Ngày thường vốn ô uế, nhưng tới khi nhà cháy, bồn cầu sẽ là thứ cứu sống bạn

02/11/2016 15:12 PM | Công nghệ

Đừng để chết ngạt trước khi chết cháy. Bằng phương pháp này, bạn có thể được cứu sống trong trường hợp hoả hoạn đột ngột không may xảy ra.

Thống kê cho thấy, trong hầu hết các trường hợp hỏa hoạn xảy ra, số người tử vong vì ngạt khói đôi khi còn cao hơn người tử vong vì bỏng hay công trình sập xuống.

Nghĩa là không phải trong trường hợp nào, nỗ lực chạy thoát thân cũng là đúng đắn. Giả sử, chúng ta đặt ra case study ở đây: không thể thoát ra khỏi đám cháy, trong khi khói độc đang bao trùm, nạn nhân phải làm gì?

Để giải bài toán này, các nhà sáng chế tại Mỹ đã đưa ra một giải pháp lạ mà hay, có từ cách đây 35 năm. Trong đó, kĩ năng tiên quyết bất kì ai cũng cần phải nhớ đó là: không để bị ngạt thở, hay hít phải khói độc, trước khi nghĩ tới việc thoát thân ra ngoài.

Đừng để chết ngạt trước khi chết cháy!

Có thể bạn không tin, nhưng bằng cách... "vục mặt" vào bồn cầu, bạn có thể được cứu sống trong trường hợp hỏa hoạn không may xảy ra.

Về cơ bản, không khí trong đường ống bồn cầu luôn bốc mùi khó chịu. Điều này giải thích tại sao, người ta luôn thiết kế đường ống bồn cầu dạng cong nhằm giữ một phần nước lại, chặn mùi hôi thối.

Bên cạnh đó, phần ống cong giữ nước này còn có nhiệm vụ là ngăn chặn các loài côn trùng bò lên theo đường thoát nước.

Thế nhưng, trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn, đường ống vốn "bốc mùi" này sẽ là thứ cứu sống bạn.

Cụ thể, theo bằng sáng chế của William O. Holmes tại Mỹ, được cấp vào năm 1981, khi đám cháy xảy ra, chúng ta có thể tìm tới ngay bồn cầu, sử dụng một ống cao su khoảng 1 mét, đủ để xuyên qua phần nước được giữ lại trong bồn, nhằm hít thở, lấy dưỡng khí.

Sau này, bản nâng cấp của ống cao su còn tích hợp thêm phần trùm miệng, giống với ống thở của thợ lặn chuyên nghiệp, phòng trường hợp nạn nhân hít phải khí độc từ bên ngoài.

Bằng việc có thêm dưỡng khí, cơ hội sống sót của nạn nhân sẽ được nâng cao, từ vài phút cho tới vài giờ đồng hồ, phần nào hạn chế nguy cơ tử vong do ngạt khói.

Và cũng từ ý tưởng "ống cao su dưỡng khí qua bồn cầu", tới năm 1990, Timothy Mulcahy đã sáng chế ra một thiết bị nhỏ gọn hơn, có thêm bộ lọc than hoạt tính, gắn trực tiếp vào thành bồn cầu giúp người sử dụng thở được trong cả những đám cháy lớn.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM