Nghỉ việc rồi tìm việc mới hay ngược lại?

20/11/2021 08:43 AM | Kinh doanh

Dù là tìm việc trước hay sau khi nghỉ việc thì hành động này cũng sẽ dẫn đến những rủi ro, hệ lụy ảnh hưởng tương đối lớn, đòi hỏi bản lĩnh, khả năng của mỗi người.

"Nghỉ việc rồi tìm việc mới hay ngược lại?" luôn là chủ đề gây bàn cãi nhiều năm nay. Vấn đề này đặc biệt xuất hiện ở những bạn trẻ - những người có xu hướng nhảy việc cao. Tìm được một công việc phù hợp là điều không hề dễ dàng, tuy nhiên vì một lý do nào đấy họ vẫn quyết định từ bỏ để tìm kiếm một công việc, môi trường mới. Vậy có nên nghỉ việc rồi hẵng tìm việc mới không? Hay là ngược lại? Dù là tìm việc trước hay sau khi nghỉ việc thì hành động này cũng sẽ dẫn đến những rủi ro, hệ lụy ảnh hưởng tương đối lớn, đòi hỏi bản lĩnh, khả năng của mỗi người.

Tại sao người trẻ hay nghỉ việc?

Môi trường làm việc quyết định rất nhiều đến sự phát triển cũng như mức độ thăng tiến của bản thân. Nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được sự phù hợp ấy ngay từ những ngày đầu. Đặc biệt, đối với những bạn trẻ kinh nghiệm vốn không nhiều, việc va vấp, trải nghiệm để tìm nơi phù hợp nhất là điều dễ hiểu.

Nguyên nhân có thể do môi trường làm việc không giúp họ phát triển được hết lợi thế của bản thân, chính sách đãi ngộ chưa thỏa mãn hoặc đơn giản là mục đích giữa hai bên không giống nhau. Tìm được một công việc là sự may mắn, nhưng liệu công việc ấy có khiến bạn hạnh phúc hay không thì đấy là sự ưu ái mà không phải ai cũng có được.

Có hàng ngàn lý do để nghỉ việc, nhưng đằng sau những lý do ấy bạn đã sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất xảy đến hay chưa? Liệu bạn có tìm được công việc mới hay không? Môi trường tiếp theo có tốt như bạn mong đợi?

Những rủi ro khi quyết định nghỉ việc trước khi có việc làm mới

Nếu chưa tìm được công việc ngay lập tức, bạn sẽ bị gắn mác là kẻ thất nghiệp. Đối với người trẻ, việc bị đánh giá không có việc làm, vẫn sống dựa vào bố mẹ,…là một điều tồi tệ. Một công việc ổn định không chỉ chứng minh năng lực của bản thân, mà còn là niềm tự hào của gia đình bạn với mọi người xung quanh đấy.

Khoảng thời gian nghỉ việc và tìm một công việc mới bạn sẽ phải đánh đổi về cả kỹ năng chuyên môn. Không ai dám chắc trong bao lâu mình sẽ tìm được công việc phù hợp, khoảng thời gian trống đấy không làm việc, không tiếp xúc với đồng nghiệp, không sử dụng kỹ năng chuyên môn,…chắc chắn khi trở lại bạn sẽ cần khoảng thời gian để làm quen và bắt đầu lại với guồng quay công việc.

Nghỉ việc rồi tìm việc mới hay ngược lại? - Ảnh 1.

Bất lợi trong quá trình phỏng vấn sẽ là vấn đề bạn gặp phải nếu thường xuyên nghỉ việc. Nhà tuyển dụng sẽ đặt những câu hỏi và tò mò về những mốc thời gian đấy. Đôi khi, đấy cũng là điểm yếu mà họ đánh giá, cho rằng bạn là người không có khả năng thích nghi, luôn có ý định nhảy việc, không ổn định.

Có nên nghỉ việc rồi tìm việc mới hay ngược lại?

Mọi người luôn cảm thấy nghỉ việc khi chưa tìm được một công việc mới thay thế là một rủi ro, mạo hiểm. Vậy thật sự có nên nghỉ việc rồi tìm việc mới không? Hay ngược lại?

Vấn đề nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Hơn nữa nghỉ việc là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng nhiều mặt trong cuộc sống mỗi người: vấn đề tài chính, chuyên môn, hoàn cảnh hiện tại,…Vì vậy, sẽ rất khó để có thể trả lời chính xác cho câu hỏi này.

Thực chất lựa chọn nghỉ việc trước khi tìm việc mới cũng không hề tiêu cực. Việc chấm dứt sớm công việc khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, áp lực cũng là một cách giải thoát cho bản thân. Kết thúc công việc cũ, dành thời gian cho bản thân, "refresh" năng lượng và đi tìm một công việc mới phù hợp cũng không phải ý kiến tồi.

Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc. Bạn sẽ được gì và mất gì khi lựa chọn nghỉ việc trước khi tìm công việc mới thay thế. Hoặc ngược lại, tiếp tục làm việc và dành thời gian tìm hiểu công việc khác. Bạn có thể tự đặt những câu hỏi cho chính mình để hiểu và chắc chắn những gì mình muốn làm trước khi xin nghỉ việc: Bạn có thật sự không phù hợp với công việc hiện tại? Bạn mong muốn gì ở công việc mới? Bạn đã có những kỹ năng gì để phù hợp với công việc mới hay chưa?

HR Insider

Từ khóa:  nghỉ việc
Cùng chuyên mục
XEM