Nghiên cứu dự báo sự thiếu thốn tới 5 triệu phụ nữ tại 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam vào năm 2030

17/08/2021 11:20 AM | Sống

Đến năm 2050, có thể có từ 2,3 đến 4,3 triệu đàn ông Việt Nam "ế vợ" vì thiếu phụ nữ.

Theo một chuyên khảo được thực hiện bởi Tổng cục thống kê năm 2020, tỷ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam hiện đang ở mức cao, với 111,5 bé trai trên 100 bé gái khi sinh. Con số cao hơn mức sinh học tự nhiên là 105 trẻ trai trên 100 trẻ gái, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 trong số các quốc gia mất cân bằng giới tính trầm trọng thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia giới tại Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho biết nếu không có biện pháp khắc phục, đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh có từ 2,3-4,3 triệu đàn ông "ế vợ" vì thiếu phụ nữ.

Nghiên cứu dự báo sự thiếu thốn tới 5 triệu phụ nữ tại 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam vào năm 2030 - Ảnh 1.

Thế nhưng, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với nguy cơ đó. Một nghiên cứu mới trên tạp chí BMJ Global Health dự báo trong vòng 10 năm nữa, có thể có tới 5 triệu phụ nữ bị "mất tích" tại 12 quốc gia có tỷ lệ giới tính khi sinh cao nhất thế giới, bao gồm: Hồng Kông (Trung Quốc), Gruzia, Hàn Quốc, Armenia, Azerbaijan, Trung Quốc, Ấn Độ, Albania, Montenegro, Đài Loan (Trung Quốc) và Tunisia.

Những phụ nữ "mất tích"

Khái niệm phụ nữ "mất tích" được hiểu là những bé gái đáng lẽ đã được sinh ra và lớn lên, nhưng người mẹ lại phá thai do ưu tiên chọn lọc giới tính. Tình trạng này thường xảy ra ở các quốc gia có tư duy trọng nam giới, và các dịch vụ siêu âm xác định sớm giới tính thai nhi và phá thai không được quản lý chặt chẽ.

Mặc dù phá thai có thể được coi là một phần của nữ quyền, khi những người phụ nữ có quyền quyết định những gì xảy ra đối với cơ thể, sức khỏe và tương lai của họ. Nhưng việc chọn lọc giới tính khi phá thai thì bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư duy và các chuẩn mực cổ hủ của xã hội.

Chẳng hạn, phân biệt giới tính vốn là một vấn đề trên toàn thế giới, nhưng ở một số nền văn hóa, tư duy trọng nam giới đã ăn sâu và vẫn chưa thể bứt rễ ra khỏi đời sống. Những quan niệm chỉ có nam giới mới có thể làm việc, nối dõi tông đường hoặc chăm sóc cha mẹ già vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Á.

Nghiên cứu dự báo sự thiếu thốn tới 5 triệu phụ nữ tại 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam vào năm 2030 - Ảnh 2.

Tại một số quốc gia Đông Nam Âu, phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử khi làm việc, nam giới được coi là lực lượng lao động cho gia đình còn phụ nữ thì không. Vì không được sở hữu tài sản và trong nhiều trường hợp, một người phụ nữ khi kết hôn còn phải cần có của hồi môn.

Những kỳ vọng văn hóa này vô tình coi phụ nữ là gánh nặng, đặc biệt là đối với các gia đình nghèo và đã sinh quá nhiều con gái. Tất cả đã dẫn đến hành vi chọn lọc giới tính khi sinh dẫn đến sự "mất tích" của hàng triệu phụ nữ trên thế giới.

Đến năm 2030, gần 5 triệu phụ nữ sẽ "mất tích" ở 12 quốc gia

Trong một nghiên cứu mới được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Mỹ, Ả rập Saudi, Singapore và Ấn Độ, họ đã khảo sát 3,26 tỷ lượt sinh tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để xác định được 12 nước có tỷ lệ giới tính nam/nữ mất cân bằng nhất.

Kết quả cho thấy trong vòng 50 năm trở lại đây, việc phá thai chọn lọc giới tính ở Trung Quốc, Ấn Độ và 10 quốc gia khác đã khiến từ 23 đến 45 triệu phụ nữ bị "mất tích". Đến năm 2030, ước tính những quốc gia đó sẽ mất thêm 4,7 triệu phụ nữ nữa, làm tỷ số giới tính của họ càng bị sai lệch nhiều hơn.

Ngoài ra, nghiên cứu trên tạp chí BJM Global Health còn xác định thêm 17 quốc gia khác cũng có nền văn hóa trọng nam giới và có thể đi theo vết xe của 12 quốc gia dẫn đầu bao gồm Nigeria, Pakistan, Ai Cập, Tanzania, Afghanistan và nhiều quốc gia Châu Phi ở vùng cận Sahara.

Nếu tính đến cả nhóm 29 quốc gia này, một kịch bản tồi tệ hơn có thể xảy ra làm biến mất thêm 22 triệu phụ nữ vào năm 2100. Trong đó, riêng các quốc gia ở châu Phi cận Sahara có thể đóng góp hơn một phần ba tổng số ca sinh con gái bị "mất tích".

Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề nhân khẩu học, các tác giả cho biết, "chẳng hạn như vấn nạn ép hôn, do thiếu phụ nữ để kết hôn. Một quần thể có ít phụ nữ hơn cũng sẽ dẫn đến hành vi chống đối xã hội và bạo lực tăng cao, cuối cùng ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài và bền vững của xã hội".

Nghiên cứu dự báo sự thiếu thốn tới 5 triệu phụ nữ tại 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam vào năm 2030 - Ảnh 3.

Hai kịch bản dự báo tỷ lệ sinh và sự "mất tích" của phụ nữ tại các quốc gia có văn hóa trọng nam giới vào năm 2100.

Một ví dụ điển hình như ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đang có nhiều hơn 70 triệu nam giới so với phụ nữ, tình trạng ép hôn xảy ra đang dẫn đến sự gia tăng đáng lo ngại về sự cô đơn, cũng như sự gia tăng bạo lực, buôn bán phụ nữ và mại dâm.

Các tác giả cho biết tỷ lệ giới tính khi sinh có thể dự báo trước mức độ hạnh phúc của người dân cũng như toàn xã hội trong tương lai. Do đó, các chính phủ của 12 quốc gia nêu tên cần tăng cường các biện pháp như khuyến khích sinh con gái hoặc hạn chế phá thai lựa chọn giới tính để sớm đưa được tỷ lệ giới tính giảm về con số cân bằng tự nhiên.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, triển khai các chương trình về bình đẳng giới cũng rất quan trọng. Ví dụ chính sách con gái cũng được thừa kế bình đẳng như con trai, chính sách về bảo trợ xã hội cho người cao tuổi, nhằm giảm áp lực cho các cặp vợ chồng phải có con trai để chăm sóc mình khi về già.

Giáo dục và truyền thông cũng cần góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi các định kiến về giới tính trong cộng đồng. "Những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi tỷ số giới tính khi sinh ở các quốc gia trọng nam giới, và giải quyết các yếu tố đằng sau sự tồn tại của định kiến này ngay từ nền tảng cơ sở của nó là trong chính các gia đình", các tác giả nghiên cứu viết.

Tham khảo Sciencealert , BMJ

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM