"Ngày thứ 2 đen tối" của thị trường tài chính toàn cầu: Chỉ là khởi đầu của một giai đoạn khó khăn mới?

11/03/2020 10:57 AM | Kinh doanh

Cách đây 30 năm, thị trường Mỹ và thế giới đã chứng kiến sự kiện "ngày thứ 2 đen tối", khi các nhà đầu tư đồng loạt rút tiền khỏi thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, lần sụt giảm này được các nhà kinh tế đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với sự kiện cách đây 30 năm.

Việc thị trường tài chính trên toàn thế giới ngày hôm qua đồng loạt suy giảm kỷ lục cho thấy sự khởi đầu của một giai đoạn khó khăn mới trên thị trường tài chính.

Trong đó, tại Mỹ, Dow Jones giảm tới 2.000 điểm, tương đương với 7,79%, Nasdaq mất 629,94 điểm (tương đương 7,29%), S&P500 giảm 225,81 điểm (-7,6%). Các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Úc và Anh cũng chịu sự sụt giảm nghiêm trọng không kém so với thị trường Mỹ; thị trường Việt Nam cũng chứng kiến mức giảm điểm kỷ lục với việc chỉ số VNIndex mất tới 55.95 điểm, tương ứng với hơn 6% giá trị thị trường. Sự sụt giảm đồng loạt của các thị trường chứng khoán trên thế giới vào ngày thứ 2 nhắc lại một sự kiện đã xảy ra trước đây hơn 30 năm, "ngày thứ hai đen tối"

Ngày thứ 2 đen tối của thị trường tài chính toàn cầu: Chỉ là khởi đầu của một giai đoạn khó khăn mới? - Ảnh 1.

Chỉ số công nghiệp của Mỹ - Dow Jones, mất tới hơn 2000 điểm vào hôm thứ Hai tuần qua. (Ảnh: TradingView)


Cách đây 30 năm, thị trường Mỹ và thế giới đã chứng kiến sự kiện "ngày thứ 2 đen tối", khi các nhà đầu tư đồng loạt rút tiền khỏi thị trường chứng khoán. Việc tổng khối lượng giao dịch quá lớn được đặt cùng lúc làm quá tải hệ thống của các sàn giao dịch là Fedwire và NYSE Dot, dẫn tới việc tất cả các nhà đầu tư bị nhiễu loạn và mất hoàn toàn thông tin về thị trường. Trong ngày hôm đó, Dow Jones mất 508 điểm (-22,6% giá trị); 23 thị trường lớn khác trên toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng mạnh, đáng kể nhất là các thị trường ở Malaysia, Mexico và New Zealand (sụt giảm 30 - 39% giá trị) và Hồng Kông, Úc và Singapore (sụt giảm trên 40% giá trị). Tổng thiệt hại với toàn thế giới lên tới 1,7 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Ngày thứ 2 đen tối của thị trường tài chính toàn cầu: Chỉ là khởi đầu của một giai đoạn khó khăn mới? - Ảnh 2.

Chỉ số DowJones giảm điểm lịch sử với hơn 500 điểm bị mất chỉ trong 1 ngày (Ảnh: Amibroker)


Tuy nhiên, lần sụt giảm này được các nhà kinh tế đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với sự kiện cách đây 30 năm. 

Năm 1987, sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra, với sự hỗ trợ của các Ngân hàng Trung ương, thị trường tài chính toàn cầu đã nhanh chóng hồi phục và phát triển mạnh mẽ cho tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. 

Tuy nhiên lần này, sự suy yếu về mặt kết nối giữa tăng trưởng kinh tế và lãi suất đã được thể hiện rõ ràng qua những phản ứng của thị trường. 

Ban đầu, các nhà đầu tư cho rằng dịch cúm Covid – 19 là phiên bản thứ hai của dịch SARS năm 2003 và không có gì đáng lo ngại, khi vào thời điểm đó, dịch được dập tắt tương đối nhanh chóng, đưa kinh tế thế giới trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. 

Giai đoạn đầu sau Tết nguyên đán, thị trường tài chính ở hầu hết các quốc gia hầu như tiếp tục đi ngang và không có nhiều biến chuyển. Tuy nhiên sau khi dịch bắt đầu bùng phát ở Hàn Quốc và châu Âu, các nhà đầu tư bắt đầu hoảng sợ, và khiến cho thị trường bắt đầu sụt giảm mạnh mẽ. Các ngân hàng trung ương bắt đầu triển khai các chương trình cắt giảm lãi suất, trong đó đáng kể nhất là việc FED cắt giảm 50 bps trong một nỗ lực cứu giúp nền kinh tế. 

Tuy nhiên trái với năm 1987, việc cắt giảm lãi suất càng làm tình hình tồi tệ hơn, khi các nhà đầu tư trở nên hoảng loạn và tiếp tục bán tháo, cộng thêm ảnh hưởng mạnh mẽ của virus corona tới Đức và Ý – 2 nền kinh tế lớn của châu Âu, và cả Mỹ trong những ngày gần đây, gây ra ngày thứ hai đen tối cho không chỉ Mỹ mà còn toàn bộ thị trường tài chính thế giới.

Ngày thứ 2 đen tối của thị trường tài chính toàn cầu: Chỉ là khởi đầu của một giai đoạn khó khăn mới? - Ảnh 3.

Những biện pháp hỗ trợ của NHTW không còn hiệu quả đã dẫn đến hiệu ứng ngược với thị trường tài chính (Ảnh: Irishtime)


Cũng như cuộc khủng hoảng xảy ra năm 1987, cuộc khủng hoảng năm 2020 cũng được tiếp sức bởi nỗi lo từ giá dầu giảm. Nếu như trước đây những xung đột mạnh mẽ giữa các quốc gia vùng vịnh khiến nỗi lo gián đoạn và suy giảm nguồn cung dầu khiến thị trường tài chính hoảng loạn, thì ngày nay căng thẳng giữa Nga và Arab Saudi khiến giá dầu giảm rất mạnh, do Arab trả đũa Nga vì không gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC. 

Với việc Arab tuyên bố sẽ tăng sản lượng và giảm giá bán cho khách hàng, cùng với những tin xấu liên tiếp về virus corona khiến viễn cảnh giá dầu giảm tới mức 20 USD/ thùng trở nên thực tế hơn bao giờ hết. Điều này khiến các nhà đầu tư trở nên cực kỳ hoảng loạn và lo sợ, nhất là những nhà đầu tư của các công ty dầu mỏ lớn trên thế giới, vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá dầu giảm.

Ngày thứ 2 đen tối của thị trường tài chính toàn cầu: Chỉ là khởi đầu của một giai đoạn khó khăn mới? - Ảnh 4.

Giá dầu WTI đã giảm 33,29% trong 1 tháng trở lại đây, cho thấy khủng hoảng trong giá dầu (Ảnh: Business Insider)


Như vậy, với việc các ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất, kết hợp với giá dầu giảm và những tin tức tiêu cực về sự lây lan của dịch Covid – 19 trên toàn thế giới, ngày thứ hai đen tối đã trở lại; và sau đó, nhiều khả năng sẽ không phải là một sự trở lại mạnh mẽ như cách đây 33 năm, mà sẽ là một cuộc khủng hoảng sâu rộng và lâu dài hơn nữa.


Tiến Đạt

Cùng chuyên mục
XEM