Nghịch lý tại quốc gia sắp vượt Qatar về xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới nhưng lại lâm vào cảnh... thiếu điện

11/07/2017 13:57 PM | Kinh tế vĩ mô

Nghe có vẻ phi thực tế nhưng một quốc gia giàu tài nguyên như Australia lại đang lâm vào một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng.

Vào một đêm hè tháng 2 tại thành Adelaide miền nam Australia, đợt nắng nóng trên 41 độ C tại đây đã khiến nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng cao chưa từng có và chính quyền địa phương đã phải yêu cầu trạm điện Pelican Point chủ chốt của vùng nâng công suất.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn thứ 2 thế giới này lại không thể cung cấp đủ nhiên liệu cho những trạm điện như Pelican Point và nhà chức trách đã phải cắt điện của hơn 90.000 hộ dân tại Adelaide nhằm tránh tình trạng quá tải.

Nghe có vẻ phi thực tế nhưng một quốc gia giàu tài nguyên như Australia lại đang lâm vào một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Hiện quốc gia này đứng thứ 2 về xuất khẩu khí đốt và sẽ vượt qua người đứng đầu Qatar trong vài năm nữa trước tình hình biến động ở Trung Đông như hiện nay. Số liệu của BP cho thấy Australia đã xuất khẩu 62% tổng sản lượng khí đốt khai thác trong năm 2016.


Australia được dự đoán sẽ vượt Qatar để trở thành nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới trong khi Mỹ nhiều khả năng sẽ vươn lên vị trí thứ 3

Australia được dự đoán sẽ vượt Qatar để trở thành nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới trong khi Mỹ nhiều khả năng sẽ vươn lên vị trí thứ 3

Dẫu vậy, Australia lại đang lâm vào tình trạng thiếu hụt quá độ trong quá trình chuyển giao năng lượng, điều mà nước Đức và Thủ tướng Angela Merkel lo ngại, qua đó dẫn đến việc đồng ý xây dựng thêm đường ống khí đốt với Nga dù đang có mâu thuẫn giữa 2 nước.

Với việc sản lượng khí đốt gia tăng, chính phủ Australia đã quyết định đóng cửa những nhà máy nhiệt điện chạy than cũ nhằm chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Dẫu vậy, hệ thống điện gió và mặt trời của nước này còn quá yếu khiến người dân buộc phải phụ thuộc vào nhiệt điện chạy bằng khí đốt, gây nên tình trạng quá tải và thiếu điện.

Nhu cầu khí đốt cao đã đẩy giá nhiên liệu này từ mức 1 USD lên 7 USD tại Australia, cao hơn rất nhiều so với mức 3 USD tại Mỹ. Điều này đã khiến nhiều nhà máy phát điện gặp khó khi không đủ tài chính mua nhiên liệu hoạt động, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân cũng như hoạt động kinh doanh trong nước.

Vào tháng 3 vừa qua, nhà máy sản xuất nhôm lớn nhất của nước này đã phải cắt giảm 50% sản lượng cũng như sa thải bớt lao động bởi họ không đảm bảo được một nguồn nhiên liệu khí đốt giá rẻ cho hoạt động sản xuất.


Nguồn cung khí đốt tại các mỏ bờ Đông Australia chủ yếu được dùng cho xuất khẩu hơn là thị trường nội địa

Nguồn cung khí đốt tại các mỏ bờ Đông Australia chủ yếu được dùng cho xuất khẩu hơn là thị trường nội địa

Quay ngược trở lại vào tháng 2 trước đó, rất nhiều ngư dân tại quốc gia này đã phải đổ cá ngừ đi bởi họ không đủ điện để giữ đông hải sản. Năm 2016, rất nhiều bệnh viện trong vùng đã gặp khó khăn với tình trạng cắt điện thường xuyên gây ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân cũng như hoạt động khám chữa bệnh.

Nguyên nhân chính của việc quá chú trọng vào xuất khẩu mà bỏ bê thị trường trong nước dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng này là do những hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn với nước ngoài mà các công ty khai thác không thể từ chối để giúp đỡ thị trường trong nước được.

Tình hình tại Australia tồi tệ đến mức Tỷ phú Elon Musk đã tuyên bố sẽ xây một nhà máy sản xuất ắc quy lớn tại đây nhằm cung cấp năng lượng sạch cho đất nước cũng như giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng.

Cuộc khủng hoảng tại Australia cũng đang khiến nhiều chuyên gia tại Mỹ lo lắng bởi nền kinh tế số 1 thế giới này cũng đang dư thừa khí đốt và muốn tăng cường xuất khẩu. Trạm xuất khẩu khí đốt đầu tiên tại Mỹ đã được xây dựng tại Louisiana vào năm 2016 và Bộ năng lượng Mỹ cho biết nước này đang hướng đến vị trí thứ 3 về xuất khẩu khí đốt toàn cầu từ nay đến năm 2020.


Giá khí đốt tại miền Đông nước này đi lên dù có nhiều mỏ khí đốt

Giá khí đốt tại miền Đông nước này đi lên dù có nhiều mỏ khí đốt

Gã nhà giàu khí đốt thiếu điện

Nguồn tài nguyên khí đốt tại Australia đã được phát hiện từ lâu nhưng chỉ đến khi giá năng lượng leo thang với nhu cầu ngày một lớn từ Trung Quốc thì nhiều tập đoàn lớn như Royal Dutch Shell mới hào hứng với những mỏ khí đốt của quốc gia này.

Vào năm 2008, công ty Conoco Phillips đầu tư 8 tỷ USD cho một liên doanh khai thác khí đốt ở Australia. Năm 2010, Sell và Petro China chi 3 tỷ USD để mua lại hãng khai thác khí đốt Arrow Energy, hiện công ty này đã có tổng giá trị 10 tỷ USD.

Năm 2009, hãng BP ký kết hợp đồng xuất khẩu khí đốt dài hạn với Adelaine với thời hạn 20 năm. Đây cũng là hợp đồng dài hạn đầu tiên trong hàng loạt những thỏa thuận dài hạn khác được các công ty khai thác ký, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước như hiện nay.

Trong khi nhiều chính trị gia phản đối việc những tập đoàn dầu khí tập trung quá nhiều vào xuất khẩu mà bỏ bê thị trường trong nước thì nhiều giám đốc cho rằng nhờ những khoản đầu tư và lợi nhuận lớn từ thị trường nước ngoài mà ngành năng lượng Australia mới tạo ra được nhiều việc làm cũng như thúc đẩy kinh tế vực dậy từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008.

Một điều trớ trêu là chính phủ Australia lại không có kế hoạch dự trữ khí đốt dài hạn nhằm đề phòng trường hợp thiếu hụt do họ quá tự tin vào nguồn tài nguyên khổng lồ của mình. Hậu quả là nước này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp điện năng cho người dân dù không thiếu khí đốt.

Bên cạnh đó, việc Australia cũng như nhiều quốc gia phát triển khác cương quyết từ bỏ nguồn năng lượng bẩn như than đá đã khiến nước này bị thiếu hụt điện năng trong quá trình chuyển tiếp lên năng lượng sạch. Các khu vực miền Nam Australia đã đặt mục tiêu sản xuất 50% năng lượng sách trong năm 2014-2015 và dầu khí là loại nhiên liệu được chọn nhằm đảm bảo cho quá trình chuyển tiếp này.

Hàng loạt những nhà máy nhiệt điện cùng các công ty khai thác than đã bị hạn chế hoặc thậm chí cấm hoạt động. Trong khi đó, những nhà máy nhiệt điện bằng khí đốt hiện chiếm 25% tổng công suất điện năng đang ngày một xây dựng nhiều hơn.

Bất chấp điều đó, việc thiếu hụt điện năng vẫn diễn ra như cơm bữa tại Australia. Vào tháng 9/2016, khoảng 1,7 triệu người dân tại miền Nam nước này đã bị cắt điện trong 12 ngày do thiên tai, bão lũ ảnh hưởng đến hệ thống điện cũng như tình trạng không ổn định trong nguồn cung khí đốt.

Theo Tổng cục thống kê Australia (ABS), tại thời điểm 90.000 hộ dân tại Adelaine bị cắt điện, khoảng 314.000 tấn khí đốt đã được xuất khẩu tại cảng Gladstone ra nước ngoài. Lượng khí đốt này có thể cung cấp điện năng cho 750.000 hộ gia đình Australia trong vòng 1 năm.


Bà Lynda Pearce

Bà Lynda Pearce

Trong khi đó, người dân Australia đang ngày càng bất bình với chính sách điện năng hiện nay của chính phủ. Bà Lynda Pearce, 68 tuổi, sống tại Gladstone cho biết giá điện trong 3 tháng qua đã tăng khoảng 6% dù tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra.

“Chuyện này thật ngớ ngẩn khi chúng tôi xuất khẩu khí đốt ra nước ngoài khi người dân trong nước lại đang cần chúng”, bà Pearce nói.

BT

Cùng chuyên mục
XEM