Hơn 300 cầu thủ Việt thất nghiệp, ra đường kiếm sống

14/12/2012 14:54 PM | Nghề nghiệp

Có đến 9 đội bóng giải thể hoặc chuyển giao, đẩy khoảng 300 cầu thủ vào cảnh thất nghiệp, phải ra đường kiếm sống hoặc về phụ giúp gia đình...

Bóng đá Việt Nam đang trải qua thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử khi chỉ trong vòng 2 tháng, có đến 9 đội bóng giải thể hoặc chuyển giao, đẩy khoảng 300 cầu thủ vào cảnh thất nghiệp, phải ra đường kiếm sống hoặc về phụ giúp gia đình...

Từ 28 đội bóng chia đều ở V-League và Giải Hạng nhất, mùa giải 2013 chỉ còn quy tụ được 2/3 số đội đủ sức tham dự 2 giải đấu bóng đá chuyên nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trong đó, V-League còn 12 đội, Giải Hạng nhất còn 8 đội. Nếu tính cả K.Khánh Hòa được chuyển giao cho Hải Phòng, chỉ trong vòng 1 tháng qua đã có đến 9 đội bóng bị giải thể hoặc chuyển giao, khiến hơn 300 cầu thủ Việt rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Không ít người đã vỡ mộng với nghiệp “quần đùi áo số”.

“Cái chết” được báo trước

Một ngày trước hội nghị Ban Chấp hành VFF lần thứ 10 diễn ra sáng 13/12, CLB XSKT Lâm Đồng trở thành cái tên thứ 9 tự xóa sổ khỏi cuộc chơi của bóng đá Việt Nam. Nhiều bản hợp đồng mới được CLB ký hồi đầu tháng 11 vẫn còn chưa ráo mực, vậy mà giờ gần 40 con người chưa biết sẽ về đâu. Mọi kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới bỗng chốc sụp đổ chỉ với một thông báo rất ngắn gọn nhưng đầy cay đắng: “Do không có kinh phí, đội bóng sẽ giải tán từ ngày 13/12 và không tham dự Giải Hạng nhất 2013”.

Thêm XSKT Lâm Đồng bỏ giải hạng Nhất.

Ngay cả cựu HLV Quân khu 4 Vũ Quang Bảo cũng không tránh được cảm giác bàng hoàng trước cú sốc lớn. Ông Bảo nói: “Tôi không hiểu được tại sao lại như vậy. Mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đấy, anh em cầu thủ đã sẵn sàng. Giờ lại bi kịch thế này!”.

Tâm trạng ngỡ ngàng của XSKT Lâm Đồng cũng là nỗi niềm chung của 8 đội bóng trước đó đã hoặc buộc phải giải thể hoặc phải chuyển giao để tìm đường tồn tại. Tuy nhiên với giới kinh doanh, những “cái chết” hàng loạt diễn ra trong bóng đá Việt Nam vừa qua thực tế đã được họ dự báo từ trước. Khi bầu Kiên bị bắt, 2 đội bóng thuộc quyền sở hữu của ông là CLB Bóng đá Hà Nội và CLB Trẻ Hà Nội đã được dự báo sẽ giải thể.
 
Tương tự, chuyện ông chủ tịch Lê Tiến Anh của CLB K.Khánh Hòa quyết định chuyển giao đội cho Hải Phòng vì không thuyết phục được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa giao hẳn đội bóng về cho Tổng Công ty Khánh Việt quản lý thực ra cũng chỉ là cái cớ. Trong thời điểm phải san sẻ gánh nặng kinh tế cho các công ty con trong tổng công ty, việc nhà tài trợ Khánh Việt phải bỏ bóng đá để đầu tư cho những hạng mục khác thực ra đã có lộ trình định sẵn, với giới kinh doanh rất bình thường, chỉ có đội bóng là bất ngờ.

Cầu thủ trở lại mặt đất

Từ những đôi chân được định giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí là gần chục tỉ, chỉ sau một loạt  biến cố kinh tế tác động đến doanh nghiệp trong nước, hàng trăm cầu thủ Việt bỗng nhiên trở thành người thất nghiệp. Thống kê cho thấy 9 đội bóng buộc phải giải thể hoặc chuyển giao trong 2 tháng qua là K.Khánh Hòa, Navibank Sài Gòn, CLB Bóng đá Hà Nội (V-League), XSKT Lâm Đồng, Trẻ Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trẻ K.Khánh Hòa, Trẻ SHB Đà Nẵng và Hải Phòng (Giải Hạng nhất) khiến hơn 300 cầu thủ, thành viên ban huấn luyện bị đẩy ra đường.

Xây căn nhà 3 tỷ và có cả một vườn gà chọi trăm triệu, nhưng Quang Hải gần đây phải bán xe máy, vay nặng lãi cho vợ sinh đẻ.
 
Dàn xe hơi của các cầu thủ Navibank Sài Gòn trong ngày đến họp bàn việc chuyển giao về phiên hiệu mới, trong đó có chiếc Audi của Tài Em - cầu thủ thừa nhận quyết định mua xe sang là sai lầm lớn nhất của anh.

Cay đắng ở chỗ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều đội bóng cầm cự dự giải nên khó lòng thu nạp số đông cầu thủ này, chỉ một số ít  tên tuổi như Công Vinh, Thành Lương, Quang Hải... may ra còn tìm được việc.

Số đông còn lại hầu hết đều vỡ mộng cầu thủ, buộc phải lao ra đường kiếm việc khác hoặc trở về phụ giúp gia đình làm kinh tế. Cách đây vài ngày, tiền đạo mùa trước còn khoác áo K.Khánh Hòa là Nguyễn Mạnh Tú hiểu rằng theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp không dễ sống nên đã quyết định treo giày, phụ vợ mở tiệm bán bánh cuốn. Một người đồng đội khác từng khoác áo U22 Việt Nam với Mạnh Tú là cựu hậu vệ V.Ninh Bình Khương Quốc Tuấn làm nhân viên bán hàng cho một tập đoàn đa cấp.

Từ một cầu thủ triển vọng, Mạnh Tú giờ đành từ giã nghề cầu thủ để chuyển sang bán bánh cuốn.

Châu Phong Hòa, từng đá cho Ninh Bình mùa giải 2011, nay thất nghiệp đi đá giải phong trào.
Còn những cầu thủ từng một thời có tên tuổi như hậu vệ Châu Phong Hòa, thủ môn Võ Văn Hạnh... ngày ngày đi đá giải phong trào cho các công ty để kiếm đồng ra đồng vào. Con số cầu thủ lâm vào cảnh thất nghiệp chắc chắn chưa dừng lại khi nhiều đội bóng tiếp tục cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm cầu thủ.

Theo Anh Dũng
Người Lao động

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM