Nghỉ dịch tưởng tiết kiệm được, nào ngờ bà nội trợ phát hoảng vì chi tiêu gia đình đội lên trong khi thu nhập lại bị giảm

07/09/2021 10:25 AM | Sống

Thành phố thực hiện giãn cách, cả 2 vợ chồng đều làm việc ở nhà, chị Dịu nghĩ như vậy cũng có mặt tích cực là bớt được các khoản xăng xe, cà phê, tụ họp bạn bè. Thế nhưng thực tế ngược lại hoàn toàn.

Vợ chồng chị Dịu ở Hoàng Mai, Hà Nội đều làm nhân viên văn phòng với mức tổng thu nhập 35 triệu đồng/tháng. Hiện anh chị đã có nhà riêng và 2 con, 1 bé học lớp 9, 1 bé năm nay lên lớp 4.

Chị Dịu cho biết, từ trước tới nay vợ chồng chị luôn thực hiện đúng nguyên tắc chi tiêu 60/40, tức hàng tháng anh chị chỉ tiêu 60% lương tương đương với 21 triệu, còn lại 14 triệu anh chị dành để tích lũy dự phòng.

Nghỉ dịch tưởng tiết kiệm được, nào ngờ bà nội trợ phát hoảng vì chi tiêu gia đình đội lên trong khi thu nhập lại bị giảm  - Ảnh 1.

Chị Dịu cho biết, từ trước tới nay vợ chồng chị luôn thực hiện đúng nguyên tắc chi tiêu 60/40, tức hàng tháng anh chị chỉ tiêu 60% lương, còn lại 40% chị dành tích lũy dự phòng

Chị Dịu kể: "Khi đã vạch ra kế hoạch chi tiêu là mình thực hiện đúng theo nguyên tắc đề ra, tuyệt đối không bao giờ để xảy ra tình trạng lạm phát. Trừ khi tháng nào có quá nhiều việc phát sinh phải tiêu thì mình mới để bị âm nhưng ngay tháng sau đó mình bằng mọi giá nghĩ cách bù lại. Có như thế vợ chồng mình mới đảm bảo được quỹ tích lũy dự phòng và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra".

Tuy nhiên chị Dịu cho biết gần 2 tháng nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, 2 con chị nghỉ học, vợ chồng chị được công ty cho làm việc online tại nhà nhưng giảm 30% lương khiến cuộc sống của gia đình chị bị đảo lộn rất nhiều.

Nghỉ dịch ngỡ sẽ tiết kiệm được, ai ngờ chi tiêu đội lên 

Chị Dịu kể, thành phố thực hiện giãn cách, cả 2 vợ chồng đều làm việc ở nhà, chị nghĩ như vậy cũng có mặt tích cực là bớt được các khoản xăng xe, cà phê, tụ họp bạn bè. Thế nhưng thực tế ngược lại hoàn toàn, nghỉ dịch ở nhà, các khoản chi tiêu gia đình chị lại bị đội lên rất nhiều.

Tiền ăn tăng gấp đôi: 7 triệu

Chị Dịu kể, trước dịch tiền ăn mỗi tháng của nhà chị hết 4 triệu, bao gồm bữa sáng và bữa tối. Buổi trưa vợ chồng chị ăn trên công ty, 2 con ăn trên lớp. Chiều đi học về các bé chỉ uống hộp sữa rồi 7h là ăn bữa tối. Tuy nhiên, từ khi thực hiện giãn cách, khoản tiền ăn của nhà chị gần như đội lên gấp đôi.

"Trước đây một ngày mình chỉ nấu 2 bữa, từ hôm nghỉ dịch thì phải đảm bảo ngày 3 bữa. Không những thế, ngoài tiền thức ăn thì tiền hoa quả, đồ ăn vặt, sữa bánh cho các con mình cũng phải chi nhiều hơn.

Ở nhà buồn chân buồn tay mình lại nghĩ ra đủ các món. Một tuần đi chợ theo phiếu 2 lần, mỗi lần đều tiêu bay 700.000 đến 800.000 đồng. Cộng vào mỗi tháng mình chi cũng phải 7 triệu cho tiền ăn, coi như gấp đôi những tháng trước dịch", chị Dịu cho hay.

Nghỉ dịch tưởng tiết kiệm được, nào ngờ bà nội trợ phát hoảng vì chi tiêu gia đình đội lên trong khi thu nhập lại bị giảm  - Ảnh 2.

Nghỉ dịch, ngoài tiền thức ăn thì tiền hoa quả, đồ ăn vặt, sữa bánh cho các con, chị Dịu cũng phải chi nhiều hơn.

Tiền điện tăng chóng mặt: 3 triệu

Bà nội trợ này cũng chia sẻ rằng, thời gian trước dịch, tiền điện trung bình mỗi tháng của nhà chị là 1 triệu. Tháng cao điểm mùa hè nhà chị cũng chỉ dùng hết khoảng 1.4 triệu vì đi cả ngày, tối mới về bật điều hòa. Tuy nhiên năm nay nghỉ giãn cách đúng đợt nắng nóng, phòng 2 con chị bật điều hòa gần như 24/24.

Chưa kể chị cũng sử dụng bếp từ nhiều, tủ lạnh thì các con chị lại mở ra mở vào liên tục nên tháng dịch, tiền điện nhà chị nhảy vọt lên 3 triệu đồng. Cầm hóa đơn thanh toán tiền điện mà vợ chồng anh chị đều choáng váng.

Nghỉ dịch tưởng tiết kiệm được, nào ngờ bà nội trợ phát hoảng vì chi tiêu gia đình đội lên trong khi thu nhập lại bị giảm  - Ảnh 3.

Nghỉ dịch, hóa đơn tiền điện nhà chị Dịu tăng chóng mặt: Ảnh minh họa

Bớt được khoản tiền mua mỹ phẩm, quần áo thì lại phải bù tiền mua đồ chơi cho các con: 10 triệu

"Bé lớn nhà mình năm nay lên lớp 9, cuối năm ôn thi cấp 3 nên mặc dù nghỉ dịch nhưng mình vẫn đăng ký cho học thêm trực tuyến 3 môn chính, mỗi tháng hết 8 triệu học phí. Bé thứ 2 còn nhỏ không có bạn chơi phải ở trong phòng sẽ chán lại quấy phá không cho bố mẹ làm.

Chẳng còn cách nào, thi thoảng vợ chồng lại phải đặt mua cho con 1, 2 bộ đồ chơi mới để con tự chơi cho bố mẹ còn tập trung làm. Thậm chí mình còn phải đặt mua cả thảm nhảy thông minh về cho các con. Như thế chúng mới để yên cho vợ chồng ngồi làm việc. Tính ra từ đầu mùa dịch mình cũng phải chi hơn 2 triệu mua đồ chơi cho con rồi".

Nghỉ dịch tưởng tiết kiệm được, nào ngờ bà nội trợ phát hoảng vì chi tiêu gia đình đội lên trong khi thu nhập lại bị giảm  - Ảnh 4.

Bớt được khoản tiền mua mỹ phẩm, quần áo thì chị Dịu lại phải bù tiền mua đồ chơi cho các con: Ảnh minh họa

Các khoản chi tiêu phát sinh: 2 triệu

Trước đây khoản phát sinh này chị Dịu dùng để phòng khi ốm đau, có tháng dùng tới có tháng không. Tuy nhiên tới mùa dịch, khoản tiền này chị lại sử dụng gần như hết để mua thuốc bổ, vitamin giúp cả nhà tăng sức đề kháng.

"Từ đầu mùa dịch, mình đặt mua khá nhiều vitamin, thuốc bổ cho vợ chồng con cái. Không những thế mình còn đặt mua thuốc bổ biếu ông bà nội ngoại dưới quê để cùng chung sức vượt dịch. Khoản này khá tốn kém nhưng mình nghĩ là cần thiết", chị Dịu kể.

Theo như bà nội trợ này chia sẻ, nghỉ giãn cách làm việc ở nhà, cả hai vợ chồng chị đều bị giảm 30% lương. Tính ra mỗi tháng vợ chồng chỉ còn 24.5 triệu đồng mà với mức chi tiêu bị đội lên nhiều như vậy, anh chị gần như không để dành ra được đồng nào.

"Những ngày dịch này vợ chồng mình xác định lương đủ tiêu là may rồi. Khoản tiết kiệm mình tạm thời gác lại, đợi hết dịch mới tiếp tục thực hiện kế hoạch chi tiêu như cũ được. Cũng may vợ chồng còn có khoản tích lũy dự phòng từ trước, nếu không thì lao đao thật sự", chị Dịu tâm sự.

Giang Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM