Công ty công nghệ ở Việt Nam thích tuyển sinh viên trường nào?

13/04/2013 14:30 PM | Nghề nghiệp

Sinh viên các trường Đại học Bách Khoa, Công nghệ (thuộc Đại học Quốc gia), Ngoại thương, Kinh tế quốc dân đứng đầu bảng về sự tín nhiệm tuyển dụng của các doanh nghiệp CNTT (IT).

Trao đổi với phóng viên ICTnews, bà Trịnh Thu Hồng, Trưởng ban Nhân sự của Tập đoàn FPT cho biết: Để đáp ứng nhu cầu củng cố và mở rộng hoạt động kinh doanh, hàng năm FPT đều có kế hoạch tuyển dụng. 

Năm 2012, FPT đã tuyển hơn 2.000 người, dự kiến năm 2013 con số tuyển mới sẽ là hơn 3.000 người. Các vị trí FPT cần tuyển rất đa dạng từ sinh viên thực tập tới những vị trí lãnh đạo cấp cao, từ khối kỹ thuật, công nghệ tới kinh tế. 

Ban Nhân sự FPT đã xây dựng một website riêng trong đó tập hợp toàn bộ thông tin tuyển dụng của toàn Tập đoàn để giúp ứng viên dễ dàng lựa chọn theo khả năng và sở thích nghề nghiệp của mình.

“Chúng tôi không quan trọng ứng viên học trường nào, yếu tố hàng đầu là bạn đó có năng lực phù hợp với vị trí cần tuyển. Tuy nhiên, có một số trường mà các bạn sinh viên có lợi thế đó là Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh…, bà Hồng nhấn mạnh.

Sinh viên các trường Bách khoa, Quốc gia, Kinh tế Quốc dân cũng nằm trong danh sách được Tập đoàn Công nghệ CMC quan tâm hơn các ứng viên đến từ những trường khác.

Theo ông Phùng Đức Việt,  Trưởng Ban Nhân sự - Tập đoàn Công nghệ CMC, lãnh đạo Tập đoàn luôn đánh giá cao những sinh viên vừa ra trường hoặc cử nhân mới đi làm 1 - 2 năm, có tư chất tốt, có khả năng về tiếng Anh, nghiêm túc trong công việc. 

Tập đoàn luôn có nhu cầu tuyển dụng cao cho các vị trí thuộc khối ngành CNTT - viễn thông và khối ngành quản trị kinh doanh, tài chính, marketing, nhân sự.

 Ở khối ngành thứ nhất, đối tượng sinh viên được đánh giá cao thuộc các trường như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia), Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên, Aptech, Đại học FPT,… 

Còn ở khối ngành thứ 2 thì CMC có nhiều thiện cảm hơn cả với sinh viên các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia, Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,…

Hiện tại, khoảng 25% cán bộ nhân viên tại CMC được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệm Đại học. Mỗi năm thường có 50 - 70 sinh viên tham gia vào hoạt động của Tập đoàn với tư cách  nhân viên chính thức, thực tập sinh, cộng tác viên, nhân viên thời vụ…

Đặc biệt có cảm tình với sinh viên Đại học Bách khoa, ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phần mềm Sao Mai giải thích lý do bởi sinh viên Bách khoa có đầu vào tốt hơn các trường khác, lại có ý thức tự học cao hơn.

Vài năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường nhân lực sinh viên mới tốt nghiệp chưa được khai thác tối đa khi rất nhiều công ty giảm nhu cầu tuyển dụng và hướng đến các ứng viên có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, cơ hội dành cho sinh viên vẫn còn rất lớn.

Không chỉ trực tiếp làm việc và tuyển dụng với từng cá nhân sinh viên, không ít doanh nghiệp CNTT-TT, điển hình như Tập đoàn FPT đã lên kế hoạch kết nối cung - cầu nhân lực với các trường đại học mà mình có nhiều nhu cầu tuyển dụng. 

Các chính sách lương bổng dành cho sinh viên của CMC cũng rất rõ ràng và hấp dẫn: Sau 3 tháng làm việc, nếu đáp ứng yêu cầu của CMC và được ký hợp đồng chính thức thì sẽ được điều chỉnh lương lần 1 = 10% so với mức mới vào; sau 1 năm, nếu đáp ứng tốt yêu cầu công việc thì được xem xét điều chỉnh 20-30%; sau 5 năm kinh nghiệm, trở thành chuyên gia thì lương có thể tính đến hàng nghìn USD/năm.

Theo Xuân Bách

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM