Nghịch lý 'sợ giàu' ở Trung Quốc: Chẳng ai ham hố danh nhiều tiền nhất, giàu là tốt nhưng giàu quá 'mất vui'

13/04/2021 09:14 AM | Kinh doanh

Các ông trùm ở Trung Quốc vẫn tìm cách để tự kéo tụt thứ hạng của mình trên bảng xếp hạng tỷ phú để "yên ổn" làm ăn.

Nếu là một ông trùm bất động sản hoặc công nghệ ở Trung Quốc, bạn cần cẩn thận. Tại đất nước tỷ dân, giàu có là chuyện tốt nhưng lại… không nên quá giàu. Việc đứng đầu bảng xếp hạng tỷ phú tiềm ẩn những rủi ro lớn. Chỉ cần nhìn vào những người từng giữ vị trí này là thấy: Tất cả đều gặp rắc rối.

Nguyên nhân là Bắc Kinh vốn "cảnh giác" với các công ty bất động sản (và mới đây là doanh nghiệp công nghệ) giàu có bởi họ thường vay nợ lớn để kích thích tăng trưởng. Điều này có thể đẩy sức khỏe tài chính của khối doanh nghiệp Trung Quốc vào nguy hiểm.

Wang Jianlin, người sáng lập tập đoàn bất động sản Dalian Wanda và tỷ phú giàu nhất Trung Quốc năm 2016, đã bị chính phủ Trung Quốc buộc phải rút vốn khỏi các tài sản ở nước ngoài sau khi Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch giảm nợ vay của khối doanh nghiệp một cách nghiêm túc.

Hay Hui Ka Yan, người giàu nhất Trung Quốc năm 2017 cũng bị yêu cầu giảm nợ vay sau khi Evergrande – tập đoàn bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, vi phạm 3 mức "báo động đỏ".

Và trường hợp nổi tiếng nhất được Bắc Kinh lấy làm gương chính là Jack Ma – nhà sáng lập Alibaba. Cuối năm ngoái, ông đã thẳng thừng chỉ trích các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc và 5 tháng sau, tập đoàn của ông chịu mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì độc quyền.

Nghịch lý sợ giàu ở Trung Quốc: Chẳng ai ham hố danh nhiều tiền nhất, giàu là tốt nhưng giàu quá mất vui - Ảnh 1.

Tỷ phú Jack Ma.

Trong khi đó, Pony Ma – ông chủ của đế chế Tencent cũng không phải ngoại lệ khi Bắc Kinh đang coi tập đoàn của ông là mục tiêu giám sát tiếp theo. Gần đây, vị tỷ phú đã gặp các cơ quan giám sát của Trung Quốc để thảo luận việc tuân thủ luật chống độc quyền.

Càng lớn và càng phát triển, các công ty công nghệ càng bị để ý. Sự xuất hiện khắp nơi của Alibaba và Tencent trong nền kinh tế có thể cản trở sự đổi mới cũng như gây ra rủi ro hệ thống cho xã hội.

Do đó, giới tỷ phú Trung Quốc đã dùng một số cách thông minh để bảo toàn tài sản của mình một cách hợp tình hợp lý.

Dưới đây là 3 cách mà họ thực hiện:

Làm từ thiện

Nếu là tỷ phú giàu nhất Trung Quốc thì hãy là người làm từ thiện nhiều nhất. Hè năm ngoái, Colin Huang, nhà sáng lập Pinduoduo – công ty 6 năm tuổi vừa vượt qua Alibaba để trở thành trang mua sắm trực tuyến phổ biến nhất Trung Quốc, đã quyên góp hơn 10% cổ phần công ty cho hoạt động từ thiện và nghiên cứu khoa học.

Cùng việc chuyển nhượng 2,7% cổ phần cho một nhà đầu tư ban đầu, tài sản của Huang đã giảm hơn 10 tỷ USD, theo Bloomberg. Hiện tại, Huang sở hữu 46,3 triệu USD, chỉ kém 16 triệu USD so với Zhong Shanshan, chủ tịch công ty nước đóng chai Nongfu Spring – người giàu nhất Trung Quốc hiện nay.

Nghịch lý sợ giàu ở Trung Quốc: Chẳng ai ham hố danh nhiều tiền nhất, giàu là tốt nhưng giàu quá mất vui - Ảnh 2.

Tỷ phú Colin Huang.

Cách đây không lâu, Huang đã từ chức chủ tịch Pinduoduo để tập trung nghiên cứu khoa học đời sống. Việc này khiến cổ phiếu công ty sụt giảm và cá nhân vị tỷ phú mất 4 tỷ USD.

Trường hợp của Huang vẫn chưa "thấm" vào đâu so với Hui Ka Yan. Năm ngoái, ông đã quyên góp tới 152 triệu USD, qua đó trở thành người từ thiện nhiều nhất Trung Quốc trong 4 năm liên tiếp.

Có thể nói, việc "tụt hạng" trong bảng xếp hạng tỷ phú là điều quan trọng ở Trung Quốc và từ thiện chính là cách tốt để các doanh nhân thực hiện điều đó.

Thay đổi cấu trúc cổ phiếu

Thứ hạng tỷ phú thế giới bị ảnh hưởng nhiều bởi giá cổ phiếu trong khi những tài sản cá nhân khác như vốn đầu tư mạo hiểm lại bị bỏ qua.

Kết quả là các tỷ phú trong lĩnh vực công nghệ như Jeff Bezos hay Elon Musk mới được xếp hạng là người giàu nhất, nhì thế giới. Trong khi đó, tỷ phú Trung Quốc lại phải tìm cách kiềm chế đà tăng của tài sản khi giá cổ phiếu tăng.

Để làm điều này, cấu trúc cổ phiếu 2 tầng trở thành phương pháp hữu dụng. Họ dùng chiến lược trên để duy trì quyền kiểm soát khi các startup của họ gọi vốn đầu tư mạo hiểm và sau đó IPO. Ngoài ra, họ có thể dùng nó để ngăn thứ hạng tỷ phú của mình tăng cao.

Tiếp tục lấy Huang làm ví dụ. Khi ông vẫn là chủ tịch, cổ phiếu loại B (thứ đem lại quyền biểu quyết lớn gấp 10 lần cổ phiếu loại A), giúp ông nắm 80% quyền kiểm soát công ty. Dù vậy, xét về quyền lợi thụ hưởng, ông chỉ có 29% cổ phần vì 2 hạng cổ phiếu này mang lại quyền kinh tế như nhau. Và 29% cổ phần đó chính là những gì các bảng xếp hạnG tỷ phú xét đến khi ước tính tài sản.

Thành lập công ty con

Hui Ka Yan còn sở hữu một tài sản đáng giá khác mà không được các bảng xếp hạng tính đến. Ông sở hữu hơn 70% cổ phần của Evergrande – tập đoàn nắm giữ hơn 70% cổ phần của Evergrande New Energy Vehicle.

Nghịch lý sợ giàu ở Trung Quốc: Chẳng ai ham hố danh nhiều tiền nhất, giàu là tốt nhưng giàu quá mất vui - Ảnh 3.

Ông trùm bất động sản Hui Ka Yan.

Nhờ làn sóng cổ phiếu công nghệ xanh toàn cầu tăng, giá trị thị trường của công ty này đã tăng hơn 1.000% trong năm ngoái lên 76 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 25 tỷ USD của công ty mẹ.

Nếu tính riêng tài sản là phần sở hữu tại Evergrande New Energy Vehicle, Hui đã là người giàu thứ 5 Trung Quốc. Tuy nhiên, trên các bảng xếp hạng tỷ phú, tài sản của ông chỉ được tính dựa trên số cổ phần tại Evergrande. Do đó, con số này thấp hơn thực tế khoản 20 tỷ USD. Thời điểm hiện tại, ông là người giàu thứ 13 Trung Quốc với khối tài sản 23 tỷ USD.

Còn tỷ phú giàu nhất Trung Quốc thì sao? Ông trùm nước đóng chai có nên lo lắng? Thứ nhất, ông không thuộc lĩnh vực bất động sản và công nghệ đầy biến động. Thứ hai, ông cũng là người kinh doanh có mục đích tốt với cổ phần chi phối tại một công ty sản xuất vaccine và bộ xét nghiệm viêm gan. Cuối cùng, nếu muốn không phải là người giàu nhất, ông có thể nhượng lại một phần trong số 84% cổ phần tại Nongfu Spring. Sự giàu có của vị tỷ phú này là kiểu "có tính toán", vậy nên, ông có thể "ngủ ngon" hơn những người khác.

Nguồn: Mint

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM