10 điều bạn cần biết trước khi đăng kí thi CFA

20/02/2013 18:09 PM | Nghề nghiệp


2 năm trước, sau 1 thời gian tìm hiểu tôi đã có 1 cú click chuột tốn hơn 1000$, click để đăng kí thi CFA level 1. Lúc đó lượng người học CFA ở Việt Nam chưa đông như hiện nay, thông tin về CFA trên các diễn đàn không nhiều, cũng không quen biết ai đã trải qua hết 3 kì thi để hỏi kinh nghiệm học & thi. 

Ước gì lúc đó có ai nói cho tôi biết 1 số kinh nghiệm xương máu khi lỡ tay đăng kí CFA thì chặng đường đã đỡ đau khổ hơn 1 ít. Ví dụ như Level 1 thì chỉ cần học Kaplan + đánh lụi là đã đủ đậu, không có ai cảnh báo tôi rằng level 2 thật là chua cay, học trước quên sau, khó gấp 3 lần level 1. Còn level 3 thì ăn thua hên xui, tỉ lệ đậu toàn cầu 50% nhưng ở Việt Nam chỉ tầm 30%.

Còn đúng 100 ngày nữa là đến kì thi CFA tháng 6/2013, dưới đây là những điều tôi đã không biết trước khi đăng kí CFA, 1 số là những kỉ niệm vui, còn 1 số điều sẽ rất quan trọng cho những ai đang cân nhắc học CFA:

1/ Trước kì thi 6 tháng, tôi không còn 1 ngày nghỉ cuối tuần nào cả: sau 1 tuần làm việc mệt mỏi, tôi phải học cật lực 2 ngày cuối tuần để kịp tiến độ. Những kì nghỉ dài như lễ 30/4 là cơ hội tốt để cày từ sáng đến khuya. 3 kì thi bằng 18 tháng ko có ngày cuối tuần.

2/ Bị bạn bè bỏ rơi: trước khi học CFA tôi hay tụ tập với bạn bè, chơi thể thao, PS3, Bi-a. Giai đoạn ôn thi từ chối đi chơi quá, cuối cùng lần sau bạn bè đi chơi không thèm rủ tôi nữa.

3/ Phải bắt đầu thật sớm cơ hội đậu mới cao: quen thói sinh viên nước đến chân nhảy mới cao, tôi bắt đầu học khá trễ nên giai đoạn nước rút học đến bạc tóc mới xong hết được. Giai đoạn cuối uống café nhiều hơn uống nước.

4/ Phải học vài lần mới nhớ: giáo trình tới 6 cuốn sách nặng đô, học 1 lèo xong 6 cuốn, feel like a boss, nhưng ngó lại cuốn 1 thì thấy quên hết ráo.

5/ Giáo trình của CFA institute thật là khó nuốt: sách của CFA viết khá lòng vòng, nhiều ý nhưng chỉ yêu cầu nhớ 1 số điểm chính. Vì vậy nếu dư giả thời gian đọc sách của CFA có rất nhiều kiến thức, nhưng nếu chỉ ôn thi để đậu thì học sách của Kaplan dễ hơn rất nhiều.

6/ Mặc dù tỉ lệ đậu của level 1 thấp hơn level 2 & 3, nhưng thực sự lên 1 level độ khó tăng gấp mấy lần. Trong đó level 2 đóng vai trò quyết định. Nhiều người bỏ nhiều công sức học level 2 nhưng không pass được nên đã bỏ luôn CFA.

7/ Cách tính điểm đậu của CFA là lấy 70% số điểm của 10% thí sinh cao điểm nhất làm điểm chuẩn. 10% cao điểm nhất trâu bò lắm thì chỉ được tầm 90/100 điểm. Vì vậy bạn chỉ cần làm đúng tầm 63% là có cơ hội đậu rồi (lúc trước cứ ngỡ 70% mới đậu)

8/ Trước kì thi, bạn sẽ rất stress vì còn nhiều chương chưa học xong. Trong khi đó, bạn bè thấy mình căng thẳng quá lại tới an ủi như 1 chuyên gia CFA: level 1 dễ lắm, không sợ đâu; mày thi đậu level 1 thì cũng có nền tảng & kinh nghiệm rồi, sẽ đậu level 2 thôi; level 3 tỉ lệ đậu đến 50% lận mà, tự tin lên nào...

9/ Ngày có kết quả thi rất hồi hộp và đáng nhớ: 9h đêm mới có, cả ngày không làm được gì, lạy trời khấn phật, hứa hẹn ăn chay. Công sức 6 tháng trời cày vất vả, pass level 1 rất hạnh phúc, it’s better than sex, mình thật là giỏi, ta phục ta quá. Pass level 2 thấy rất vui nhưng không hiểu sao không vui bằng pass level 1, mặc dù chặng đường vất vả hơn. Pass level 3 thì thấy nhẹ nhõm, không hiểu sao mình làm tệ hại, viết nhăng viết cuội mà cũng đậu.

10/ CFA cũng chỉ là 1 chứng chỉ nghề nghiệp, không phải là quyển cửu âm chân kinh hay độc cô cửu kiếm, học xong thiên hạ vô địch. Quan trọng là vận dụng những kiến thức & kỉ năng đã học được như thế nào chứ không phải có được tấm bằng là có tất cả.

Theo Vfpress.vn/BI

kyanh

Từ khóa:  CFA , level , thi
Cùng chuyên mục
XEM