Nghịch lý của bận rộn và nhàn hạ: Bận rộn giúp tiến bộ, nhàn rỗi thường xuyên sẽ mài mòn ý chí và gây suy giảm sức khoẻ của bạn!

21/01/2020 14:15 PM | Sống

Người xưa từng dạy rằng, tìm được sự nhàn rỗi trong cái bận rộn mới là điều đáng quý nhất. Sự nhàn hạ khi đặt đan xen giữa những khoảng thời gian bận rộn mới thực sự có ý nghĩa. Còn khi nó được đặt độc lập một mình, người phải hưởng nó sẽ nhanh chóng suy kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần.

(1)

Tôi từng lên Hà Giang để thăm một người bạn. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, quen sống trong sự đùm bọc của cha mẹ nên chuyến đi này có thể coi là một thử thách đối với tôi. Phải ngồi trên xe gần 6 tiếng, đi qua những cung đường gập ghềnh khúc khuỷu, mặt tôi xanh như tàu lá, tay chân bủn rủn, còn đầu thì chẳng nghĩ được gì ngoài việc tính toán xem bao giờ mới tới được Hà Giang. Khi tới Hà Giang, tôi hỏi bác tài xế có thể chuyển khoản tiền xe cho bác được không. Bác trả lời một cách hờ hững rằng bản thân không thích những con số ảo đó và yêu cầu tôi trả tiền mặt cho bác.

Xuống xe, ấn tượng đầu tiên của tôi về Hà Giang là một nơi yên tĩnh, an ổn và thành bình.

Sau khi tốt nghiệp, bạn tôi quay về Hà Giang và tìm được cho mình một công việc. 8 giờ sáng mỗi ngày, cậu đi làm. Đến trưa, cậu quay trở về kí túc xá nghỉ ngơi, trước khi quay trở lại công ty và làm một mạch đến 5 giờ chiều.

Mẹ cậu thường dặn phải bình tĩnh sống. Bạn học với cậu thì bảo, cậu làm việc hùng hục như vậy làm gì. Sống vội thì đời trôi qua vội, có ích gì đâu. Thay vì thế, sống chầm chậm, thoải mái tận hưởng ngày qua ngày chẳng phải tốt hơn nhiều sao?

Thành phố Hà Giang thật yên bình. Tôi thậm chí nhìn không thấy sự vội vàng, hối hả trong nhịp sống của người dân tại đây. Bạn tôi bảo công việc của cậu tại đây rất nhàn. Đặt chân đến đây, tôi mới biết cậu không hề đùa cợt về chuyện này.

Hầu như tất cả mọi người trong công ty của cậu đều có chung một phong cách làm việc. Hầu như ai cũng sử dụng thời gian đi làm của mình để đọc báo, lướt điện thoại, xem những clip giải trí trên mạng. Công việc ở đây không có nhiều, vì thế ai cũng cứ thong thả sống như vậy ngày quay ngày. Thời gian trôi qua, họ biết sự chây ì của bản thân để khiến họ không thể rời khỏi nơi làm việc này nữa rồi.

Những người ngưỡng mộ cuộc sống của cậu ấy ghen tị vì cậu được làm một công việc sao sung sướng quá. Họ ước giá mà mình đi làm cũng được như cậu: Sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, cả ngày không phải lo toan trong mớ công việc chất dồn từ hôm này qua hôm khác.

Nhưng điều mà họ không ngờ, cậu bạn quan niệm cái giá của những nhàn hạ kiểu này là sự mệt mỏi về thể xác và tinh thần. Nếu được lựa chọn, cậu thích bản thân được bận rộn hơn.

Nghịch lý của bận rộn và nhàn hạ: Bận rộn giúp tiến bộ, nhàn rỗi thường xuyên sẽ mài mòn ý chí và gây suy giảm sức khoẻ của bạn!  - Ảnh 1.

(2)

Tôi có chút sửng sốt. Tại sao có người lại ao ước được giữ cho mình trở nên bận rộn. Sự nhàn hạ chẳng phải đích đến của đời người sao?

Hai ngày tiếp theo, những sự kiện xảy ra trên Hà Giang đã làm tôi phải thay đổi quan điểm của mình.

Sáng hôm sau, tôi cùng cậu ấy đến công ty nơi cậu làm việc. Cậu bắt đầu ngày mới của mình bằng cách đọc một tờ báo. Không có việc gì làm, tôi thuận tay lôi điện thoại ra để lướt lướt trong vô định. Thời gian cứ như vậy trôi qua, lúc cậu ấy đưa tôi cốc nước để uống thì tôi giật mình nhận ra sắp đến giờ ăn trưa rồi.

Đến giờ nghỉ trưa, bọn tôi ra ngoài ăn cơm rang dưa bò. Sau đó, chúng tôi quay trở lại công ty. Ngồi ở phòng làm việc thực sự không có gì để làm, bạn tôi rủ tôi xuống chơi bi-a ở dưới lầu. Cuộc chơi diễn ra hơn 3 tiếng, lúc kết thúc thì đồng hồ điểm 4 giờ chiều. Chúng tôi quay về phòng làm việc, tìm cách để tiêu nốt số thời gian còn lại.

Tôi định bụng sẽ lấy một quyển sách ra để đọc, nhưng người đi lại trong phòng ồn đến mức không chữ nào trên quyển sách nhập vào đầu tôi được. Bạn tôi ngồi bên cạnh, bật trình phát video trên Facebook, mặt đăm chiêu xem những đoạn phim giải trí. 1 tiếng cuối cùng của giờ làm việc trôi qua mà tôi cảm thấy như dài bất tận.

Trải qua một ngày như thế, người tôi cảm thấy mệt lả. Tôi tin rằng, nếu có người nào hỏi tôi ngày hôm đó tôi đã làm được điều gì, tôi sẽ không thể trả lời được.

Về đến nhà, tôi đem khúc mắc của mình ra hỏi cậu: "Cậu có bao nhiêu ngày làm việc như thế này?". Cậu trả lời: "Trừ những ngày cuối năm làm quyết toán, thì căn bản ngày nào của cậu cũng giống như thế này."

Hôm sau tôi tiếp tục đi cùng cậu ấy. Và quả thực, ngày trôi qua vẫn vậy. Uể oải, tôi bảo cậu: "Cậu làm việc được thế này giỏi thật đấy. Mới 2 ngày trôi qua mà mình đã nhớ công việc bận rộn ở Hà Nội rồi". Cậu ấy cười và bảo: "Tớ đã nói sự nhàn hạ chẳng sung sướng gì mà không ai tin."

(3)

Người xưa từng dạy rằng, tìm được sự nhàn rỗi trong cái bận rộn mới là điều đáng quý nhất. Sự nhàn hạ khi đặt đan xen giữa những khoảng thời gian bận rộn mới thực sự có ý nghĩa. Còn khi nó được đặt độc lập một mình, người phải hưởng nó sẽ nhanh chóng suy kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần.

Cuộc sống trở nên hoàn hảo khi bạn biết kết hợp giữa lao động và nghỉ ngơi. Khoảng thời gian khi bạn còn trẻ là khoảng thời gian duy nhất mà bạn có thể dễ dàng điều chỉnh sự kết hợp này. Nhưng thay vào đó, chúng ta chỉ biết than vãn cuộc sống mệt mỏi đến khi già đi. Tôi tin không nhiều người có thể ngờ rằng, nhàn rỗi làm chúng ta mệt mỏi hơn cả sự bận rộn

Thực ra, trong cuộc sống này, có việc bận rộn để làm là một kiểu hạnh phúc. Điều này luôn luôn đúng, miễn là bạn đừng để những việc bận rộn lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa.

Bận rộn giúp một người trở nên tiến bộ, trong khi sự nhàn rỗi thường xuyên sẽ mài mòn ý chí phấn đấu cũng như làm suy giảm sức khoẻ của họ.

Nghịch lý của bận rộn và nhàn hạ: Bận rộn giúp tiến bộ, nhàn rỗi thường xuyên sẽ mài mòn ý chí và gây suy giảm sức khoẻ của bạn!  - Ảnh 2.

(4)

Trong tác phẩm của Kim Dung, tôi ấn tượng nhất 2 nhân vật Quách Tĩnh và Hoàng Dung. Khi còn trẻ, họ đi từ nam xuống bắc khuynh đảo giang hồ, thay đổi thời thế. Khi về già, họ chọn ẩn cư trên đảo Đào Hoa, trải qua những ngày yên vui chốn đào hoa tiên cảnh.

Nhưng có lần tôi nghĩ rằng, nếu Quách Tĩnh và Hoàng Dung được sinh ra trên đảo Đào Hoa thì chuyện sẽ trở nên như thế nào? Nếu những ngày trẻ của họ là những ngày an nhàn ngồi đánh cờ, tản bộ, uống rượu, liệu họ có thể trở thành những bậc anh hùng hảo hán mà võ lâm ai cũng phải ngưỡng mộ?

Những người mà cả ngày không có việc làm, những người mà cả ngày chỉ mong an ổn cuối cùng sẽ bị thời đại sàng lọc. Nếu như chưa thấu hiểu hết về thế giới mà đã mong muốn được sống một đời thong dong, thì sự rỗi rãi này cũng chỉ là sự tầm thường mà thôi. Theo thời gian, sự rỗi rãi tầm thường ấy sẽ hút kiệt sinh khí và khiến bạn trở nên vô cùng mệt mỏi.

Bận rộn là cách duy nhất để thế giới thuộc về bạn. Chỉ khi bận rộn, bạn mới thấu hiểu được ý nghĩa và trải nghiệm sự nhàn hạ một cách trọn vẹn và đong đầy niềm vui.

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM