Nghệ An: Những tỷ phú “chân đất”

26/06/2017 20:51 PM | Kinh doanh

Ngoài những lựa chọn khởi nghiệp ở miền “đất hứa” tại các thành phố lớn thì hiện tại không ít bạn trẻ đã mạnh dạn khởi nghiệp từ làng. Chính họ, bằng niềm tin, bằng sự nỗ lực cố gắng và bằng sức trẻ đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và góp phần làm chuyển biến về nhận thức trong chọn ngành, chọn nghề của giới trẻ hiện nay…

Bỏ trời tây về… làng

Chàng thanh niên trẻ Trần Hữu Nghĩa quê ở xóm Cao Sơn, xã Viên Thành, huyện Yên Thành kể với chúng tôi, khi đang đi lao động tại Nga, anh vẫn đau đáu về mảnh đất này. Vì vậy, cuối năm 2014, về nước, việc đầu tiên Nghĩa làm là xin thuê lại gần 2ha đất với mong ước biến nơi đây thành trang trại. Ban đầu, biết được ý định này của Nghĩa, không ít người can ngăn bởi khu đất này để hoang đã lâu, cằn cỗi. Bản thân Nghĩa dù lớn lên ở làng nhưng đã xa quê gần 10 năm, không có kinh nghiệm làm nông nghiệp. Nhưng rồi, Nghĩa đã làm nên điều bất ngờ khi dám đầu tư gần 3 tỷ đồng cải tạo toàn bộ đồng ruộng. Trong đó, một phần diện tích Nghĩa đào ao, thả cá và trồng gần 300 gốc cây ăn quả bao gồm ổi, cam, chanh. Diện tích còn lại, Nghĩa đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại và tự mình ngược sang Campuchia mua hơn 100 con bò giống Thái Lan và Myanmar về chăn nuôi.

Trần Hữu Nghĩa (áo trắng) đang giới thiệu về trang trại chăn nuôi bò của mình
Trần Hữu Nghĩa (áo trắng) đang giới thiệu về trang trại chăn nuôi bò của mình

Với chúng tôi, Nghĩa tự nhận mình khá “liều” bởi nuôi một con bò đã khó huống gì nuôi đến hàng trăm con. Bản thân Nghĩa tự biết mình “tay không bắt giặc”. Thành quả lớn nhất đó là sau gần 2 năm, rất nhiều lứa bò đã được xuất chuồng, vụ trái đầu tiên cũng bắt đầu ra quả, cho thu nhập.

Nghĩa cho biết, ban đầu chọn nuôi giống bò Thái Lan và Myanmar nhiều người cho rằng không hợp với khí hậu của vùng đất xứ Nghệ. Nhưng rồi, sau khi đi vào thực hiện mới thấy đây là một lựa chọn đúng đắn bởi giống bò này rất hợp với khí hậu nóng, bò nuôi phát triển, tăng trưởng tốt và giá thành kinh tế cao gấp rất nhiều lần so với bò truyền thống. Hiện tại, với trên 100 con, cứ 3 tháng, Nghĩa xuất chuồng một lần với giá trị hàng trăm triệu đồng. Để trang trại duy trì ổn định, Nghĩa cũng thuê 4 nhân công làm việc thường xuyên với mức lương trung bình từ 4-6 triệu đồng/người.

Hỏi Nghĩa có ân hận không khi quyết định bỏ công việc nhẹ nhàng ở nước ngoài để về Việt Nam làm việc, Nghĩa tâm sự: Mình sinh ra từ làng nên dù xa quê đã lâu thì nghề nông vẫn thấm vào trong máu thịt. Công việc ở quê nhà tuy vất vả hơn nhưng bù lại mình được làm chủ, được làm công việc mà mình yêu thích và tạo được công ăn việc làm cho nhiều thanh niên trong vùng.

Nguyễn Xuân Thành (xóm 4, xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu) cũng là một chàng trai từng có 5 năm đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Trở về quê, được sự giới thiệu của bạn bè, Thành đã cùng với anh em trong gia đình đầu tư gần 5 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH Thương mại may Thành Đạt. Ban đầu, quy mô của công ty chỉ vài chục công nhân. Tuy nhiên, đến nay, nhờ tìm được nguồn hàng ổn định xuất sang Hàn Quốc và Mỹ nên số lượng công nhân đã phát triển lên hơn 100 người. Quá trình hoạt động, Thành chia sẻ có rất nhiều khó khăn, nhất là những lúc hàng xuất đi nhưng chậm thanh toán hoặc gặp trở ngại về mẫu mã, kỹ thuật. Tuy nhiên, càng gắn bó với nghề, Thành càng tin vào lựa chọn của mình và đang dự định tiếp tục mở rộng thêm nhà máy thứ 2.

Nói về những kết quả đã đạt được sau 2 năm thành lập công ty, chàng trai 8X chia sẻ: Có rất nhiều cách để khởi nghiệp nhưng nếu khởi nghiệp được ở quê nhà sẽ là điều thuận lợi nhất. Bởi vì ở đây mình được gần gia đình, gần anh em, bạn bè. Làm việc ở quê hương, mình cũng sẽ được tạo nhiều cơ chế thuận lợi như được hỗ trợ về vốn, cơ chế chính sách, hạ tầng và nhân công….

Khuyến khích “khởi nghiệp”

Đến thời điểm này, ở Nghệ An, tỷ lệ thanh niên chiếm gần 30% dân số của cả tỉnh với khoảng 1 triệu người. Tuy nhiên, trong số này tỷ lệ người có việc làm và việc làm ổn định chỉ được khoảng hơn 60%. Ngay như với lực lượng đã qua đào tạo, dù mỗi năm có khoảng hơn 20.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ra trường nhưng chỉ khoảng 3.000 sinh viên là có việc làm. Thực tế cũng cho thấy, hiện đối tượng thanh niên tự tạo cho mình một cơ hội tự khởi nghiệp là rất khó. Riêng đối với những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên nông thôn thì việc có ý tưởng kinh doanh tốt nhưng để thực hiện được ý tưởng đó lại là một vấn đề hết sức khó khăn, đầy thách thức và gặp nhiều vướng mắc về vốn, cơ chế chính sách.

Anh Phạm Tuấn Vinh - Bí thư tỉnh đoàn Nghệ An cho biết, tỉnh đoàn Nghệ An đã xây dựng kế hoạch, hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế trong thanh niên tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2019. Mục đích của kế hoạch nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn trong phát triển kinh tế, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. “Phong trào thanh niên khởi nghiệp đã được thanh niên trong tỉnh đón nhận với nhiều ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, từ ý tưởng đi vào thực tế, cần rất nhiều chính sách hỗ trợ để không lãng phí những đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo của tuổi trẻ…”, anh Phạm Tuấn Vinh chia sẻ.

Theo Hoàng Trinh

Cùng chuyên mục
XEM