Nghịch lý đầu tư vào dịch vụ chia sẻ xe của Hyundai: Chi hàng trăm triệu USD ở nước ngoài nhưng lại bỏ bê thị trường Hàn Quốc

27/02/2019 14:00 PM | Kinh doanh

Tập đoàn Hyundai đã đầu tư 277 triệu USD vào Grab trong năm ngoái nhưng con số này ở thị trường trong nước của họ lại chưa đến 5 triệu USD.

Tập đoàn ô tô Hyundai đang đầu tư rất lớn vào lĩnh vực chia sẻ xe và một số dịch vụ khác trên toàn thế giới nhưng họ lại khá do dự trong việc làm điều đó tại thị trường trong nước.

Ngày 25/2 vừa qua, quan chức của ngành cho biết không chỉ đại gia ô tô Hyundai mà các công ty chia sẻ xe hàng đầu thế giới đang có xu hướng bỏ qua thị trường Hàn Quốc do sự phản đối mạnh mẽ của tài xế taxi truyền thống cũng như quy định liên quan tới dịch vụ đầy triển vọng này.

Nghịch lý đầu tư vào dịch vụ chia sẻ xe của Hyundai: Chi hàng trăm triệu USD ở nước ngoài nhưng lại bỏ bê thị trường Hàn Quốc - Ảnh 1.

Tài xế taxi truyền thống ở Hàn Quốc biểu tình phản đối dịch vụ chia sẻ xe.

Theo một nguồn tin trong ngành chia sẻ xe, tập đoàn Hyundai đã kết thúc một số cuộc đàm phán gần đây về việc mua ít nhất 10% cổ phần của Green Car, một trong những công ty chia sẻ xe tiên phong của Hàn Quốc.

Cổ đông lớn nhất của Green Car là Lotte Rental. Mới đây, tập đoàn sản xuất dầu mỡ nhờn hàng đầu của Hàn Quốc GS Caltex đã trở thành cổ đông lớn thứ hai của Green Car với 10% cổ phần. Một nguồn tin cho biết Hyundai từng xem xét đầu tư vào Caltex và thành lập liên minh nhưng đã hủy kế hoạch này.

Đây không phải lần đầu tiên Hyundai đầu tư vào các công ty chia sẻ xe trong nước. Năm 2017, họ đã mua 12,2% cổ phần trị giá 4,46 triệu USD của startup Luxi rồi bán lại cho Kakao Mobility 1 năm sau đó.

Những động thái trên hoàn toàn trái ngược với các khoản đầu tư ở nước ngoài của tập đoàn. Năm ngoái, Hyundai và Kia Motors đã đầu tư tổng cộng 277 triệu USD vào Grab.

Sau đó, Hyundai đã tiếp tục đầu tư vào công ty chia sẻ xe ngang hàng Car Next Door của Úc và công ty chia sẻ xe đứng thứ 2 tại Ấn Độ là Revv. Ngoài ra, tập đoàn còn vận hành dịch vụ chia sẻ xe riêng của mình ở Hà Lan bằng cách sử dụng xe điện Ioniq.

Nghịch lý đầu tư vào dịch vụ chia sẻ xe của Hyundai: Chi hàng trăm triệu USD ở nước ngoài nhưng lại bỏ bê thị trường Hàn Quốc - Ảnh 2.

Một chiếc xe điện phục vụ tại Hà Lan của Hyundai.

Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Hyundai, Chung Eui-sun vẫn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của vận tải trong thời đại mới. Phát biểu tại Ấn Độ năm ngoái, ông nói: "Hyundai đang cố gắng cung cấp sự tiện lợi trong di chuyển cho mọi người thông qua đầu tư vào các dịch vụ như chia sẻ xe và gọi xe".

Dù tập đoàn không nêu rõ lý do không đầu tư vào dịch vụ tương tự ở trong nước nhưng một số quan chức trong ngành cho rằng nguyên nhân một phần là vì "sự phản đối gay gắt của tài xế truyền thống" và quan điểm tiêu cực về việc "một tập đoàn có quy mô lớn như Hyundai lại cạnh trong lĩnh vực nên ưu tiên cho các công ty khởi nghiệp".

Ở thời điểm hiện tại, tài xế taxi ở Hàn Quốc vẫn đang mạnh mẽ phản đối các công ty chia sẻ xe. Vì lý do này, ngày 18/1 vừa qua, Kakao Mobility đã phải tạm ngừng dịch vụ thí điểm của mình. Trước đó, hãng cũng phải hoãn việc ra mắt dịch vụ chính thức dự kiến vào ngày 17/12 năm ngoái sau cái chết của một tài xế tự thiêu trong một cuộc biểu tình. Không những vậy, lái xe truyền thống còn mâu thuẫn với dịch vụ chia sẻ xe trong nước là SoCar. Họ từng đệ đơn khiếu nại liên quan đến CEO của công ty.

Theo một nhân vật trong ngành, tài xế truyền thống ở Hàn Quốc thậm chí còn không ưa các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chia sẻ xe. Nếu Hyundai tham gia đầu tư, nhiều khả năng họ sẽ còn bị phản đối dữ dội hơn.

Bên cạnh đó, thái độ không mấy thiện chí của chính phủ và cơ quan pháp lý của Hàn Quốc cũng là một trở ngại khác đối với việc đầu tư vào các doanh nghiệp chia sẻ xe của Huyndai.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM