Nghề lấy 'vàng lỏng' ở Nepal: Thu nhập khủng nhưng phải đánh đổi bằng tính mạng, treo mình trên vách đá 50m để mang 'chiến lợi phẩm' xứng đáng trở về

19/11/2022 12:59 PM | Sống

Dù có thu nhập khủng từ việc lấy mật ong rừng, song những người thợ "săn" mật ong ở dãy Himalaya phải đối mặt với đầy rẫy nguy hiểm, thậm chí phải đánh đổi bằng tính mạng của mình.


Giữa các ngọn núi sừng sững ở Himalaya, hàng nghìn năm trôi qua, những người đàn ông Gurung vẫn đang kiếm sống bằng nghề treo mình lơ lửng trên không săn mật ong rừng quý hiếm.

Thu hoạch mật ong từ các vách đá là một công việc truyền thống cổ xưa của người dân ở dưới chân dãy Himalaya. Những người đàn ông thuộc dân tộc Gurung, sống ở vùng đồi núi ở miền trung Nepal và miền bắc Ấn Độ, đã mạo hiểm mạng sống mưu sinh bằng nghề mạo hiểm này. Những chuyến đi lấy mật ong thường diễn ra 2 lần/năm vào mùa thu và mùa xuân. Điều này gắn liền với người dân nơi đây như là một phần quan trọng của văn hóa Nepal.

Nghề lấy "vàng lỏng" ở Nepal: Thu nhập khủng nhưng phải đánh đổi bằng tính mạng, treo mình trên vách đá 50m để mang "chiến lợi phẩm" xứng đáng trở về - Ảnh 1.

Làng Naiche bao gồm khoảng 61 hộ gia đình người Gurung, sống chủ yếu bằng nghề lấy mật ong rừng. Ảnh:thethirdpole.net

Ganga Bahadur Gurung, một thợ lấy mật ong lão luyện cho biết, trong các chuyến đi "săn",  anh sẽ lặng lẽ cầu nguyện các vị thần che chở và ban phước lành cho một chuyến đi thành công. Ganga là thủ lĩnh của nhóm lấy mật ong gồm 15 người đến từ Naiche, một ngôi làng ở đô thị nông thôn Marshyangdi thuộc tỉnh Gandaki miền trung Nepal.

Các thành viên trong nhóm "săn" mật ong của anh ấy sẽ leo xuống những vách đá cao 50m - 300m trên một chiếc thang dây để lấy "vàng lỏng" của loài ong mật to nhất thế giới. Ong mật Himalaya thường làm tổ ở những vách đá dựng đứng, khiến việc tiếp cận chúng trở nên vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

Ban đầu, người thợ sẽ đốt các loại lá rừng để tạo thành những đám cháy lớn bên dưới tổ ong. Lửa và khói bốc lên khiến những con ong sẽ rời khỏi tổ, sau đó, thợ lấy mật sẽ tiếp cận tổ ong. Để thu hoạch mật, người lấy mật sẽ dùng que dài chọc thẳng vào tổ ong, làm cho những mảng sáp ong chứa mật rơi xuống chiếc rổ bên dưới.

Để tránh bị đàn ong tấn công, thợ lấy mật trường trang bị bộ quần áo đặc biệt để bảo vệ cơ thể trước cơn thịnh nộ của bầy ong. Tuy nhiên, một số thợ lấy mật vẫn chỉ mặc trên mình những bộ quần áo bình thường để "hành nghề".

Nghề lấy "vàng lỏng" ở Nepal: Thu nhập khủng nhưng phải đánh đổi bằng tính mạng, treo mình trên vách đá 50m để mang "chiến lợi phẩm" xứng đáng trở về - Ảnh 2.

Để thu hoạch mật, người lấy mật sẽ dùng que dài chọc thẳng vào tổ ong, làm cho những mảng sáp ong chứa mật rơi xuống chiếc rổ bên dưới. Ảnh: holidaystonepal.com

Treo người hàng chục mét trong không trung, tay Ganga bám vào sợi dây mây trên vách núi dốc đứng. Còn nơi hốc đá là những tổ ong rừng Himalaya với những tảng sáp ong khổng lồ, đầy mật và vàng ruộm. Chỉ cần trượt tay, Ganga có thể mất mạng vì vực sâu bên dưới, còn bên trên là đàn ong điên cuồng chống trả. Để thu hoạch một tổ ong, những người thợ săn mật ong phải mất từ 2-3 giờ, tùy thuộc vào vị trí và kích thước của nó.

Thông thường, những người thợ săn mật ong dày dặn kinh nghiệm sẽ không bao giờ lấy hết mật ong tại một địa điểm để đảm bảo ong sẽ có thể trở lại vào mùa sau. Mật ong Himalaya là mặt hàng xuất khẩu quý giá vì có giá trị dược liệu cao nên thường được săn lùng ráo riết.

Ganga cho biết 20 năm trước, mật ong do dân làng Naiche thu hoạch được bán với giá khoảng 3,5 USD/lít. Ngày nay, loại mật quý hiếm này được bán với giá 20 -30 USD/lít. Anh cũng tiết lộ rằng  giá mật ong trên thị trường quốc tế sẽ cao hơn nhiều. Theo đó, mật ong rừng Himalaya bán ở thị trường châu Á cao gấp 6 lần loại mật ong thông thường ở Nepal, khoảng 50 - 80 USD cho nửa kg. Mức giá này khiến những người nghèo như Mauli liều mạng trèo cao để thu hoạch.

Nghề lấy "vàng lỏng" ở Nepal: Thu nhập khủng nhưng phải đánh đổi bằng tính mạng, treo mình trên vách đá 50m để mang "chiến lợi phẩm" xứng đáng trở về - Ảnh 3.

Người thợ lấy mật ong sẽ phải leo xuống những vách đá cao 50m - 300m trên một chiếc thang dây đơn sơ. Ảnh:holidaystonepal.com

Ganga cho biết: "Hai thập kỷ trước, sáp có giá trị hơn mật ong, vì vậy chúng tôi thường thu hoạch nó sau khi ong rời tổ. Vào thời điểm đó, mật ong được dùng để nấu rượu địa phương hoặc trộn với thuốc lá… Không ai mua mật ong cả."

Sanjay Kafle là giám đốc điều hành và là người sáng lập Best Mad Honey, một công ty có trụ sở tại Nepal chuyên xuất khẩu mật ong lấy từ nóc nhà thế giới đi khắp thế giới. Ông cho biết công ty của ông xuất khẩu 3-4 tấn mật ong mỗi năm và con số này "tăng lên hàng năm".

Mỗi một tổ ong được thu hoạch, người thợ có thể lấy được 15 lít mật ong. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu khiến quần thể ong mật Himalaya suy giảm mạnh trong những năm trở lại đây, chính vì thế, lượng mật cũng ít dần đi khiến cuộc sống của người thợ lấy mật gặp nhiều khó khăn hơn trước.

Nghề lấy "vàng lỏng" ở Nepal: Thu nhập khủng nhưng phải đánh đổi bằng tính mạng, treo mình trên vách đá 50m để mang "chiến lợi phẩm" xứng đáng trở về - Ảnh 4.

Thợ lấy mật trường trang bị bộ quần áo đặc biệt để bảo vệ cơ thể trước cơn thịnh nộ của bầy ong. Ảnh:holidaystonepal.com

Thời gian gần đây, chính phủ Nepal đầu tư mạnh vào du lịch, cho phép du khách trực tiếp theo chân người dân địa phương đi săn ong mật. Việc này giúp một bộ phận người dân không bị phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ thiên nhiên và giúp đời sống của người dân nơi đây được cải thiện.

Dẫu vậy, việc thúc đẩy du lịch này lại đẩy loài ong mật tới nguy cơ suy giảm số lượng cao vì tác động nhiều đến môi trường sống của chúng. Theo đó, một số thợ săn bị cám dỗ bởi lợi ích trước mắt nên sẵn sàng dẫn du khách đi săn ong dù không phải mùa lấy mật. Chúng khiến loài ong suy giảm nghiêm trọng số lượng vì thiếu thức ăn.

Bên cạnh đó, việc khai thác quá mức không phải là mối đe dọa duy nhất đối với loài ong mật khổng lồ Himalaya. Trên khắp dãy Himalaya của Nepal, hoạt động đào đất và xây dựng các con đường và đập đang tác động đến hệ sinh thái tự nhiên nơi đây.

Ánh Lê

Cùng chuyên mục
XEM