Lương của lính tàu ngầm Việt Nam là bao nhiêu?

22/03/2014 08:56 AM | Nghề nghiệp

Tàu ngầm là lực lượng tàu chiến đặc biệt tinh nhuệ nên thủy thủ tàu ngầm được đào tạo rất bài bản. Chế độ dinh dưỡng, đãi ngộ dành cho họ cũng được nhà nước ưu ái.

Nội dung nổi bật:

- Mỗi chiếc tàu ngầm Kilo 636MV của Việt Nam có sức chiến đấu tương đương với một lữ đoàn tàu mặt nước nên việc lựa chọn thủy thủ tàu ngầm vô cùng nghiêm ngặt. Nhiều tiêu chí khi tuyển chọn thủy thủ tàu ngầm còn cao hơn tuyển chọn phi công chiến đấu.

- Ngoài thời gian đào tạo ở Học viện Kỹ thuật Quân sự gần 1 năm, gồm học tiếng, rèn luyện sức khỏe và các môn đại cương tàu ngầm, các thủy thủ tiếp tục được chọn lựa chọn lần cuối để sang Nga đào tạo tiếp gần 1,5 năm nữa.

- Đảm nhận nhiệm vụ vô cùng nặng nề nên thủy thủ tàu ngầm cũng dành được nhiều sự ưu ái về chế độ đãi ngộ. Theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, phó tư lệnh Quân chủng Hải quân mức lương 35 triệu đồng cho một trung úy và 55 triệu đồng cho một đại tá phục vụ dưới tàu ngầm (gấp hơn hai lần so với lương chuẩn đô đốc của tôi) đủ cho một sĩ quan yên tâm lo cho một gia đình nhỏ để phục vụ quân đội và quân chủng lâu dài



Tối 19/3), tàu ngầm Kilo TP Hồ Chí Minh đã được tàu vận tải Rolldock Star của Hà Lan vận chuyển về tới vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.

Như vậy, Hải quân Việt Nam đã có trong trang bị một cặp đôi tác chiến hoàn hảo là tàu ngầm HQ-183 TP Hồ Chí Minh và HQ-182 Hà Nội. Hai "chiến binh" Kilo này sẽ đảm nhận nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng hết sức vinh quang, đó là góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả một loại vũ khí thì yếu tố con người vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, Việt Nam đã đầu tư đào tạo những kíp thủy thủ đặc biệt tinh nhuệ cho lữ đoàn tàu ngầm, đồng thời dành nhiều sự quan tâm tới chế độ đãi ngộ cho lực lượng này.

Tuyển chọn và huấn luyện

Mỗi chiếc tàu ngầm Kilo 636MV của Việt Nam có sức chiến đấu tương đương với một lữ đoàn tàu mặt nước nên việc lựa chọn thủy thủ tàu ngầm vô cùng nghiêm ngặt.

Để khai thác, làm chủ được những con tàu hiện đại này, Quân chủng Hải quân đã có một chương trình huấn luyện, đào tạo rất bài bản và nghiêm túc từ khâu tuyển chọn thủy thủ đến việc thành lập các kíp để cho đi đào tạo ở Liên bang Nga, Ấn Độ, đồng thời xây dựng một trung tâm huấn luyện hiện đại tại Cam Ranh.

Quy trình tuyển chọn được tổ chức nghiêm ngặt từ yêu cầu sức khỏe tốt đến lý lịch gia đình, phẩm chất chính trị. Nhiều tiêu chí khi tuyển chọn thủy thủ tàu ngầm còn cao hơn tuyển chọn phi công chiến đấu.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm đang học tập tại Học viện Kỹ thuật quân sự (tháng 4-2012). Ảnh: Trong Thiết
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm đang học tập tại Học viện Kỹ thuật quân sự (tháng 4-2012). Ảnh: Trọng Thiết

Ngoài thời gian đào tạo ở Học viện Kỹ thuật Quân sự gần 1 năm, gồm học tiếng, rèn luyện sức khỏe và các môn đại cương tàu ngầm, các thủy thủ tiếp tục được chọn lựa chọn lần cuối để sang Nga đào tạo tiếp gần 1,5 năm nữa. Các sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm Việt Nam được trực tiếp thao tác, thực hành ngay trên con tàu mà mình làm chủ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, sau đó các kíp độc lập khai thác, vận hành, làm chủ tàu dưới sự giám sát chặt chẽ của các giáo viên nước ngoài. Tính kỷ luật được đặt ra rất cao đối với các thủy thủ trong quá trình khai thác, sử dụng.

Sau khi làm chủ, vận hành được tàu ngầm, các thủy thủ phải tiếp tục được huấn luyện nâng cao về kỹ, chiến thuật khi tác chiến trên biển.

Khóa huấn luyện thủy thủ đoàn của tàu ngầm HQ-182 Hà Nội đã tốt nghiệp từ cuối năm 2012, trong khi đó kíp thủy thủ lái tàu ngầm thứ hai - HQ-183 TP. Hồ Chí Minh cũng đã chính thức nhận bằng tốt nghiệp vào ngày 6/11/2013 vừa qua. Còn lại những kíp thủy thủ tàu ngầm tiếp theo vẫn đang tích cực học tập và huấn luyện tại Nga để sẵn sàng vận hành những con tàu mới. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao ý thức học tập cũng như khả năng tiếp thu nhanh của các học viên Hải quân Việt Nam.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm với kíp tàu số 2 mang tên TP Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm với kíp tàu số 2 mang tên TP Hồ Chí Minh.

Chế độ dinh dưỡng

Theo các chuyên gia đầu ngành, vấn đề chăm lo sức khỏe cho thủy thủ tàu ngầm là yêu cầu mới và cấp bách không những đối với y học Hải quân mà cả ngành quân y của Việt Nam.

Trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Thanh Chò, Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện 103 - Học viện Quân Y cho biết, do làm việc trong điều kiện bất lợi như tiếng ồn, rung lắc (say sóng), độ ẩm cao, nhiệt độ cao, ô nhiễm không khí và cô lập khép kín nên thủy thủ tàu ngầm dễ bị thiếu chất, mất cân bằng chuyển hóa. Tiếng ồn và độ rung lớn có thể đè nén hoạt động của dạ dày, lượng dịch tiêu hóa bị giảm thiểu, ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chò: "Chế độ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho các thủy thủ làm việc dưới tàu ngầm phải đảm bảo những nhu cầu chung tối thiểu là không khí, nước sạch, ánh sáng, nhiệt độ và các nhu yếu phẩm riêng theo tiêu chuẩn riêng để đảm bảo cho các thủy thủ đoàn có thể hoạt động làm việc bình thường cũng như nâng cao khả năng thích nghi và sức chịu đựng trong thời gian đi biển độc lập dài ngày".

Trước đó, theo Thông tư số 186/2013/TT-BQP của Bộ Quốc phòng mới ban hành, sẽ tăng định lượng, mức tiền ăn cho quân nhân, đặc biệt là các học viên tàu ngầm từ ngày 1/1/2014.

Tính từ năm 2010 đến nay, Bộ Quốc phòng đã 4 lần ra văn bản điều chỉnh tăng tiền ăn nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn của bộ đội.

Riêng học viên tàu ngầm Hải quân lần lượt được tăng lên: 58.000 đồng (áp dụng từ 1/1/2011); 70.000 đồng (từ 1/1/2012); 73.000 đồng (từ 1/1/2013), và theo Thông tư mới áp dụng từ ngày 1/1/2014 mức tiền ăn của học viên tàu ngầm được tăng lên 81.000 đồng.

Cán bộ Viện Công nghệ mới giới thiệu sản phẩm viên nén thực phẩm chức năng
Cán bộ Viện Công nghệ mới giới thiệu sản phẩm viên nén thực phẩm chức năng.

Năm 2012, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ mới (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) cũng đã bước đầu nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm viên nén thực phẩm chức năng sử dụng cho lực lượng tàu ngầm.

Sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu là các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Viên nén được thiết kế theo tiêu chí thực phẩm cứu sinh (tối ưu về dinh dưỡng, tối thiểu về trọng lượng). Mỗi viên nén có khối lượng từ 3g đến 3,5g, năng lượng từ 8 Kcal/viên đến 10 Kcal/viên, được đóng gói phù hợp, thuận tiện trong sử dụng (sản phẩm dùng cho cá nhân được đóng gói dạng tuýp, dùng cho tập thể được đóng gói trong hộp thiếc).

Sản phẩm được dùng để bổ sung hoàn thiện khẩu phần ăn hàng ngày hoặc có thể sử dụng thay thế bữa ăn trong tình huống cứu sinh, thủy thủ tàu ngầm có thể nhai, ngậm để bổ sung dinh dưỡng, chống oxi hóa, chống căng thẳng và mệt mỏi.

Tiền lương

Đảm nhận nhiệm vụ vô cùng nặng nề nên thủy thủ tàu ngầm cũng dành được nhiều sự ưu ái về chế độ đãi ngộ.

Phó Tư lệnh hải quân Việt Nam - Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh (Ảnh: Tuổi trẻ)
Phó Tư lệnh hải quân Việt Nam - Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ số Xuân 2012, Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, phó tư lệnh Quân chủng Hải quân cho hay: "Thủ tướng Chính phủ đã có nghị định ban hành chế độ chính sách cho lực lượng đặc biệt này (hải quân) với nhiều ưu đãi về lương, phụ cấp, nhà ở, tuổi phục vụ... Hải quân đang bắt đầu triển khai xây dựng nhà công vụ cho tất cả sĩ quan hải quân đang tại ngũ - một kiểu “thành phố quân sự” để anh em yên tâm chuyện gia đình mà lo tập trung huấn luyện chiến đấu. Chế độ lương mới cho sĩ quan và chiến sĩ tàu ngầm cũng đã có. 

Theo tôi, mức lương 35 triệu đồng cho một trung úy và 55 triệu đồng cho một đại tá phục vụ dưới tàu ngầm (gấp hơn hai lần so với lương chuẩn đô đốc của tôi) đủ cho một sĩ quan yên tâm lo cho một gia đình nhỏ để phục vụ quân đội và quân chủng lâu dài".

Nhìn chung, với quá trình tuyển chọn và huấn luyện chuyên nghiệp, song song với chế độ bồi dưỡng, đãi ngộ được ưu ái như vậy, có thể thấy Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của lực lượng tàu ngầm. Đây là miếng ghép cuối cùng để Quân chủng Hải quân có đầy đủ các binh chủng. Lực lượng tàu ngầm sẽ là một trong những “quả đấm thép” của Hải quân nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM