Nghệ An: Trồng ổi trên đất bạc màu cho lãi hàng trăm triệu đồng một năm

14/05/2017 15:18 PM | Kinh doanh

Từ một vùng đất cằn, nhiều người dân huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã thử nghiệm giống ổi lê Đài Loan. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc đúng quy trình, mô hình đã giúp nhiều hộ trồng ổi có thu nhập cao, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo.

Gia đình anh Dương Quốc Oai và chị Nguyễn Thị Phương, xóm Nam Sơn, Nghĩa Sơn có 5 sào đất bạc màu, trước đây anh chị trồng rất nhiều loại cây nhưng đều thất bại vì đất quá xấu. Quyết tâm không để đất bỏ hoang anh chị vay tiền đầu tư thuê máy múc san ủi, đào giếng và mạnh dạn đưa giống ổi lê Đài Loan vào trồng. Nghĩ là làm, một mình mày mò ra Hà Nội tìm mua giống ổi Lê Đài Loan về trồng hơn 200 gốc trên 5 sào đất. Sau một năm bỏ công, bỏ sức, cuối cùng cây không phụ lòng người, cây ổi cho quả quanh năm, ngày nào cũng có thương lái đến hái.

Ổi lê Đài Loan là giống ổi dễ tính nên có thể trồng bất cứ thời gian nào trong năm. Thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, thu hoạch quanh năm. Thân cây cứng, khỏe mạnh, khả năng kháng sâu bệnh tốt. Quả có hình trái lê ổn định, vỏ quả láng, thịt quả màu trắng, giòn và vị ngọt mát, ít hạt, mùi thơm và giàu dinh dưỡng.

Khi quả to bằng ngón tay cái thì phải dùng túi bọc chuyên dụng để bọc quả. Việc bọc quả sẽ giúp quả tránh được côn trùng gây hại và giúp cho quả ổi được thơm ngon, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. “Giống ổi này không cần nhiều phân bón và rất ít sâu bệnh nên không tốn nhiều chi phí đầu tư. Giống ổi này còn đặc biệt ở chỗ, gia đình tôi có thể chủ động trong việc ra quả của cây. Sau mỗi đợt thu hoạch, phải cắt cành để cây tiếp tục ra chồi, đơm hoa và kết quả”, chị Phượng cho biết.

Chị Nguyễn Thị Phượng cho biết thêm: Ngoài được cung cấp lý thuyết của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, vợ chồng chị còn đến nhiều nhà vườn khác để học hỏi thêm kinh nghiệm. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, sản phẩm ổi của gia đình luôn ngon, ngọt và giòn, mẫu mã đẹp được thương lái đến thu mua tận vườn.

Hiện tại mỗi ngày khách vào vườn mua đến hơn 100 kg. Khách mua ổi đến đây giống như vào siêu thị mua hàng. Nghĩa là khách vào vườn tự chọn rồi ra báo với chủ để cân lên trả tiền. Bây giờ đang là chính vụ thu hoạch nên giá ổi tại vườn là 18.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày gia đình chị Phượng bán ổi thu được từ 2 - 3 triệu đồng. Giống ổi này vào dịp Tết bán tới 50.000 - 80.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi năm gia đình chị thu hái được hơn 200 triệu đồng tiền lãi.

Nhiều chủ vườn ở xã Nghĩa Sơn cho biết, ổi trồng được 1 năm bắt đầu cho quả, để tránh sâu bệnh và ánh nắng trực tiếp chiếu vào, sau khi ra hoa được 1 tháng thì các hộ trồng ổi dùng bao ni lông hoặc bao vải bọc quả cho đến khi thu hoạch. Cách làm này không chỉ giúp tránh sâu bệnh mà không cần phải phun thuốc, bên cạnh đó còn giúp quả ổi có màu da đẹp. Khi thu hoạch cũng có người mua tận vườn nên không mất công vận chuyển, giá ổi dao động từ 18.000 - 30.000 đồng/kg.

Cũng như gia đình anh Oai - chị Phương, từ năm 2013 đến nay, nhiều gia đình ở Nghĩa Sơn đã đầu tư có hiệu quả với cây ổi. Hiện Nghĩa Sơn là xã có nhiều ổi lê nhất huyện Nghĩa Đàn. Đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với những cây trồng khác, không chỉ mở ra hướng phát triển mới cho nông dân Nghĩa Sơn, giúp nhiều hộ thoát nghèo mà đã bắt đầu tạo “thương hiệu” cho nông dân Nghĩa Sơn khi có nhiều thương lái ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa đến đặt mua.

Ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho hay, cây ổi trồng ở các thửa đất tận dụng và ở trong vườn tạp. Ổi lê chỉ trồng sau một năm là cho "hái tiền" quanh năm. Tính ra mỗi ha thu lãi đến hàng trăm triệu đồng/năm. Thấy được hiệu quả mang lại từ cây ổi cao nên trong những năm gần đây nông dân Nghĩa Sơn đã cải tạo các vườn tạp, các diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng ổi.

Xã cũng đã đi khảo sát và động viên các hộ gia đình tích cực cung cấp nước cho cây. Xã luôn chú trọng giúp người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nhằm tăng năng suất, hiệu quả cây trồng. Đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất về vốn thông qua chương trình vay vốn của các ngân hàng.

Hiện nay, ổi lê Đài Loan không chỉ được trồng ở xã Nghĩa Sơn mà còn được nhân rộng ra ở xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Minh, Nghĩa Yên… bước đầu đã được người tiêu dùng ghi nhận.

“Huyện Nghĩa Đàn đang trong quá trình xây dựng thương hiệu ổi cho xã Nghĩa Sơn trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của vùng đất Phủ Quỳ. Để đưa được sản phẩm vào siêu thị và dán tem sản phẩm Nghĩa Sơn, huyện đang chỉ đạo cho xã Nghĩa Sơn thành lập Hợp tác xã sản xuất theo mô hình khép kín từ giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch và thị trường đầu ra cho sản phẩm”, ông Nguyễn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết.

Theo Bích Huệ

Cùng chuyên mục
XEM