Nhảy việc chuyên nghiệp, tại sao không?

05/08/2014 10:25 AM | Nghề nghiệp

Một “bảo bối” đặc trưng của người nhảy việc chuyên nghiệp là có nhiều mối quan hệ giá trị.

CafeBiz xin gửi đến bạn đọc series "Nhà tuyển dụng nói gì?". Đây sẽ là những lời khuyên và chia sẻ thực tế từ những nhà tuyển dụng, rất hữu ích cho các ứng viên đang tìm việc/thay đổi công việc hoặc sẽ tham gia thị trường lao động trong tương lai.

Bài viết tuần này được CafeBiz hợp tác với Mạng tuyển dụng Anphabe. Series "Nhà tuyển dụng nói gì?" sẽ ra mắt vào thứ 3 hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.


Một lao động thường bị gọi là nhảy việc nếu làm ở một nơi chỉ từ 6-12 tháng. Nhưng nếu nâng lên mức từ 3-5 năm và không lâu hơn, là chu kỳ để họ tích lũy kinh nghiệm và kiến thức hoàn chỉnh ở một nơi làm việc, thì đó là người nhảy việc chuyên nghiệp. Đây là “hiện tượng” rất bình thường với người năng động và thích mạo hiểm, vì làm việc ở một công ty dù tốt đến đâu, cũng không bao giờ đủ để chúng ta trau dồi bản thân và phát triển sự nghiệp.

Lợi thế của người nhảy việc chuyên nghiệp

Nhảy việc chuyên nghiệp giúp người đi làm có nhiều trải nghiệm ở những nơi họ đi qua, cung cấp góc nhìn toàn diện về ngành nghề, giúp mở rộng kiến thức chuyên môn. Người nhảy việc chuyên nghiệp cũng có nhiều mối quan hệ nghề nghiệp hơn. 

Khi làm việc cho công ty mới, họ ít nhiều sẽ đóng góp kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ mình tích lũy được ở những công ty trước cho công ty mới. Vì vậy, nhảy việc chuyên nghiệp không chỉ tạo điều kiện cho người đi làm được hoàn thiện chính bản thân mà còn mang nhiều giá trị cho công ty họ làm việc.

Siêng năng và có phương pháp làm việc thông minh là ưu điểm thường thấy ở người nhảy việc chuyên nghiệp. Vì xác định chỉ làm tại một nơi trong thời gian nhất định, và để có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn ở công ty sau, bản thân người nhảy việc chuyên nghiệp phải làm việc tích cực nhằm tạo thành tích ấn tượng, được ghi nhận ở công ty hiện tại, làm bàn đạp vững chắc khi chuyển sang chỗ mới. 

Sự chăm chỉ và những thành tựu từ phương pháp làm việc hiệu quả sẽ là “điểm cộng” đáng giá của người nhảy việc chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng. Còn doanh nghiệp cũng hưởng lợi từ sự năng nổ của những nhân viên siêng năng và thông minh này.

Một lợi ích khác không thể phủ nhận mà người nhảy việc chuyên nghiệp có được là cải thiện thu nhập. Dĩ nhiên ở công ty hiện tại, mỗi năm họ có thể được tăng lương nhưng với mức hạn chế, trong khi chuyển qua chỗ mới, mức tăng chắc chắn sẽ cao hơn đáng kể. 

Nếu mức tăng lương hàng năm ở một công ty dao động từ 5% - 15% thì mức tăng sau mỗi lần chuyển việc có thể lên đến từ 20% - 30%, thậm chí 50% trong một số trường hợp đặc biệt.

Chiến thuật nhảy việc chuyên nghiệp

Người nhảy việc chuyên nghiệp thường hoạch định sự nghiệp ở tầm dài hạn, tức xác định được trong 5-10 năm nữa họ sẽ đạt được vị trí gì, để đạt được vị trí đó, cần tích lũy những kinh nghiệm, kỹ năng gì. Từ đó người nhảy việc chuyên nghiệp xác định được đâu sẽ là nơi làm việc giúp họ bổ sung những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để đạt được vị trí đề ra. 

Chính vì vậy, bí quyết giúp người nhảy việc chuyên nghiệp thành công là biết xác định mục tiêu nghề nghiệp tầm dài hạn và tìm việc theo công ty chứ không chỉ theo công việc. Họ chủ động theo dõi công ty nằm trong “đích ngắm” trên các career fanpage của chính công ty đó tại Facebook, Cổng thông tin Nơi Làm Việc Tốt Nhất Anphabe.com, hoặc thông qua những kênh online và offline khác.

Một “bảo bối” đặc trưng của người nhảy việc chuyên nghiệp là có nhiều mối quan hệ giá trị. Họ chủ động xây dựng và phát triển mối quan hệ không chỉ với người trong ngành mà còn với chuyên gia nhân sự (HR) của nhiều nhà tuyển dụng và công ty tư vấn tuyển dụng cao cấp thông qua các kênh như LinkedIn, Anphabe, Facebook, Twitter… 

Người nhảy việc chuyên nghiệp hiểu rằng việc kết nối trực tiếp với HR rất hữu ích cho họ. Có thể tại một thời điểm, HR thông báo nhà tuyển dụng chưa có nhu cầu tuyển dụng, hoặc có vị trí cần tuyển mà không đúng với chuyên môn của họ. 

Nhưng khi cơ hội nghề nghiệp xứng tầm xuất hiện thì người nhảy việc chuyên nghiệp luôn trở thành ứng viên tiềm năng và sáng giá nhất nhờ vào ấn tượng tốt họ đã vun đắp trước đó. Đây là lợi ích nổi bật của các mối quan hệ giá trị mà người nhảy việc chuyên nghiệp tích lũy được nhờ ưu điểm của các trang mạng xã hội. 

Đặc biệt, người nhảy việc chuyên nghiệp còn có thể kết nối với nhân viên đã và đang làm việc tại công ty mục tiêu để tìm hiểu thông tin cụ thể và sinh động về lương thưởng, cơ hội đào tạo, môi trường làm việc…, tạo nền tảng tốt giúp họ có quyết định đúng đắn nhất trước khi chuyển việc.

>> Làm sao để tăng lương mà không phải 'nhảy việc'?

Nga Vương – Giám đốc cty RGF HR Agent Vietnam

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM