Nghèo mới săn sale, hay là kém thông minh, sĩ diện hão mới không biết đường tận dụng hàng giảm giá?

01/09/2021 08:39 AM | Xã hội

Ngày ngày nhận được những email hay các hình ảnh quảng cáo về các đợt khuyến mại được gắn mác "ưu đãi có hạn", "cơ hội cuối cùng", "ưu đãi cho nhóm khách hàng VIP". Bạn bị một cảm giác thôi thúc rằng mình cần phải mua món đồ đó ngay nếu không thì sẽ vô cùng hối tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội mua được đồ tốt giá rẻ.

Nếu như nhiều năm trước đây, khi nhắc đến hàng giảm giá thì tâm lý của số đông người tiêu dùng Việt Nam sẽ là "Nghèo mới mua". Rất nhiều người che giấu việc mình sử dụng hàng giảm giá vì sợ bị chê là ít tiền, keo kiệt. Thậm chí, khi có người nổi tiếng chia sẻ việc thường mua đồ giảm giá, sẽ bị cả "cộng đồng" ném đá vì "kém sang".

Giờ đây, nếu nói "nghèo mới săn sale" thì chúng ta sẽ là đối tượng bị ném đá: Kém thông minh, sĩ diện hão mới không biết đường tận dụng voucher, coupon! Nhưng làm sao để trở thành những người săn sale thông minh?

Vào năm 1887, hãng nước ngọt Coca-Cola tung ra phiếu khuyến mãi (coupon) đầu tiên. Mỗi chiếc phiếu có thể dùng để đổi lấy một lon Coca miễn phí. Chỉ 8 năm sau, Coca-Cola đã có mặt ở tất cả các bang trên toàn nước Mỹ.

Ngày nay, Coca-Cola là đồ uống có ga bán chạy nhất thế giới, nhờ hơn một thế kỷ áp dụng các chiến lược tiếp thị thông minh, bao gồm phiếu giảm giá và ưu đãi.

Kể từ sự ra đời của chiếc phiếu khuyến mãi đầu tiên, cho đến nay, gần như mọi thương hiệu và nhà bán lẻ đều sử dụng ưu đãi hoặc các chương trình khuyến mãi khác để phát triển doanh nghiệp của họ. Các công ty hiểu rõ được tâm lý rằng các ưu đãi đặc biệt sẽ tạo ra một hình ảnh thương hiệu thuận lợi, mang lại cảm giác hạnh phúc cho khách hàng mới và khách hàng cũ, đồng thời thúc đẩy lợi nhuận và doanh số bán hàng lâu dài.

 Nghèo mới săn sale, hay là kém thông minh, sĩ diện hão mới không biết đường tận dụng hàng giảm giá? - Ảnh 1.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mạng xã hội, bạn sẽ ngày ngày nhận được những email hay các hình ảnh quảng cáo về các đợt khuyến mại được gắn mác "ưu đãi có hạn", "cơ hội cuối cùng", "ưu đãi cho nhóm khách hàng VIP". Bạn bị một cảm giác thôi thúc rằng mình cần phải mua món đồ đó ngay nếu không thì sẽ vô cùng hối tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội mua được đồ tốt giá rẻ.

Tuy nhiên, ngành bán hàng sinh ra để làm việc đó, để tạo cho bạn tâm lý đó, họ sẽ luôn thuyết phục được bạn rằng bạn cần mua cái gì đó kể cả khi bạn không thực sự cần đến. Họ đã trả tiền cho không biết bao nhiêu nghiên cứu, khảo sát về tâm lý tiêu dùng của khách hàng để đi đến kết luận rằng: không ai là không thích đồ giảm giá.

ĐỪNG MUA ĐỒ GIẢM GIÁ CHỈ VÌ NÓ GIẢM GIÁ

Tỷ phú Warren Buffett từng nói thế này: "Nếu bạn mua những thứ bạn không cần, bạn sẽ sớm phải bán những thứ bạn cần".

Tôi cho rằng những người giàu có từ sức lao động của mình luôn có những thói quen mua sắm hợp lý. Mua sắm bốc đồng chính là sự khác biệt giữa người nghèo và người giàu.

Đồng ý rằng "khuyến mại", "sale off"," giảm giá 50%" là những cụm từ có thể khiến cho tim chúng ta đập nhanh hơn vì phấn khích, nhưng trong khi bạn nghĩ rằng bạn tiết kiệm được những khoản kha khá nếu mua đồ giảm giá, thì thực tế là ngược lại.

Chẳng nói đâu xa, mấy cô bạn thân của tôi và cả bản thân tôi trước đây – người nào mà không có vài chiếc váy áo, vài đôi giày dép, vài vật dụng trong nhà mà họ vô cùng ít khi, hoặc không bao giờ dùng đến. Chúng tôi đã mua chúng chỉ vì "giảm giá tốt quá, không mua thì tiếc".

Nhưng thực tế, sau này tôi đã nhận ra mình đã so sánh không sáng suốt lắm: Khi mua một chiếc váy có giá gốc là 800.000 đồng giảm giá còn 500.000, tôi nghĩ rằng tôi đã tiết kiệm được hẳn 300.000 đồng. Nhưng thực tế là tôi đã mất đi 500.000. Và tôi lại mua thêm một chiếc quạt vì ưu đãi nhiều, trong khi ở nhà đã có 3 chiếc quạt rồi. Nếu tôi không mua nó, tôi đã có thể dùng số tiền đó cho những việc cần thiết hơn.

Khi tôi nhận ra sai lầm trong chi tiêu của mình, tôi chỉ biết buồn bã đối mặt với tờ hoá đơn với chính sách không cho đổi trả hàng khuyến mãi. Và chiếc váy 500.000 đồng mà sau đó tôi phát hiện ra màu sắc không ổn chút nào (những món đồ bán chạy, kiểu dáng và màu sắc đẹp, thường sẽ không được khuyến mại, tất nhiên rồi!), đành lặng lẽ chiếm một chỗ trong góc xa của tủ quần áo nơi mà tôi không bao giờ ngó tới. Chiếc quạt được mua với "giá tốt" thì mãi nằm nguyên xi trong chiếc hộp mới tinh chưa bao giờ được mở ra.

 Nghèo mới săn sale, hay là kém thông minh, sĩ diện hão mới không biết đường tận dụng hàng giảm giá? - Ảnh 2.

NGHỆ THUẬT QUẢN LÝ VÍ TIỀN CHO ĐỒ SALE

Nếu quá khó để tránh được sự hấp dẫn của các chương trình giảm giác hàng năm, hàng tháng, vào những ngày đẹp, bạn hãy cố gắng trả lời câu hỏi sau đây trước khi bỏ đồ vào giỏ hàng: Bạn có cần nó không? Nếu bạn cần nó, mà nó lại giảm giá, tuyệt quá! Nhưng nếu nó không giảm giá mà bạn không mua nó thì nghĩa là bạn không hề cần nó đến thế đâu!

Cũng như rất nhiều người, Hải Lan (Hà Nội) rất thích mua sắm trong các dịp khuyến mại, giảm giá, dù cô có mức thu nhập khá và ổn định.

Chỉ có một điều khác biệt: nếu cách đây vài năm, cô luôn cuống quýt lao vào những đợt khuyến mại và mua mọi thứ cô cho là "mức giá quá hợp lý", thì bây giờ cô chủ động hơn với kế hoạch mua hàng giảm giá của mình: Vẫn mua hàng giảm giá, nhưng có kế hoạch cho nó thay vì bị động chờ các đợt sale cuốn mình và chiếc thẻ tín dụng đi.

"Nếu biết tận dụng các đợt giảm giá hay các coupon mua hàng, tôi nghĩ ai cũng có thể chi tiêu một cách tiết kiệm mà vẫn được hưởng thụ niềm vui của việc mua sắm," Hải Lan nói.

Điều đầu tiên là, bạn hãy lên một danh sách những thứ bạn cần trước các mùa khuyến mại. Ví dụ, cô biết một hãng thời trang nổi tiếng sẽ có những dịp sale nhất định trong năm, cô ngắm trước những đồ mình thích và muốn mua cho các con mình, chờ đến đợt giảm giá để mua chúng. Lên kế hoạch trước sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền cho quần áo, giày dép trong một năm cho cả gia đinh.

Cô thậm chí còn tranh thủ mua trước cho mùa tiếp theo khi mọi thứ đang ở giá ưu đãi. Những thứ có thể mua dùng sẵn này có thể bao gồm tất, đồ lót, cà vạt, khăn, quần áo ngủ….

"Chẳng có quy định nào nói rằng bạn phải dùng hết chúng trong vòng sáu tháng tới cả, nên nếu tìm thấy một mức giá tốt, tôi sẽ tích trữ và thường là tôi thấy mình rất sáng suốt sau đó."'

 Nghèo mới săn sale, hay là kém thông minh, sĩ diện hão mới không biết đường tận dụng hàng giảm giá? - Ảnh 3.

Ngoài ra, những dịp khuyến mại cũng sẽ là những dịp chúng ta nên tranh thủ mua sắm quà tặng cho bạn bè, gia đình, hay các mối quan hệ khác, tận dụng những ưu đãi như mua 3 tặng 1 hay mua 1 tặng 1 và dùng những món quà đó vào những dịp cần trong năm.

Đôi khi trong những dịp sale, chúng ta sẽ dễ bị bạn bè rủ đi cùng đến các cửa hàng, và đó là lúc mà chúng ta dễ mềm lòng nhất. Tuy nhiên, hãy luôn dành 10-15 suy nghĩ phút trước khi quyết định mua một món đồ giảm giá vì có thể sau 15 phút ý định mua của bạn sẽ không còn nữa.

Không phải tự nhiên ai đó lại giàu từ hai bàn tay trắng. Chi tiêu thông minh hợp lý luôn là một trong những yếu tố khiến họ trở nên giàu có và khi họ đã giàu có rồi họ sẽ vẫn duy trì thói quen lành mạnh đó. Họ có thể mua những vật dụng đắt tiền, nhưng cần thiết và có giá trị sử dụng dài lâu, bền vững, để kể cả khi cần thanh lý món đồ đó cũng dễ dàng hơn nhiều là những món đồ sale.

Xuân Phương

Từ khóa:  khách hàng VIP
Cùng chuyên mục
XEM