Nghệ sĩ tiếp tay cho kem trộn, mỹ phẩm giả và câu hỏi to đùng trong thị trường bát nháo "thật giả lẫn lộn"

26/06/2021 14:42 PM | Sống

Trước một loạt những vụ quảng cáo kem trộn, mỹ phẩm giả, kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường, giới chuyên gia nhận định, lời xin lỗi của một bộ phận nghệ sĩ vẫn chưa đủ khiến người dân nguôi ngoai.

Khi nghệ sĩ tiếp tay để quảng cáo mỹ phẩm kém chất lượng ...

Thời gian qua, những lùm xùm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng bởi giới nghệ sĩ khiến nhiều người cảm thấy vô cùng bức xúc. Nhưng chúng ta dường như quên mất rằng, bên cạnh những sản phẩm thuốc, thực phẩm chăm sóc sức khỏe đi thẳng vào trong cơ thể thì những thứ mỹ phẩm kém chất lượng được thổi phồng khi bôi, thoa lên da cũng nguy hại không kém.

Đó là ca sĩ Q.A.P bị dân mạng bóc phốt và tẩy chay vì quảng cáo cho hãng kem trộn không rõ nguồn gốc. "Nói về mụn thì mình khuyên mấy bạn nào mà bị mụn thâm lâu năm thì sắm ngay một combo... này về đi. Đó giờ mình chỉ xài mỗi loại này bên bạn..., bôi lên da một tuần là mụn khô lại và thoát ra ngoài hết. Trị mụn tận gốc không tái phát lại", nam ca sĩ viết trên trang cá nhân.

Nghệ sĩ tiếp tay cho kem trộn, mỹ phẩm giả và câu hỏi to đùng trong thị trường bát nháo thật giả lẫn lộn - Ảnh 1.

Ca sĩ Q.A.P bị dân mạng bóc phốt và tẩy chay vì quảng cáo cho hãng kem trộn không rõ nguồn gốc.


Đó là ca sĩ Đ.P chụp hình quảng cáo cùng sản phẩm có nhãn hiệu quen thuộc mà mắt thường cũng có thể nhận ra sự đạo nhái. Khi bên ngoài sản phẩm giống hệt với thương hiệu mỹ phẩm đình đám nhất Hàn Quốc. Thế nhưng, nam ca sĩ lại chụp ảnh quảng cáo cùng mỹ phẩm giả , nhái, kém chất lượng này tại Việt Nam. Bên cạnh Đ.P còn có nam ca sĩ N.P.T, H.Q.H, S.H.S...

Nghệ sĩ tiếp tay cho kem trộn, mỹ phẩm giả và câu hỏi to đùng trong thị trường bát nháo thật giả lẫn lộn - Ảnh 2.

Ca sĩ Đ.P chụp hình quảng cáo cùng sản phẩm có nhãn hiệu quen thuộc mà mắt thường cũng có thể nhận ra sự đạo nhái.


Đó là ca sĩ S., với trang Facebook có hơn 10 triệu người theo dõi, đã đăng quảng cáo cho một loại mặt nạ dưỡng da, với lời cam kết về chất lượng và đã dùng thử trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng sau đó đã phát hiện ra rằng loại mặt nạ dưỡng da mà nam ca sĩ này quảng cáo chưa được Bộ Y tế cấp phép và chưa có chứng nhận chất lượng. Nhiều cư dân mạng còn cho rằng nam ca sĩ này đã tiếp tay để quảng cáo "kem trộn" và sản phẩm kém chất lượng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.

Đó là nữ diễn viên T.H livestream để quảng cáo vô số các nhãn hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có cả kem trộn, bôi trát trực tiếp kem lên khuôn mặt đã được trang điểm kỹ càng để khoe làn da mịn màng, căng mọng...

Nghệ sĩ tiếp tay cho kem trộn, mỹ phẩm giả và câu hỏi to đùng trong thị trường bát nháo thật giả lẫn lộn - Ảnh 3.

Nữ diễn viên T.H livestream để quảng cáo vô số các nhãn hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có cả kem trộn.


Đó là nữ diễn viên Ô.T.V từng quảng cáo cho nhiều sản phẩm mỹ phẩm và dính vào lùm xùm PR cho thương hiệu mỹ phẩm kém chất lượng liên quan đến vụ bắt giữ 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trị giá 11 tỷ đồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều người sau đó còn đặt biệt danh là “nàng Ô.T.V kem trộn”, bởi trong số sản phẩm mà Ô.T.V quảng cáo hoặc trực tiếp bán, có không ít sản phẩm nhiều người đánh giá có công thức như kem trộn. Vụ lùm xùm này kéo theo những nghệ sĩ khác quảng cáo cho nhãn hàng cũng không khỏi vạ lây như diễn viên B.T, L.T.H, á hậu D.T.A...

Nghệ sĩ tiếp tay cho kem trộn, mỹ phẩm giả và câu hỏi to đùng trong thị trường bát nháo thật giả lẫn lộn - Ảnh 4.

Nữ diễn viên Ô.T.V từng quảng cáo cho nhiều sản phẩm mỹ phẩm kém chất lượng.


Đây chỉ là điểm qua chứ chưa chỉ ra đầy đủ từng diễn viên, người mẫu, ca sĩ… lợi dụng thời điểm mình đang nổi tiếng quảng cáo bất chấp cho các nhãn hàng mỹ phẩm mà không đoái hoài đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Hậu quả để lại khi sử dụng kem trộn, mỹ phẩm giả, kém chất lượng cứ tưởng không gây ảnh hưởng sức khỏe thì cũng thở phào cho qua.Thế nhưng, hệ lụy khi sử dụng những loại kem này còn đáng sợ hơn bạn tưởng.

Dù không uống vào người nhưng dùng kem trộn, mỹ phẩm giả, kém chất lượng cũng dẫn đến hậu quả nặng nề

Theo BS CKI Đỗ Thị Phương Nhung (từng công tác tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội), da nhiễm corticoid là hậu quả nặng nề mà nhiều người gặp phải khi sử dụng các loại kem trộn, mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm định gây ra. Nhiều người phải sống chung với tình trạng da bị tổn thương, mài mòn trầm trọng, nổi mụn đỏ chi chít khắp mặt chạy chữa nhiều nơi không khỏi.

BS da liễu Vũ Thị Thơm (giảng viên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) cho biết, trong mỹ phẩm giả có nhiều chất bảo quản, tạo màu, tạo mùi không được kiểm soát thành phần và nồng độ cho phép như fomal dehyde, parabens, PABA, benzyl alcohol, sorbitan sesquioleate... Các chất này sẽ trực tiếp làm tổn thương cho tế bào da hay là dị nguyên gây dị ứng cho da với biểu hiện ngứa, sưng đỏ, nổi mụn nước, bọng nước...

Nghệ sĩ tiếp tay cho kem trộn, mỹ phẩm giả và câu hỏi to đùng trong thị trường bát nháo thật giả lẫn lộn - Ảnh 5.

Da nhiễm corticoid là hậu quả nặng nề mà nhiều người gặp phải khi sử dụng các loại kem trộn, mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm định gây ra.


Nếu dùng phải mỹ phẩm không được nghiên cứu và sản xuất đúng quy trình sẽ tạo ra độ pH không phù hợp, hoặc tẩy lột quá mạnh làm mất đi lớp màng lipid bao phủ hay mất đi những lớp tế bào sừng của da làm da tổn thương, yếu đi, dễ bị tác nhân bên ngoài xâm nhập gây viêm nhiễm như chốc lở, nấm... Ngoài ra, nguyên liệu không sạch chứa nhiều vi sinh vật, sản xuất không đảm bảo vệ sinh, bảo quản không tốt là nguyên nhân làm cho sản phẩm chứa vi sinh vật gây bệnh, cộng với sự mất hàng rào bảo vệ của da dẫn đến gây nhiễm trùng cho da: viêm nhiễm, nấm da, nhiễm tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn mủ xanh...

Chuyên gia cũng nhận định, sử dụng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến da bị mụn, nhạy cảm ánh sáng, sạm da, tăng lão hóa da , nhiễm độc da, đặc biệt có thể có khả năng gây nhiễm độc các cơ quan, gây ung thư.

Nói chung, trong thị trường mỹ phẩm bạt ngàn xịn rởm, ngay cả những mỹ phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giá cả đắt đỏ... ai cũng nghĩ là tốt nhất cho làn da của mình, giới chuyên gia cũng cho rằng chưa chắc là lựa chọn tốt nhất cho làn da của bạn. Làn da của mỗi người khác nhau. Việc sử dụng mỹ phẩm dù là chăm sóc da hay trang điểm cũng cần phù hợp với loại da, điều kiện sống, sinh hoạt mới có thể phát huy tác dụng rõ nhất.

Nghệ sĩ tiếp tay cho kem trộn, mỹ phẩm giả và câu hỏi to đùng trong thị trường bát nháo thật giả lẫn lộn - Ảnh 6.

Điều quan trọng nhất vẫn là những sản phẩm mỹ phẩm được các bác sĩ, chuyên gia da liễu chỉ định, tư vấn.


Nhiều người nhìn vào giá tiền của mỹ phẩm mà lựa chọn vì "tiền nào của nấy". Thực tế, dùng loại mỹ phẩm đắt đỏ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu mà chỉ thông qua kinh nghiệm từ một người dùng, từ người làm nghệ sĩ thì không đủ "bảo hành" cho làn da của bạn. Điều quan trọng nhất vẫn là những sản phẩm mỹ phẩm được các bác sĩ, chuyên gia da liễu chỉ định, tư vấn. Đó mới thực sự là thứ làn da bạn cần, vừa không hại da vừa đỡ tốn kém không cần thiết.

Nghệ sĩ quảng cáo bất chấp chất lượng sản phẩm: Có phải cứ xin lỗi là xong?!

Thời gian qua, việc các nghệ sĩ Việt quảng cáo cho sản phẩm, từ mỹ phẩm đến các thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân, trong đó có không ít quảng cáo sai công dụng, nhập nhèm về chức năng của sản phẩm, thậm chí cả sản phẩm kém chất lượng... đang bị lên tiếng rất nhiều. Đáp lại phản ứng của dư luận, nhiều người im lặng, nhiều người từ chối trách nhiệm một cách lòng vòng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. 

Tất nhiên cũng có những người thành tâm hối cải, cúi đầu xin lỗi công chúng. Mặc dù vậy, chỉ cúi đầu xin lỗi thôi dường như vẫn chưa đủ để làm cho công chúng - nhất là những người đã sử dụng phải sản phẩm kém chất lượng, sai công dụng cảm thấy hả lòng hả dạ. Không ít người cho rằng những nghệ sĩ này cần phải nhận lấy trách nhiệm về mình cùng những cam kết cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở lời xin lỗi là xong.

Nghệ sĩ tiếp tay cho kem trộn, mỹ phẩm giả và câu hỏi to đùng trong thị trường bát nháo thật giả lẫn lộn - Ảnh 7.

Trả lời thêm về vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng (Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam) nhận định, việc các nghệ sĩ nổi tiếng nhận tiền từ các nhãn hàng như mỹ phẩm để đăng tải nội dung quảng cáo lên Facebook cá nhân là điều không hiếm gặp. Điều đáng nói là khi bị công chúng phát hiện là kem trộn, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng, người làm nghệ sĩ lại âm thầm xóa bài đăng đi như không có chuyện gì xảy ra.

Điều này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các nghệ sĩ nổi tiếng trong việc chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt khi các bài viết của họ có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng rất lớn trên cộng đồng mạng. Phải chăng nghệ sĩ chỉ cần nhận tiền từ các nhãn hàng rồi đăng tải bài viết quảng cáo lên trang Facebook của mình, mà không cần kiểm chứng lại nội dung của bài viết cũng như sự ảnh hưởng của nó đến người đọc? Đó cũng là vấn đề nhức nhối trong thị trường nghệ sĩ quảng cáo bát nháo, vô tội vạ đủ mọi mặt hàng, từ làm đẹp đến chăm sóc sức khỏe hiện nay.

HH

Cùng chuyên mục
XEM