4 bước tuyển dụng không cần CV

08/07/2013 15:42 PM | Nghề nghiệp

Tuyển dụng được nhân tài phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhà quản lý doanh nghiệp thường quá bận rộn và không có thời gian để nghiên cứu và đánh giá hàng chục hồ sơ ứng viên chỉ để chọn ra một, hai ứng viên.

Theo J.T O’Donnell, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc của Careerealism.com,một trang web tư vấn tìm việc, doanh nghiệp cũng không nên chuyển hết việc tuyển dụng nhân sự cho các tổ chức bên ngoài. Vậy cách mà O’Donnell khuyên các doanh nghiệp nên áp dụng là gì?

“Từ lâu, tôi đã không còn yêu cầu ứng viên nộp lý lịch cá nhân (resume hay CV) nữa. Qua nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng tôi thấy những bản lý lịch cá nhân như thế chẳng hữu dụng gì trong việc đánh giá ứng viên. Tôi cũng không đăng các thông báo tuyển dụng vì việc này chỉ làm tôi mất thời gian khi phải nhận và xử lý quá nhiều hồ sơứng viên mà phần lớn là không đạt yêu cầu cho vị trí cần tuyển dụng”, O’Donnell chia sẻ. 

Dưới đây là quy trình tuyển dụng gồm bốn bước mà O’Donnell khuyên các doanh nghiệp nên áp dụng để tìm nhân tài phù hợp.

1. Không đăng thông báo tuyển dụng, thay vào đó đưa ra vấn đề mà ứng viên trúng tuyển sẽ phải giải quyết. 

O’Donnell khuyên nên viết ra vấn đề này càng chi tiết càng tốt, giải thích rõ với ứng viên về những vấn đề mà doanh nghiệp kỳ vọng họ giải quyết và thời hạn cần thiết để làm điều đó. Sau đó, nên giải thích với ứng viên về lý do tồn tại của công ty. Công ty được thành lập là để giải quyết vấn đề gì cho khách hàng? Cuối cùng, liên hệ đến việc một ứng viên phù hợp sẽ là một ứng viên có thể giúp doanh nghiệp giải quyết tốt các vấn đề cho khách hàng.

2. Yêu cầu ứng viên trả lời ba câu hỏi ứng xử sau đây:

- Anh/chị biết gì về ngành hay và công ty của chúng tôi?

- Làm thế nào anh/chị biết được những việc chúng tôi đang làm có ý nghĩa rất quan trọng đối với khách hàng của chúng tôi?

- Anh/chị thích thú nhất với khía cạnh nào trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi, vì sao?

3. Yêu cầu ứng viên cho xem hồ sơ LinkedIn, tên tài khoản Twitter và bất cứ thông tin trực tuyến nào khác về ứng viên. 

O’Donnell khuyên doanh nghiệp không nên yêu cầu ứng viên nộp lý lịch cá nhân hay bất cứ các hồ sơ nào khác trước khi ứng viên trả lời ba câu hỏi trên và cung cấp đường dẫn đến các hồ sơ của ứng viên trên các mạng xã hội.

4. Cung cấp cho ứng viên một địa chỉ thư điện tử riêng và yêu cầu ứng viên gửi đơn ứng tuyển trực tiếp đến địa chỉ đó. 

Nên đưa ra giới hạn thời gian là 10 ngày làm việc đểứng viên thu xếp gửi đơn ứng tuyển. Có thể chia sẻ thông báo tuyển dụng trên tất cả các kênh truyền thông xã hội mà doanh nghiệp đang tham gia và chờứng viên phù hợp nộp đơn ứng tuyển.

O’Donnell giải thích rằng sở dĩ quy trình trên có tác dụng là vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, những ứng viên không nghiêm túc sẽ không nộp đơn ứng tuyển vì cảm thấy mất quá nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu về ngành của doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp và trả lời các câu hỏi nói trên.

Thứ hai, các ứng viên nộp đơn ứng tuyển theo một mẫu thư và bản lý lịch chuẩn thường được số đông ứng viên sử dụng rõ ràng là những người chưa đọc kỹ các hướng dẫn của doanh nghiệp và có thể loại ra ngay.

Thứ ba, thời gian nộp đơn ứng tuyển bị giới hạn cũng là để loại bớt các ứng viên không nghiêm túc.

Thứ tư, yêu cầu ứng viên trả lời ba câu hỏi nói trên sẽ giúp doanh nghiệp hiểu được cách hành văn, giao tiếp cũng như năng lực của ứng viên. Nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng nhận biết được liệu ứng viên có hiểu biết về hoạt động kinh doanh của mình và vai trò, nhiệm vụ của vị trí mà họ đang ứng tuyển trong việc giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề của khách hàng tốt hơn hay không.

Thứ năm, tìm hiểu hồ sơ của ứng viên trên LinkedIn hay các trang web xã hội khác sẽ giúp doanh nghiệp có thêm những thông tin về nghề nghiệp chuyên môn của họ. Nếu ứng viên không sẵn sàng chia sẻ những thông tin này thì họ sẽ không nộp đơn ứng tuyển.

Thứ sáu, những ứng viên đưa ra câu trả lời tốt nhất là những ứng viên có khả năng giải quyết các vấn đề và chứng minh rằng họ là người thích hợp để làm việc đó. Khi tham dự phỏng vấn, những ứng viên này cũng sẽ làm cho buổi phỏng vấn đầu tiên trở nên thoải mái và hiệu quả hơn.

Cuối cùng, những ứng viên nghiêm túc tuân theo quy trình phỏng vấn và tuyển dụng do doanh nghiệp đưa ra là những ứng viên đã có đầu tư kỹ trong quá trình ứng tuyển của mình. Vì lý do này mà khả năng họ nhận việc (nếu được đề xuất tuyển dụng) sẽ cao hơn. 

Mặt khác, đối với họ, được chấp nhận tuyển dụng đã là một “chiến thắng” bước đầu và họ thường sẽ nỗ lực sau đó, vượt qua cả mong đợi của nhà tuyển dụng, để chứng minh rằng nhà tuyển dụng đã ra một quyết định đúng đắn khi chọn họ thay vì những ứng viên khác.

Theo Đông Dương 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM