Ngày xưa ông cha ta chống nạn "con ông cháu cha" thế nào? Đây là cách làm cực kỳ sáng suốt của vua Lê Thánh Tông

15/03/2017 09:15 AM | Xã hội

Khoản 3- Điều 37 bộ Luật phòng chống tham nhũng năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2007 và 2012 quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó".

Chuyện đề bạt con cháu, người thân vào làm trong các cơ quan công quyền không còn xa lạ ở nhiều nước. Chẳng có gì lạ khi “ông này bà nọ” cũng chỉ là con người và họ có thể sẽ thiên vị cho những người thân quen của mình.

Dẫu vậy, chính quyền phong kiến thời xưa đã có những biện pháp vô cùng sáng tạo, đáng giá để học hỏi nhằm đối phó với tệ nạn này.

Khi vua Lê Thánh Tông ghét kiểu “Con ông cháu cha”

Từ năm 905, khi Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân Việt Nam nổi dậy lật đổ ách đô hộ của chính quyền phong kiến Trung Quốc đến khi thực dân Pháp xâm lược đất nước vào năm 1858, triều đình phong kiến Việt Nam đã liên tục củng cố, bổ sung thể chế quan chế, quản lý đội ngũ quan lại.

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của thời phong kiến ngày xưa là chế độ “Hồi tỵ” (Rule of Avoidance), nghĩa gốc là né tránh. Theo đó, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, cùng quê... thì không được làm quan cùng một chỗ. Nếu xảy ra những trường hợp như trên thì địa phương phải báo cáo lên triều đình và các cơ quan chức năng nhằm bố trí lại.

Thêm vào đó, các quan lại cũng không được tại vị quá lâu ở một địa phương nhằm tránh tình trạng kéo bè kết phái.

Luật Hồi tỵ cũng được áp dụng chặt chẽ trong các kỳ thi Hương, Hội, Đình nhằm kiểm soát chặt chẽ tình trạng lợi dụng chức vụ để bao che, nâng đỡ, cấu kết với người thân để thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý cơ quan công quyền.

Luật Hồi tỵ tại Việt Nam xuất hiện lần đầu vào thời vua Lê Thánh Tông khi nhà lãnh đạo này đã cầm quyền được 26 năm với nhiều kinh nghiệm. Quy định này liên tục được vua Lê Thánh Tông hoàn thiện và bổ sung trong 11 năm sau đó, chủ yếu nhằm vào 3 cấp hành chính giống nước ta hiện nay, đặc biệt là cấp cơ sở khi những mối quan hệ ràng buộc về gia tộc khiến quan chức không thể công tâm.

Thậm chí trong bộ luật Hồng Đức còn có quy định quan lại không được lấy vợ, làm thông gia ở nơi mình cai quản cũng như không được tậu nhà cửa ở nơi làm quan lớn, hoặc thuê người cùng quê làm người giúp việc.

Tuy nhiên, do các bộ luật thời phong kiến thường mang đậm sắc thái cá nhân của nhà vua trong khi chính sách Hồi tỵ không được thể chế hóa thành một hệ thống cố định nên dần bị mai một. Thêm vào đó, các đời vua kế nghiệp của Lê Thánh Tông không đủ tài trí bằng ông nên không phát huy được những di sản của người tiền nhiệm. Đến khi chiến tranh giữa liên miên giữa đàng trong và đàng ngoài tại Việt Nam xảy ra, cơ chế quản lý quan lại bị suy đồi và chế độ Hồi tỵ bị quên lãng.

Đến thời Minh Mạng nhà Nguyễn, chính sách Hồi tỵ đã được ban hành lại vào năm 1831 và được bổ sung thêm vào năm 1836. Kế thừa tư tưởng của Lê Thánh Tông, luật Hồi tỵ thời nhà Nguyễn được ban hành cụ thể, mở rộng đối tượng cũng như phạm vi ảnh hưởng, qua đó tránh được tình trạng cục bộ, bè phái địa phương.


Quan lại thời Nguyễn

Quan lại thời Nguyễn

Hiện nay, Luật phòng chống tham nhũng của Việt Nam cũng có một số quy định giống chế độ Hồi tỵ nhưng nhỏ hẹp hơn rất nhiều. Cụ thể, Khoản 3- Điều 37 bộ Luật phòng chống tham nhũng năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2007 và 2012 quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó".

Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa rõ ràng bởi nhiều địa phương vẫn bổ nhiệm người bản địa hoặc có liên quan đến làm lãnh đạo tỉnh, trong khi đáng lẽ ra phải được bổ nhiệm từ nơi khác, làm đại diện cho chính quyền trung ương.

Ưu điểm nổi bật của chế độ Hồi tỵ là ngăn chặn, hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu, lợi ích cục bộ. Đồng thời hạn chế được các mặt tiêu cực trong văn hóa ứng xử của quan lại, công chức, tạo cơ sở pháp lý để phát huy tính công tâm, khách quan trong quản lý bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, quy định này sẽ khiến quan lại, công chức không phát huy được lợi thế hiểu biết về địa bàn, qua đó khiến công việc quản lý hành chính trở nên phức tạp và nặng nề hơn.

Luật Hồi tỵ phổ biến trên thế giới

Luật Hồi tỵ đối với quan lại có nhiều biến thể khác nhau ở từng thời kỳ và quốc gia, nhưng tinh thần xuyên suốt của nó là nhằm ngăn chặn tham nhũng, kéo bè kết phái tại địa phương, duy trì sự công tâm và chế độ tập quyền của trung ương.

Theo các tài liệu lịch sử, chế độ Hồi tỵ xuất hiện sớm nhất vào thời nhà Tùy-Trung Quốc (581-619) và được phát triển ở các triều đại tiếp theo cho đến nhà Thanh.

Cụ thể, quan lại không được phép làm quan ở quê hương mình và thời hạn tại vị ở một nơi không được quá 3-4 năm. Hết thời hạn, các quan phải đi nhận chức ở nơi khác, cha mẹ và con cái trên 15 tuổi không được phép đi theo nhằm tránh ảnh hưởng đến việc quản lý.


Đế chế Mughal

Đế chế Mughal

Không riêng gì Trung Quốc, đế chế Mughal, hay còn gọi là Mogul dưới thời đại đế Akbar cũng từng xuất hiện chế độ tương đương luật Hồi tỵ. Những quan lại sẽ được điều chuyển sau một khoảng thời gian nhất định nhằm ngăn ngừa tham nhũng cũng như thiên vị.

Chính nhờ sự sáng suốt của đại đế Akbar mà đế chế Mongol trở thành đất nước rộng lớn thứ 2 trong lịch sử phong kiến ở Ấn Độ. Đế chế này bao gồm Ấn Độ, Pakistan và một phần Afghanistan ngày nay.

Tuy vậy, cách điều hành này đã bị những vị vua đời sau của đế chế lãng quên, khiến vương quốc này dần lụi tàn.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM