MBA: Lời giải nào cho chất lượng đào tạo?

24/02/2014 09:14 AM | Nghề nghiệp

Phải coi đào tạo là 1 dịch vụ, đào tạo MBA là 1 dịch vụ chất lượng cao, để cung cấp cho người học những dịch vụ giảng dạy tốt, những dịch vụ quản trị tốt, những cơ sở vật chất tốt...

Ra đời lần đầu tiên ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20 và mới du nhập vào Việt Nam được hơn 1 thập kỷ nhưng tới nay khái niệm MBA (Master of Business Administration – Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) đã trở nên rất phổ biến. Thực tế cho thấy đây cũng là mảnh đất ‘màu mỡ’ cho các đơn vị đào tạo, từ các Trường Đại học tới các Khoa, Viện, Trung tâm hoặc bất kỳ cơ sở nào được cấp phép. Chả thế mà hầu hết các đơn vị, từ công lập tới dân lập đều có một hoặc một vài chương trình MBA ‘dắt lưng’. Người học – là các nhà quản lý các cơ quan nhà nước; các giám đốc, trưởng phó phòng ban tạidoanh nghiệp hay bất kỳ ai có mong muốn ‘thăng tiến’ trong sự nghiệp cũng thường tìm đến MBA như một tấm ‘bùa hộ mệnh’, hay một thứ trang sức không thể thiếu trong giai đoạn khủng hoảng việc làm, khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay.

Xu hướng của MBA tại Việt Nam

Nhưng không phải cứ phổ biến, cứ mong muốn là có thể làm tốt được. Ở Việt Nam, các chương trình MBA thường được chia thành 02 nhóm chính, đó là các chương trình MBA trong nước và các chương trình MBA liên kết quốc tế. Hai nhóm chương trình này có những sự khác biệt cơ bản:

Tiêu chí

MBA trong nước

MBA liên kết

Chương trình đào tạo

- Học 100% trong nước

- Giảng viên trong nước

- Giảng dạy bằng tiếng Việt

- Đa phần là học trong nước

- Đa phần là giảng viên nước ngoài

- Giảng dạy bằng tiếng Anh, có trợ giảng phiên dịch

Đối tượng dự thi

- Độ tuổi trung bình trẻ, thường từ 22 đến dưới 35 tuổi.

- Kinh nghiệm làm việc thực tiễn thường ít.

- Vị trí công tác và vị trí xã hội chưa cao.

- Độ tuổi trung bình cao hơn, thường từ 30 đến 45 tuổi.

- Kinh nghiệm làm việc thực tiễn lâu năm.

- Vị trí chủ chốt trong đơn vị, có vị trí xã hội.

Điều kiện dự thi

- Tốt nghiệp Đại học đúng chuyên ngành.

- Học bổ sung kiến thức nếu khác chuyên ngành

- Tốt nghiệp Đại học

Hình thức thi tuyển

Thi tuyển đầu vào những môn bắt buộc:

- Môn ngoại ngữ: chủ yếu là tiếng Anh

- Môn Toán Kinh tế: gồm toán xác suất và toán thống kê)

- Môn chuyên ngành: quản trị, kinh tế chính trị, …)

Thi tuyển theo hình thức mới, có thể gồm 1 số môn:

- Đánh giá năng lực

- Đánh giá hồ sơ

- Phỏng vấn

- Một số bài test

- Thư giới thiệu

- …

Bằng cấp

- Đơn vị cấp bằng: tổ chức đào tạo trong nước.

- Bằng cấp được hiểu là ‘chính qui trong nước’, thường có ‘giá trị’ hơn và dễ được chấp nhận hơn.

- Đơn vị cấp bằng: tổ chức đào tạo ở nước ngoài liên kết với 1 cơ sở của Việt Nam.

- Thường được hiểu là ‘liên kết quốc tế’, luôn bị yêu cầu khảo thí nếu muốn học lên ở bậc cao hơn hoặc thi tuyển vào các cơ quan hành chính sự nghiệp.

Tâm lý của đa số người học

- Học để thêm kiến thức

- Học để lấy bằng

- Học để lấy bằng

- Học để lấy quan hệ

- Học để thăng tiến

Học phí / khóa

Trung bình khoảng 20.000.000 VND

- Thấp nhất là khoảng 5,000 USD

(tương đương 100.000.000 VND)

- Cao nhất khoảng 18,000 USD

(tương đương 360.000.000 VND)

Thời gian đào tạo

- Dao động từ 1 – 3 năm

- Trung bình từ 18 đến 24 tháng

Như vậy, đào tạo MBA ở Việt Nam đang rẽ thành 02 hướng:

- Một là hướng được coi là ‘chính qui’:thì đối tượng người học thường chưa có nhiều nền tảng về kiến thức và kinh nghiệm; thi đầu vào nặng tính học thuộc, đánh đố; học phí thấp đồng nghĩa với việc đầu tư vào giảng dạy, nghiên cứu cũng như học tập thực tế không được nhiều.

- Hai là hướng được coi là ‘dịch vụ’: mặc dù người học có nền tảng kinh nghiệm tốt hơn nhưng tâm lý học tập để nâng cao kiến thức là không nhiều; học phí cao gấp 5, thậm chí tới gần 20 lần các chương trình MBA trong nước nên xu hướng ‘học mà chơi’ cũng có vẻ nhiều hơn. Mà nhất là từ sau Nghị định số 73/2012/NĐ-CP, ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ qui định phải giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, không có trợ giảng phiên dịch đối với những chương trình liên kết quốc tế thì hướng đi này đang gặp không ít khó khăn.

Đâu là hướng đi cho MBA ở Việt Nam

Bài toán đặt ra cho chất lượng đào tạo MBA ở Việt Nam hiện nay:

? Làm thế nào để có được những chương trình MBA với những môn học mới, phù hợp với thực tiễn phát triển của thế giới.

? Làm thế nào để việc thi đầu vào không còn là 1 sự đánh đố? Để giảm đi những kiểu thi bằng quan hệ, những kiểu ‘chống trượt’ cao học như ở Thanh Hóa vừa qua.

? Làm thế nào để việc dạy và học MBA phải nâng cao được kiến thức, củng cố được kinh nghiệm, bồi đắp được kỹ năng, tăng cường được quan hệ cho người học, để những sản phẩm của MBA thực sự là ‘sự mong đợi’ của thị trường nhân lực chất lượng cao.

Một khuyến nghị cho lời giải nâng cao chất lượng đào tạo MBA ở Việt Nam mà tác giả muốn trao đổi:

- Trước tiên, về chương trình đào tạo:

Cần phải nhìn ra thế giới để thấy được họ đang dạy gì, người học đang cần gì để thiết kế được những chương trình hiện đại và không xa rời nhu cầu người học, nhu cầu thị trường.

- Thứ hai, về hình thức thi tuyển:

Cải tiến hình thức tuyển sinh bằng những môn đánh giá tư duy logic, những bài test hoặc phỏng vấn, để từ đó nhìn nhận được tổng quát về những người học. Thi tuyển hướng về khơi gợi, đánh thức tiềm năng chứ không học thuộc, đánh đố.

- Thứ ba, về cách thức triển khai đào tạo:

+ Kết hợp dạy và học bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ.

+ Kết hợp giảng dạy kiến thức lý thuyết với trao đổi kinh nghiệm từ những diễn giả thực tế tại tổ chức, doanh nghiệp.

+ Kết hợp học tập với nghiên cứu phát triển, để mỗi người học trở thành một case study cho chính họ, để việc học và việc làm không tách rời, học để hành – muốn hành thì cần phải học.

- Thứ tư, về những giá trị gia tăng cho người học:

+ Phải coi đào tạo là 1 dịch vụ, đào tạo MBA là 1 dịch vụ chất lượng cao, để cung cấp cho người học những dịch vụ giảng dạy tốt, những dịch vụ quản trị tốt, những cơ sở vật chất tốt, những dịch vụ phục vụ tốt, những dịch vụ gia tăng tốt…

+ Phải cộng đồng hóa những học viên và cựu học viên của MBA, để mỗi người trở thành 1 phần trong sự thành công của cộng đồng và ngược lại.

MBA chất lượng cho riêng mình

Có thể sẽ có thêm nhiều lời giải nữa cho bài toán về chất lượng đào tạo MBA ở Việt Nam, cũng như sẽ có thêm nhiều chương trình MBA thực sự đáp ứng được nhu cầu của người học, nhu cầu của thị trường nhân lực chất lượng cao mà trong khuôn khổ bài viết tác giả chưa đề cập được hết. Độc giả có thể tìm hiểu thêm tại đây
Hải Anh

thanhhuong

Từ khóa:  MBA
Cùng chuyên mục
XEM