[NGHỀ CỦA TÔI] Nghề phu đường: Ăn suất cơm hộp nhớ mâm cơm nhà

21/05/2015 10:47 AM | Nghề nghiệp

Với cái nghề đi suốt năm tháng, mấy ai hiểu được rằng, đằng sau tiếng cười ấy, là cả một biển trời nỗi nhớ, nhớ bữa cơm gia đình, nhớ người mẹ già, người vợ tảo tần ở quê, nhớ đứa con bé bỏng ngây dại…

Cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đã nhận được rất nhiều bài dự thi của các tác giả từ khắp nơi gửi về. Chúng tôi sẽ đăng tải những bài viết chất lượng định kì vào các ngày trong tuần.

Hôm nay chúng tôi xin gửi đến quý độc giả Bài dự thi "Nghề phu đường: "Biết cảm ơn anh được mấy người"" của tác giả Nguyễn Nhật Linh. Mời quý độc giả đón đọc.


“Phu đường”

“Phu đường vất vả lắm ai ơi

Dãi nắng dầm mưa suốt cả ngày

Ngựa xe hành khách thường qua lại

Biết cảm ơn anh được mấy người”

- Hồ Chí Minh -

Đó là những câu thơ tôi tâm đắc nhất trong cuộc đời của mình. Mỗi lần đọc lên, hay nhẩm trong đầu bài thơ ấy, tôi lại thấy có thêm động lực, bởi có mấy người được Bác Hồ tặng thơ như những người làm đường chúng tôi đâu.

Nhắc đến công việc của một kỹ sư cầu đường như tôi, ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Bởi vì công việc này vất vả quá, ngày này qua ngày khác đi theo những công trình giao thông, gắn bó với nắng với mưa, với sương với gió.

Đối với những người làm công việc như chúng tôi, những điều ấy quen thuộc hơn bao giờ hết. Thậm chí, anh em vẫn thường chọc nhau rằng, người chúng tôi còn chính xác hơn cả nhiệt kế, bởi hôm nay nóng bao nhiêu độ, nóng thế nào và so với hôm qua thì sao, chúng tôi đều có thể trả lời được.

Có những khi thời tiết khắc nghiệt, hoặc phải bàn giao công trình đúng thời hạn, chúng tôi phải làm việc thâu đêm suốt sáng. Kết thúc công việc mà ai cũng mệt lử người, mắt thâm cả vào vì thiếu ngủ. Tính chất công việc là như vậy, biết làm sao được.

Người phu đường, mấy nắng mưa có gì đáng kể so với những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Mỗi ngày, phải hứng cả bầu không khí đầy bụi đá, phải hít toàn mùi dầu, mùi nhựa đường khét lẹt, phải chịu một mớ âm thanh hỗn tạp đùng đoàng bên tai, sức khỏe chẳng bao lâu cũng bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, là nguy hiểm luôn rình rập bên mình, chỉ một chút sơ suất của bản thân, hoặc của đồng nghiệp, có thể đe dọa đến tính mạng ngay lập tức.

Điều kiện thiếu thốn là một nhẽ, nhưng làm sao có thể sánh được với những thiếu thốn về tình cảm gia đình. Mỗi con đường lại dẫn đến một nơi, mỗi công trình lại ở một địa điểm khác nhau. Với tính chất luân chuyển công việc liên tục và thời gian làm việc với áp lực cao, thời gian để được đoàn tụ với gia đình quả là một chuyện hết sức khó khăn.

Mẹ tôi lúc nào cũng giục tôi bỏ công việc này đi, rồi mẹ xin cho công việc văn phòng khác, vừa nhàn lại được ở nhà với bố mẹ. Hết dỗ dành, mẹ tôi lại chuyển sang đe dọa, rằng, “nếu con cứ đi như thế thì chẳng ma nào nó thèm yêu con đâu, đừng nói là lấy. Ở vậy đến hết đời lúc đấy đừng có trách thân trách phận”. Tôi chỉ biết vâng vâng dạ dạ cho vừa lòng mẹ, còn bảo tôi bỏ việc để lấy vợ, thì chắc tôi không làm được, bởi nó là đam mê của cuộc đời tôi.

Nhiều lúc ngồi trong lán (nơi sinh hoạt chính của những người làm đường như chúng tôi), nhìn người ta có đôi có cặp, đưa nhau đi chơi, bản thân mình đôi khi cũng thấy chạnh lòng. Nhưng tôi cũng cảm thấy may mắn, vì chưa có người yêu, bởi nếu vậy chắc tôi sẽ nhớ người đó lắm, và chắc chắn sẽ khiến cô ấy tủi thân nhiều.

Có khi, mấy anh em ngồi ăn vội bát cơm để làm việc, nhớ đến bữa cơm gia đình mà lòng buồn không kể xiết. Ở nhà có nồi cơm mẹ nấu, có bát canh bố chan cho, còn ở đây, chỗ công trường đầy nắng bụi này, chỉ có những suất cơm hộp nguội tanh với vài cọng rau già. Kể ra, dù có là đàn ông con trai nhưng vẫn không thể không có chút chạnh lòng.

Đó còn chưa kể tới việc bị dân người ta nói, cũng là chuyện không phải không có. Làm đường, dĩ nhiên là sẽ bụi, và cũng gây tiếng ồn, nhưng đôi khi không nhận được sự thông cảm. Giống như vậy, chuyện đền bù không vừa ý, tất nhiên nó không thuộc quyền hạn của chúng tôi, nhưng họ cũng ngăn cản công việc, nhiều lúc khiến chúng tôi cảm thấy thật mệt mỏi. Quả thực, như Bác Hồ đã viết “ Biết cảm ơn anh được mấy người”, nhiều khi đi trên con đường mình vừa hoàn thành, tôi cũng tự hỏi: Liệu rằng có ai nhớ đến những người làm đường chúng tôi?

Nói vậy, không có nghĩa là công việc của người phu đường chỉ toàn sự hà khắc. Chúng tôi vẫn có những niềm vui, mà có lẽ, ngồi cả ngày tôi cũng không thể liệt kê được hết.

Trên công trường, ngoài bụi và tiếng ồn, còn có những tiếng trò chuyện và tiếng cười không ngớt. Đôi lúc, yêu đời, cả đoàn lại đồng thanh hát một ca khúc nào đó, từ nhạc trẻ, nhạc vàng, đến cả cải lương. “Bạn đời ơi, bạn có nghe chăng niềm vui của những người chạy trên con đường mới mà chúng tôi vừa lu xong…”, và thậm chí là chế lời bài hát như thế này, nhưng nó cũng chính là niềm vui của anh em chúng tôi.

Ban ngày là thế, đêm đến, anh em lại cùng nhau ngồi ăn cơm, nhâm nhi vài cốc bia cho mát ruột, tâm sự với nhau vài ba câu chuyện đời. Đôi khi, nhớ nhà quá, mấy anh em lại kháo nhau rằng, “Đấy, cơm vợ tớ nấu đấy, thơm ngon ấm lòng chưa?”, hay “Rau này rau mẹ em trồng, các anh cứ ăn ngon mà không sợ thuốc”,…rồi cả đám lại cười vang về sự hài hước ấy.

Thế nhưng, mấy ai hiểu được rằng, đằng sau tiếng cười ấy, là cả một biển trời nỗi nhớ, nhớ bữa cơm gia đình, nhớ người mẹ già, người vợ tảo tần ở quê, nhớ đứa con bé bỏng ngây dại…

Có một kỉ niệm với công việc làm đường mà tôi, có lẽ sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời làm kỹ sư đường của mình. Đó là thời gian khi chúng tôi được giao làm con đường trải bê tông nhỏ nối từ thị trấn vào một làng bản của người dân tộc Tày.

Quãng đường ấy khá dài, phải đi qua những ngọn đồi, và rừng cây khá rậm rạp. Chỉ có một lối mòn nhỏ nên để vận chuyển được máy móc hay nguyên vật liệu vào bên trong là một công việc hết sức khó khăn. Tuy vậy, khi tới được bản nhỏ ấy, chúng tôi được chào đón rất nồng nhiệt, cảm giác lúc bấy giờ của tôi như kiểu mình là một “siêu anh hùng” trong các bộ phim khoa học viễn tưởng vậy.

Họ được biết chúng tôi đến để làm con đường nối từ bản ra đường lớn thì mừng lắm, dù không hiểu tiếng nhau nhưng lúc thì họ mang cho anh em chúng tôi con gà nhà, lúc thì xẻ cho cái đùi lợn rừng, lúc lại mang cho hũ rượu,… Tôi cảm thấy trân trọng những con người dân tộc Tày này vô cùng, không phải bởi tôi nhận ở họ những vật chất kia, mà là cái tình mà họ mang đến cho chúng tôi.

Ngày con đường được hoàn thành, cũng là ngày chúng tôi phải lên đường đến một nơi khác. Người dân trong bản mở một bữa tiệc thiết đãi chúng tôi. Vị già làng nắm tay tôi rưng rưng: “Tao mừng lắm. Chúng tao có đường ra ngoài kia, cho bọn trẻ con đi học”. Tôi nhìn ra phía con đường, bọn trẻ con đang nô đùa trên con đường ấy, chúng nằm, chúng lăn kềnh ra đó. Ấy thế mà ai cũng vui, tôi thấy hạnh phúc biết bao vì mình đã đem đến niềm vui cho mọi người.

Và tôi lại muốn đi, đi đến những chân trời mới, làm những con đường mới và nhìn ngắm những nụ cười mãn nguyện đến thế! Để tôi và các anh em đồng nghiệp có thể an ủi nhau rằng: “ Những mong mỏi và khổ cực của bản thân có sá gì đâu so với việc đem đến niềm vui và được thấy nụ cười trên gương mặt của người khác”. Và chúng tôi lại cất cao giọng hát, giữa nắng gió, mưa bụi và những âm thanh rền rĩ:

"Bạn đời ơi, hãy tin hãy yêu và hát cùng chúng tôi

Những người thợ xây luôn tin yêu cuộc đời mới

Trong khói bom

Dưới ánh trăng

Suốt bốn mùa

Tôi vẫn xây

Tiếng hát vui cho chúng tôi

Tiếng hát vui cho các bạn

Cho ngày mai

Cho muôn đời sau"

Nguyễn Nhật Linh

 

>> Các bài dự thi khác:

Tôi đã bỏ qua con đường vào đại học như thế nào?

Lương y như từ mẫu - Nghề tôi đã chọn

Cho thuê sách - Yêu nghề theo cách của riêng tôi

Nghề cầm bút - Không phải việc gì cũng bắt đầu từ ước mơ

Chúng tôi mang những bí mật "sống để bụng, chết mang theo"

Tôi khoác trên mình màu xanh áo lính

Dưới lòng phố những tên lính ẩn mình


Mời các bạn tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình và gửi các bài dự thi cuộc thi viết "NGHỀ CỦA TÔI" đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Mr Quốc Dũng - dungtranquoc@vccorp.vn

Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên bài dự thi_Họ tên

Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Quỳnh Trâm

Một người có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Người dự thi phải cung cấp đầy đủ thông tin theo mẫu sau:

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

01 giải “Tác phẩm xuất sắc nhất” do Ban tổ chức bình chọn, trị giá 4 triệu VNĐ tiền mặt.

01 giải “Tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất” do bạn đọc bình chọn: Tác phẩm được mọi người Like và Share nhiều nhất (Thông qua các mạng xã hội Facebook, G+). Trị giá 4 triệu VND tiền mặt.

10 giải khuyến khích, trong đó có 5 giải do BBT bình chọn, 5 giải có số lượng like/share cao. Mỗi giải 1 triệu đồng.

Ngoài ra, các tác giả đạt giải cũng sẽ được tặng kèm một phần quà ý nghĩa của ban tổ chức.

Những bài viết hay nhưng không nằm trong danh sách đoạt giải sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Trí thức trẻ và CafeBiz, tác giả được trả nhuận bút theo khung nhuận bút của tòa soạn.


Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM