Nghiên cứu của Đại học Yale về thiên kiến giàu nghèo khi tuyển dụng sẽ khiến bạn bất ngờ

11/07/2020 15:00 PM | Xã hội

Ứng viên tại các buổi phỏng vấn thường mong rằng họ sẽ được đánh giá dựa trên kinh nghiệm, khả năng hay ý tưởng của mình. Nhưng một nghiên cứu tại đại học Yale cho thấy họ lại bị đánh giá dựa vào địa vị xã hội ngay từ khi bắt đầu cuộc phỏng vấn.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng người ta có thể đánh giá chính xác địa vị kinh tế xã hội (thu nhập, trình độ học vấn, vị trí nắm giữ) của một người xa lạ dựa trên cách nói chuyện, và những nhận định vô thức này có ảnh hưởng đến nhà tuyển dụng theo hướng thiên vị những ứng viên thuộc tầng lớp xã hội cao hơn.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy kể cả mới gặp, cách nói chuyện của bạn cũng tạo ra những nhận định khó thay đổi của người khác về bạn, gồm cả đánh giá về năng lực và sự thích hợp với một công việc nào đó", Michael Kraus, chuyên gia hành vi tổ chức ở Trường Quản lý Yale – đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết. "Mặc dù hầu hết các nhà tuyển dụng đều phủ nhận tầm quan trọng của địa vị xã hội khi đánh giá các ứng viên, trên thực tế yếu tố này lại bị đánh giá ngay từ những giây phút đầu tiên họ bắt đầu trò chuyện".

Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận dựa trên 5 nghiên cứu riêng biệt. 4 nghiên cứu đầu tiên xem xét tính chính xác của các đánh giá về địa vị xã hội mà ta có khi gặp một người lạ trong vài giây đầu. Kết quả cho thấy cách nói giống với giọng chuẩn (như kiểu giọng nói dùng cho các sản phẩm công nghệ: Amazon Alexa hoặc Google Assistant) thường được cho là gắn với địa vị xã hội cao hơn. Các nhà nghiên cứu cũng cho thấy cách phát âm của ứng viên còn thể hiện địa vị xã hội của họ chính xác hơn cả nội dung lời nói của họ.

Nghiên cứu của Đại học Yale về thiên kiến giàu nghèo khi tuyển dụng sẽ khiến bạn bất ngờ - Ảnh 1.

Nghiên cứu thứ 5 tìm hiểu những nhận định về cách nói của một người ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng ra sao. 20 ứng viên thuộc nhiều giai tầng xã hội đến từ cộng đồng New Haven được mời đến phỏng vấn cho vị trí tập sự quản lý phòng thí nghiệm tại Yale. Trước khi phỏng vấn, mỗi ứng viên được ghi âm lại đoạn họ tự mô tả về mình. Sau đó đoạn ghi âm này được chuyển cho 274 người có kinh nghiệm tuyển dụng nghe hoặc đọc bản chép lại, và họ phải đánh giá trình độ chuyên môn, mức lương khởi điểm, mức thưởng khi ký hợp đồng và địa vị xã hội của các ứng viên dựa trên đoạn ghi âm đó. Tất nhiên các nhà tuyển dụng này không được xem hồ sơ hoặc câu trả lời của các ứng viên trong cuộc phỏng vấn chính thức.

Kết quả là đánh giá về địa vị xã hội của những nhà tuyển dụng được nghe đoạn ghi âm chính xác hơn so với những người chỉ được đọc đoạn chép lại. Khi không có thông tin về năng lực của các ứng viên, các nhà tuyển dụng đánh giá các ứng viên thuộc giai tầng xã hội cao hơn là người thích hợp và đủ năng lực cho vị trí cần tuyển, và thích hợp hơn so với các ứng viên có địa vị xã hội thấp. Ngoài ra, họ còn cho các ứng viên có địa vị xã hội cao mức lương/thưởng cao hơn so với các ứng viên khác.

Nghiên cứu của Đại học Yale về thiên kiến giàu nghèo khi tuyển dụng sẽ khiến bạn bất ngờ - Ảnh 2.

"Chúng ta hiếm khi bàn đến địa vị xã hội, tuy nhiên các nhà tuyển dụng thường đánh giá năng lực và sự phù hợp dựa vào địa vị xã hội mà họ ước định trong vòng vài giây lắng nghe các ứng viên", Kraus cho biết.

"Nếu chúng ta muốn công bằng hơn, ta cần phải đấu tranh với những thiên kiến đã khắc sâu này. Ta cần hiểu rằng, tài năng không chỉ nằm ở những người sinh ra trong các gia đình giàu có hoặc được học hành tử tế."

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM