Kết thúc

24/07/2015 09:44 AM | Nghề nghiệp

Chúng ta nghe nhiều đến việc làm sao để bắt đầu khởi nghiệp hay làm sao để phát triển dự án, nhưng cũng rất ít khi chúng ta nghe đến việc làm sao để kết thúc như kết thú dự án, kết thúc một mối quan hệ hay kết thúc một giao dịch.

Những tưởng chuyện kết thúc là một điều rất hiển nhiên và đơn giản nhưng lại sẽ có thể đưa bạn đi qua một giai đoạn mới, hoặc đúng nghĩa là kết thúc.

Một ví dụ rất đơn giản như trong bóng đá: phối hợp dù đẹp mắt, re dắt khéo léo đến tận khung thành rồi, tưởng chừng có thể ghi bàn đến nơi nhưng cuối cùng thì bóng lại bay lên trời. Cái kết thúc như vậy là không hiệu quả.

Người ta hay nói “Hạnh phúc là ở trên đường đi chứ không phải đích đến”, nhưng nếu chúng ta có thể vừa có được hành trình thú vị, lại vừa có một kết quả tốt chẳng phải sẽ hay hơn nhiều so với chuyện chỉ là một hành trình mà không có kết quả?

Chuyện kết thúc ở đây có thể chỉ cách “thành công” một chút xíu. Có một số bạn làm kinh doanh một là quá chủ quan, nên khi đi chào hàng sản phẩm, dù nhận được phản hồi tốt từ khách nhưng lại chậm chạp trong quá trình chốt đơn hàng, hay thiếu quan tâm đến nhu cầu khách hàng nên đã đành nhìn nhà cung cấp khác ký hợp đồng hợp tác với khách hàng tiềm năng của mình.

Vậy làm sao để mọi thứ kết thúc “ngọt ngào” nhất?

Tôi cho rằng, khi chúng ta làm gì, chúng ta cũng đều nên tự đặt mục tiêu cho bản thân. Theo đuổi mục tiêu ấy bằng hết sự nhiệt tình và khả năng của mình trong cả quá trình.

Đôi khi trên hành trình theo đuổi chúng ta gặp phải những cản trở như khách hàng khó tính, sản phẩm chưa như ý thì việc giữ được lửa nhiệt tình quả là không dễ. Đôi khi việc chúng ta trì hoãn trong việc đưa ra quyết định hay thiếu tính theo dõi (follow-up) với khách hàng hay nhà tuyển dụng lại vô tình đưa chúng ta ra xa khỏi mục tiêu.

Hoặc ngay cả khi chúng ta có thể có được đơn đặt hàng từ người khách đó, thậm chí khi chúng ta đã bán được sản phẩm thì cũng vẫn nên duy trì sự “chăm sóc” cần thiết đối với khách hàng.

Có nhiều bạn, trong cả quá trình cung cấp hàng cho công ty tôi, chưa bao giờ gọi điện thoại chủ động hỏi thăm sản phẩm thế nào, cho đến khi bên tôi quyết định đổi qua nhà cung ứng khác thì bạn lại “săn đuổi” tôi bằng email, điện thoại và tin nhắn.

Sẽ có bạn bảo tôi “Em không thích công việc này, nên em không đam mê nó”, vậy thì cách ứng xử của em có phần thiếu máu lửa cũng là điều dễ hiểu. Tuy vậy, tôi nghĩ đâu đó chúng ta vẫn có thứ để nói, đó chính là “sự trách nhiệm”. Trách nhiệm với công việc chính là chúng ta có trách nhiệm với bản thân mình trước (thậm chí còn cao hơn cả sự trách nhiệm với sếp hay công ty).

Vì sao tôi nói vậy? Chúng ta sẽ không thể nào đổ thừa cho hoàn cảnh, cho sếp, cho công ty cho chính công việc chúng ta làm.

Tôi nói bạn làm báo giá, bạn hẹn tôi ngày mai gửi. Tuy vậy, hai ngày sau bạn vẫn chưa gửi và khi tôi nhắc thì bạn nói em bận quá và em thấy bên chị chưa gấp nên em định cuối tuần em mới gửi. Chúng ta có thể thông cảm cho nhau nhưng nếu bạn đã hứa mà không thực hiện được thì cũng nên cho tôi biết vì đó thuộc vào phần trách nhiệm.

Hãy cố gắng đưa bản thân vào vị trí của người bên kia thì bạn hiểu trách nhiệm của bạn nên làm tới đâu, và như thế nào để ít nhất cũng có thể làm hài lòng người có liên quan.

Kết thúc sẽ ngọt ngào khi bạn nghĩ nó xa hơn một chút. Tôi thấy rất nhiều bạn trẻ bây giờ thường chỉ chú trọng đến cái kết quả trước mắt, chứ ít khi biết tự vẽ ra cái bản đồ đường đi của mình.

Bạn có thể không vẽ nó ra trên giấy nhưng những gì bạn học được từ những hành trình thú vị hay không thú vị, những người khách hàng khó tính hay những vị sếp khó ưa đều có những mặt tích cực.

Hãy nhìn vào mặt tích cực đó, và kết thúc nhẹ nhàng. Có đôi lần sinh viên hỏi tôi “Nếu cô không thích sếp của mình, sau này khi gặp lại cô có chào không?”.

Thực ra tôi không biết vì sao bạn không thích người sếp ấy hay mối quan hệ của hai bên xấu đến mức nào nhưng nhìn toàn cảnh, việc chào hỏi không thể hiện sự yêu ghét, mà là sự lịch sự và chuyên nghiệp – nói chi người ấy từng là sếp, kể cả là một vị sếp tồi.

Hà Phạm

Cùng chuyên mục
XEM