EVN phải giảm biên chế

03/10/2014 09:23 AM | Nghề nghiệp

Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương chiều 2/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành công thương đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải giảm biên chế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, không thể tiếp tục bù chéo những mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu nữa, phải bán theo thị trường. Tuy nhiên, chi phí, giá thành, thuế thế nào phải công khai, minh bạch. Với ngành xăng dầu, phải đưa xăng sinh học vào bán rộng rãi trên cả nước, điều tiên quyết là phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn.

Trước báo cáo của đại diện EVN về việc hiện năng suất của Việt Nam chỉ bằng 1/10 Singapore, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Anh Vượng (ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV EVN), anh Thanh (ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN) phải báo cáo tôi, làm thế nào để trong thời gian rất ngắn thôi, nâng cao năng suất, không thể kéo dài được.

Năng suất lao động của mình bằng 40% Thái Lan, bằng 60% Malaysia, bằng 10% Singapore thôi là sao? Các đồng chí cần công nghệ thì mua. Mà tôi tin là người Việt Nam làm được đấy.

Thứ hai nữa là tay nghề kỹ sư, công nhân phải cao hơn. Thứ ba, các đồng chí phải giảm biên chế, nhưng không phải đẩy công nhân ra đường, mà bố trí làm việc khác”.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục. Thủ tục gì gây khó khăn, cản trở phiền hà cho doanh nghiệp, cho người dân thì phải rà soát, sửa đổi với tinh thần phục vụ bảo đảm sự phát triển.

Thoái vốn còn chậm

Về tái cơ cấu và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là đơn vị làm mạnh mẽ, quyết liệt nhất, khi hoàn thành thoái vốn tại 3 đơn vị, thu về 1.600/1.800 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành.

Kế đến là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hoàn thành thoái vốn ở 4 đơn vị thu về 247,7 tỷ đồng, thặng dư 14,3 tỷ đồng. EVN hoàn thành thoái vốn ở hai đơn vị, thu về 104,7 tỷ đồng, thặng dư 864 triệu đồng... Tính chung, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ đã hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 27/96 đơn vị, chiếm khoảng 1/3 đơn vị cần thoái vốn.

Trong số các đơn vị của ngành công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Cty Giấy Việt Nam và Tổng Cty Máy và Thiết bị công nghiệp làm chậm nhất, mới hoàn thành thoái vốn được một đơn vị.

Đại diện ngành công thương thừa nhận, các doanh nghiệp trong ngành vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, thị trường chưa được mở rộng. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Cty Kinh doanh vốn Nhà nước khẩn trương tiếp nhận, bàn giao vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, 9 tháng qua, xuất khẩu tăng 14,2% so cùng kỳ 2013. Có 21 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm trước. Đó là rau quả và hạt tiêu. Đến nay, cả nước đã xuất siêu 2,47 tỷ USD.

>> EVN giải quyết thắc mắc hóa đơn tiền điện thế nào?

Theo Nguyễn Hạnh- Thu Nga

Cùng chuyên mục
XEM