"Nghịch lý" dịch Covid-19: Nếu thương nhau, hãy tạm xa nhau!

17/03/2020 09:31 AM | Sống

"Chúng ta đang trải qua một thời kỳ lạ lùng, khi mà có thể cứu người chỉ bằng… cách mặc đồ ngủ và ở nhà xem phim" - tác giả Hoàng Oanh, hiện sống và làm việc tại Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, dí dỏm chia sẻ.

Vào thời điểm viết những dòng này, đất nước Đan Mạch nơi tôi đang định cư đã cập nhật con số 889 ca nhiễm Covid-19 và một ca tử vong.

Nếu so với thời điểm cách đây hơn 2 tuần khi ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào ngày 27-2, đây là một sự "tăng trưởng" quá nhanh, quá nguy hiểm mà chẳng ai mong muốn. Còn nếu đặt trên tổng dân số chỉ gần 5,8 triệu người của đất nước Bắc Âu nhỏ bé này thì con số người nhiễm bệnh gia tăng mỗi ngày khiến người ta phải hoang mang hỏi nhau chuyện gì đang xảy ra.

Dù vậy, sự hoang mang đó đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự tuân thủ những hướng dẫn rõ ràng của chính phủ trong nỗ lực chống dịch: Nếu thương nhau, hãy tạm xa nhau!

 Nghịch lý dịch Covid-19: Nếu thương nhau, hãy tạm xa nhau!  - Ảnh 1.

Siêu thị rất vắng trong những ngày phong tỏa trong khi hàng hóa vẫn đầy đủ

Đối phó với Covid-19 có lẽ là thử thách lớn nhất cho đến thời điểm này của chính phủ bà Mette Frederiksen (mới đắc cử hồi tháng 8 năm ngoái). Tuy nhiên, nhiều người nhận xét nữ thủ tướng đã kịp thời đưa ra những quyết định cứng rắn trong bối cảnh châu Âu bị "chê" là chậm chạp và chủ quan.

Đan Mạch là quốc gia thứ hai ở châu Âu (sau Ý) ra lệnh phong tỏa toàn quốc, đóng cửa toàn bộ trường học, công sở, bảo tàng, nhà hát… từ ngày 11-3.

Đến ngày 13-3, bà Mette thông báo đóng cửa luôn tất cả biên giới trong vòng một tháng, khiến những người nước ngoài ở Đan Mạch chỉ có chưa đầy một ngày để "tháo chạy" (đó là tình cảnh của Tom, anh bạn người Anh đang thuê nhà của vợ chồng tôi ở TP Vejle). Hôm sau nữa, bà Frederiksen lên truyền hình phổ biến về gói cứu trợ khẩn cấp dành cho doanh nghiệp chịu thiệt hại và các cá nhân bị sa thải.

Cuối mỗi bản tin, bà đều nhắc nhở mọi người hãy làm việc ở nhà, ăn tối với gia đình, hạn chế hẹn hò, tạm thời đừng đến nơi đông người và tuyệt đối không đi thăm ông bà hoặc nhờ họ trông con. "Lúc này, chúng ta hãy thể hiện tinh thần cộng đồng bằng cách ở càng xa nhau càng tốt" - bà nhấn mạnh.

 Nghịch lý dịch Covid-19: Nếu thương nhau, hãy tạm xa nhau!  - Ảnh 2.

Đường phố ở thị trấn Havsø vắng vẻ vì mọi người đều ở nhà

Sợ rằng người trẻ ít xem tivi, nữ thủ tướng còn mượn tạm kênh của Alexander Husum - anh chàng YouTuber nổi tiếng nhất ở Đan Mạch - để truyền thông điệp này đến hơn 300.000 người theo dõi anh.

Bà Mette cũng tham gia chương trình thiếu nhi để trả lời trực tuyến những câu hỏi của trẻ em về Covid-19. Có bé hỏi: "Cháu muốn tổ chức sinh nhật và mời 22 bạn được không ạ?". Bà thủ tướng bảo: "Trước hết, bác chúc mừng sinh nhật cháu nhưng mời 22 bạn trong thời điểm này là hơi đông rồi. Bác rất tiếc nhưng cháu vui lòng hoãn lại cho an toàn nhé!".

Về phía người dân, tuy có bất ngờ vì các sự kiện và kế hoạch đều bị hủy vào phút chót nhưng tôi thấy đa phần họ đều đồng ý và tin tưởng vào những quyết định của chính phủ. Ai về nhà nấy, tập trung giải quyết mọi việc, không than phiền, chỉ trích hay nghi ngờ.

Mọi người bình thản làm việc tại nhà hoặc nghỉ phép có lương. Đường phố vắng vẻ, các nhà hàng tạm đóng cửa. Mọi người chuyển sang dùng ôtô, xe đạp hay đi bộ thay vì di chuyển bằng tàu điện và xe buýt.

 Nghịch lý dịch Covid-19: Nếu thương nhau, hãy tạm xa nhau!  - Ảnh 3.

Một cửa hàng nông sản hữu cơ không người bán vẫn mở cửa bình thường. Đây là mô hình dựa trên lòng tin, nông dân để sản phẩm ở đó, người mua tự lấy và bỏ tiền vào thùng hoặc trả qua ứng dụng trên điện thoại

Chồng tôi là kiến trúc sư, anh có thể làm việc từ xa nên chúng tôi quyết định dọn về nông thôn ở Havsø, một thị trấn nhỏ phía Tây Copenhagen để "tự cách ly". Lý do là vì chung cư chúng tôi ở thủ đô Copenhagen có khá nhiều cụ lớn tuổi - đối tượng dễ bị trở nặng nếu nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Chúng tôi không muốn virus mà mình vô tình mang phải sẽ lây cho người già, người có sẵn bệnh trong chung cư. Hai vợ chồng cũng thông báo sẽ không về thăm bố mẹ chồng trong vài tuần tới.

Thời gian "tự cách ly" ở nông thôn, chúng tôi dành để làm việc, đọc sách, nấu ăn, đi dạo trong vườn, tự học vài điều mới mẻ. Chồng tôi bảo nếu không may mà cả hai nhiễm bệnh thì hy vọng chúng tôi có đủ sức khỏe để tự vượt qua mà không phải vào bệnh viện, để nhường chỗ cho những người già và yếu. Đó cũng là cách hành xử chung ở đây, phần lớn các ca bệnh đều được bác sĩ cho điều trị tại nhà, giường bệnh chỉ dành cho những ca nặng cần sự chăm sóc đặc biệt.

Khi theo dõi tin tức tình hình Covid-19 ở quê nhà Việt Nam, tôi thấy khá yên tâm bởi cả nước đang đồng lòng chống dịch hiệu quả, kiểm soát các nguồn lây, chia sẻ thông tin, khoanh vùng cách ly chặt chẽ. Ngược lại, gia đình và bạn bè lại khá lo lắng cho tôi trong tình hình châu Âu "vỡ trận".

 Nghịch lý dịch Covid-19: Nếu thương nhau, hãy tạm xa nhau!  - Ảnh 4.

Một ông cụ đang đi bộ sưởi nắng

Tuy nhiên, bản thân tôi tin rằng các chính phủ đang làm đúng trách nhiệm của họ tùy theo đặc tính mỗi quốc gia. Không thể đem mô hình hay cách làm của nước này áp dụng lên nước kia. Sẽ rất khập khiễng nếu đứng ngoài mà phân tích đúng hay sai, nên hay không nên.

Tôi chọn cách tin tưởng vào chính quyền nơi mình sống, thực hiện những hướng dẫn của chính quyền và ngồi yên cho chính quyền làm việc. Tôi cũng tích trữ thực phẩm nhưng chỉ mua đủ dùng để những người khác còn có mà mua. Chính quyền đã cam kết sẽ không thiếu bánh mì và giấy vệ sinh.

Tóm lại, tôi nhận thấy sự bình thản và hài lòng - đặc tính nổi tiếng của dân tộc Đan Mạch, đã đem lại thành tích nhiều năm liền được vinh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - càng rõ nét trong những ngày này.

Dù biết đâu tuần sau con số sẽ lên đến vài ngàn ca nhiễm và biết đâu sẽ đến lượt mình bị nhiễm nhưng tôi cùng những người bạn Đan Mạch mà tôi yêu quý vẫn chọn cuộc sống bình tĩnh, lạc quan và tử tế nhất có thể. Có những điều ta không kiểm soát được nhưng suy nghĩ tích cực trong đầu là thứ ta có thể tự quản lý. Chúng ta đang trải qua là một thời kỳ lạ lùng mà có lẽ sau này khi nhớ lại sẽ có bao nhiêu câu chuyện để kể. Chẳng mấy khi ta có thể cứu người chỉ bằng cách mặc đồ ngủ và ở nhà xem phim đó sao?

Theo Hoàng Oanh

Cùng chuyên mục
XEM