người nói tiếng TBN đóng góp cao hơn vào tổng mức GDP của thế giới. Nhưng có một yếu tố hết sức quan trọng, đó là sự cởi mở về kinh tế. Đức là một đế chế thương mại, vì thế ngôn ngữ của nó sẽ có giá trị kinh tế cao hơn so với ngôn ngữ của một nền kinh tế ít cởi mở hơn.

Nhưng trong bối cảnh ở Mỹ, yếu tố quan trọng hơn có lẽ là nguồn cung ngôn ngữ. Những người không phải Mỹ Latin có thể sẽ chọn học tiếng TBN vì họ thấy thứ tiếng này được sử dụng rất nhiều ở nước mình.

Tuy nhiên họ sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với một người Mỹ Latin nhưng nói tiếng Anh tốt trong một công việc đòi hỏi cả hai ngôn ngữ. Nghĩa là, nên học một ngôn ngữ có mức “cầu” cao, chứ không phải mức “cung” ít. Đây là lý do khiến không ít các bậc cha mẹ ở Mỹ hướng con mình đến tiếng Trung Quốc.

Nghiên cứu của Albert Saiz còn cho thấy một loạt các nước giàu nhất trên thế giới đều có nên kinh tế mở và chú trọng thương mại. Ngoài các nền kinh tế dầu mỏ, thì 10 nước đứng đầu đều là những nước nơi người dân thông thạo 3 thứ tiếng là chuyện bình thường, chẳng hạn như Luxembourg, Thụy Sĩ và Singapore, và những nước nhỏ thuộc khu vực Scandinavi, nơi họ có thể nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.

Tất nhiên có nhiều nguyên nhân khiến những nước này giàu có. Nhưng tinh thần sẵn sàng học hỏi về các thị trường xuất khẩu, và ngôn ngữ ở đó, là một nguyên nhân khả dĩ.

Trong một nghiên cứu được thực hiện tại trường Kinh doanh Cardiff, người ta ước tính thiệt hại từ việc thiếu ngoại ngữ ở Anh là 48 tỉ Bảng/năm (~80 tỉ USD), tức 3,5% GDP mỗi năm. Dù con số đó có là bao nhiêu thì thiệt hại đến từ tâm lý giả định rằng khách hàng nước ngoài sẽ học tiếng Anh, chứ không bao giờ ngược lại, thậm chí còn cao hơn nữa.

Tuy nhiên mọi thứ đều có chi phí cơ hội. Một giờ dành để học tiếng Pháp sẽ là một giờ không học được một thứ khác. Nhưng sẽ không khó để tìm ra các môn học ở trường mang lại ít lợi ích về kinh tế hơn so với môn ngoại ngữ.

Tất nhiên mục đích của trường học còn gồm nhiều thứ chứ không chỉ gồm các cỗ máy nhỏ tạo ra GDP. Nhưng nếu mục đích chính mà chúng ta đang theo đuổi là GDP thì rõ ràng cả thế giới không ưa chuộng tiếng Anh như mọi người vẫn nghĩ.

Một dự đoán lạc quan được đưa ra là khoảng nửa dân số thế giới sẽ nói tiếng Anh vào năm 2050. Như vậy vẫn còn vài tỉ người không nói tiếng Anh, nghĩa là hàng tỉ người khác vẫn hạnh phúc với tiếng mẹ đẻ của mình.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM