Nghiên cứu mới: Đang ăn kiêng vẫn nên ăn nhiều cơm hơn một chút, thậm chí nó còn giúp giảm tình trạng béo phì trên toàn thế giới!

02/05/2019 08:34 AM | Khoa học

Theo đó, chất xơ, chất dinh dưỡng và các hợp chất thực vật có trong ngũ cốc nguyên hạt có thể làm tăng cảm giác no bụng đồng thời ngăn việc chúng ta ăn quá nhiều.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người thực hiện chế độ ăn kiêng có tiêu thụ cơm kiểu Nhật Bản hay kiểu châu Á có xu hướng ít bị béo phì hơn so với những người sống tại các quốc gia ít hoặc không tiêu thụ loại thực phẩm này.

Theo các chuyên gia, chế độ ăn ít carbohydrate – hạn chế cơm – là một hình thức giảm cân phổ biến ở nhiều nước phát triển, tuy nhiên sự ảnh hưởng của gạo đối với tình trạng béo phì đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Để đánh giá, họ xem xét việc tiêu thụ lượng cơm mỗi ngày của mỗi người và lượng calo nạp vào cơ thể tại 136 quốc gia. Bên cạnh đó, họ còn tính đến yếu tố chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index). Đây là chỉ số dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của một người thông qua chiều cao và cân nặng. Nguồn gốc của BMI bắt nguồn từ một nghiên cứu do nhà bác học người Bỉ tên là Adolphe Quetelet đưa ra năm 1832.

Chỉ số khối cơ thể được tính bằng tổng cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Kết quả sẽ được đối chiếu với bảng chỉ số BMI chuẩn để xác định một người thuộc loại gầy, béo hay bình thường.

Tại Vương quốc Anh, người ta chỉ tiêu thụ 19 gram cơm mỗi ngày. Một số quốc gia khác cũng có lượng tiêu thụ khiêm tốn là Canada, Tây Ban Nha và Mỹ.

Theo tính toán của các nhà khoa học, ngay cả việc tăng nhẹ lượng cơm lên 50 gram/ngày/người cũng có khả năng làm giảm 1% tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới (giảm từ 650 triệu người trưởng thành béo phì xuống còn 643,5 triệu người).

Nghiên cứu mới: Đang ăn kiêng vẫn nên ăn nhiều cơm hơn một chút, thậm chí nó còn giúp giảm tình trạng béo phì trên toàn thế giới! - Ảnh 1.

Ăn nhiều cơm hơn một chút có thể giảm 1% tình trạng béo phì trên thế giới.

Giáo sư Tomoko Imai từ trường Đại học Doshisha, Kyoto, Nhật Bản – người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Quan sát của chúng tôi đã chỉ ra rằng những nước sử dụng cơm như một loại lương thực chính có tỷ lệ béo phì thấp. Vì vậy, chế độ ăn kiêng kiểu Nhật hay châu Á có sử dụng cơm có thể giúp ngăn ngừa béo phì. Do tình trạng này đang ngày một gia tăng trên toàn thế giới, chúng ta nên tiêu thụ nhiều cơm hơn để phòng chống béo phì, đặc biệt là ở các nước phương Tây".

Về lý do giải thích cho tác dụng của cơm, Giáo sư Imai cho biết gạo có rất ít chất béo. Ngoài ra, nhiều khả năng là chất xơ, chất dinh dưỡng và các hợp chất thực vật có trong ngũ cốc nguyên hạt có thể làm tăng cảm giác no bụng đồng thời ngăn việc chúng ta ăn quá nhiều.

Tác giả của nghiên cứu kết luận: "Tỷ lệ béo phì thường thấp hơn đáng kể ở những nước có nguồn cung gạo lớn ngay cả khi xét đến yếu tố như thói quen ăn uống hay các chỉ số kinh tế xã hội".

Tam Fry, Chủ tịch của Diễn đàn Béo phì Quốc gia cho biết: Hàng thế kỷ qua, chúng ta vẫn biết rằng dân số ở phía đông có xu hướng mảnh mai hơn ở phía tây do thực phẩm chính của họ là gạo. Mặc dù vậy, có rất ít chuyên gia béo phì quan tâm và đánh giá cao điều này.

Nghiên cứu trên được đưa ra tại Hội nghị bàn về bệnh béo phì diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh và có lẽ đây là nghiên cứu đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng chúng ta có thể kiểm soát bệnh béo phì bằng cách tiêu thụ cơm nhiều hơn nhưng ở mức vừa phải.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM