Ngày thấy trầm cảm đến tuyệt vọng, hôm lại vui vẻ tràn đầy năng lượng: Cuộc sống thách thức, khác xa tưởng tượng của số đông mà người mắc rối loạn lưỡng cực phải đối mặt mỗi ngày

11/08/2020 16:17 PM | Sống

Bên cạnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực cũng là một căn bệnh tâm lý khá phổ biến trong xã hội. Nhiều người không biết rằng căn bệnh này đang "gặm nhấm" tinh thần mình mỗi ngày, mà nhầm lẫn với "tâm trạng thất thường".

Theo ước tính của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, 2,8% số người trưởng thành tại nước này mắc bệnh rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder - RLLC). Số liệu thống kê năm 2019 cũng cho thấy, căn bệnh này đang ảnh hưởng tới khoảng 45 triệu người trên toàn cầu.

Tương tự như nhiều căn bệnh tâm lý khác, người mắc RLLC gặp phải rất nhiều thách thức trong cuộc sống. Một người dùng trên Reddit chia sẻ: "Có lúc tôi trầm cảm, có lúc tôi hưng phấn. Chúng đến và đi mà không bao giờ báo trước. Hôm nay, tôi có thể nghĩ ‘Cuộc đời này thật tươi đẹp". Hôm sau, tôi ngồi bóng tối mình một mình, khóc lóc và ước gì mình có thể biến mất khỏi cõi đời này. Bạn không bao giờ biết mỗi giai đoạn này sẽ kéo dài bao nhiêu lâu. Tôi cảm thấy khó khăn vì còn phải lo toan cho gia đình, con cái và công việc…".

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về RLLC và cảm thông với người bệnh.

"RLLC thực sự là tình trạng cực kỳ phức tạp với những triệu chứng dễ nhận ra. Vì vậy, người bị bệnh sẽ cảm thấy vô cùng thận trọng khi chia sẻ về bệnh tình của mình cho những người thân và bạn bè", Hillary Goldsher - bác sĩ tâm lý tại Beverly Hills trả lời tờ HuffPost.

"Đối với họ, đây là một việc nhạy cảm và gây kích thích lo lắng. Hầu hết mọi người đều có định kiến nhất định về RLLC. Người mắc căn bệnh này sợ rằng việc tiết lộ sẽ khiến họ bị phân biệt đối xử."

Tờ HuffPost đã trò chuyện với một số người mắc RLLC về những điều họ muốn người khác hiểu hơn, từ phương pháp điều trị đến tác động của bệnh lên các mối quan hệ xã hội.

 Ngày thấy trầm cảm đến tuyệt vọng, hôm lại vui vẻ tràn đầy năng lượng: Cuộc sống thách thức, khác xa tưởng tượng của số đông mà người mắc rối loạn lưỡng cực phải đối mặt mỗi ngày  - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

RLLC không chỉ đơn giản là sự thay đổi tâm trạng

Theo Liên minh Hỗ trợ Trầm cảm và Rối loạn lưỡng cực, RLLC được đặc trưng bởi những sự thay đổi đáng kể về mặt tâm trạng - điển hình nhất là từ "hưng cảm" xuống "trầm cảm".

Ở giai đoạn hưng cảm, người bệnh có thể cảm thấy vô cùng phấn khích, lạc quan quá mức, bốc đồng, tức giận, dễ thực hiện các hành vi liều lĩnh, thậm chí còn sinh ra ảo giác trong một số trường hợp. Đây là những biểu hiện thường thấy ở người mắc RLLC loại I.

Những người mắc RLLC loại II thường trải qua giai đoạn hưng cảm ở mức nhẹ hơn. Trái lại, giai đoạn trầm cảm của họ sẽ kéo dài lâu hơn, với những triệu chứng như buồn bã, khóc lóc, uể oải, mệt mỏi, cảm thấy mình vô dụng, thay đổi về thói quen ăn uống và ngủ nghỉ, nghĩ đến cái chết.

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, ngoài ra còn cyclothymia - dạng nhẹ nhất của RLLC. Người bệnh cũng trải qua những giai đoạn cảm xúc như trên, nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Một số phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh kiểm soát được các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm này. Tuy nhiên, không có cách nào để loại bỏ hoàn toàn những triệu chứng khó chịu này suốt đời.

"Thuốc và các liệu pháp tâm lý có thể hỗ trợ phần nào, nhưng đó chỉ là một sự cân bằng mong manh thỉnh thoảng cần được điều chỉnh", Meghan Hall - người dẫn chương trình podcast The Inspired Women - cho biết. "Tôi đang cố gắng hết sức để chữa trị và duy trì ổn định. Thế nhưng, dù kiên trì và suy nghĩ tích cực đến thế nào thì căn bệnh này cũng không thể biến mất. Điều tốt nhất mà mọi người có thể làm là thông cảm, thấu hiểu và hỗ trợ tôi làm những việc giúp tôi ổn định".

 Ngày thấy trầm cảm đến tuyệt vọng, hôm lại vui vẻ tràn đầy năng lượng: Cuộc sống thách thức, khác xa tưởng tượng của số đông mà người mắc rối loạn lưỡng cực phải đối mặt mỗi ngày  - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

RLLC có rất nhiều nguyên nhân sâu xa

Bác sĩ Goldsher giải thích rằng nguyên nhân RLLC xuất hiện là do "cả gen lẫn môi trường". Một nghiên cứu được công bố năm 2017 tiết lộ rằng chấn thương tâm lý thời thơ ấu, thói quen ngủ, chức năng nhận thức, tính cách và một số loại gen nhất định có ảnh hưởng tới nguy cơ mắc RLLC của một người.

"Tôi ước gì mọi người có thể hiểu rõ về căn bệnh này như nhiều bệnh thông thường khác. Có những lúc tôi cảm thấy mình như đang ‘ngừng hoạt động’, Emily - một sinh viên 28 tuổi - cho biết. "Tôi chỉ đơn giản là bị thay đổi về mặt hóa học và không thể nào kiểm soát được tình trạng này, ngoại trừ việc tới gặp chuyên gia để khám và điều trị."

Người bệnh không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đối mặt với căn bệnh này.

Không có phương pháp nào toàn vẹn để điều trị và kiểm soát RLLC

"Không phải ai cũng gặp những triệu chứng giống nhau. Các phương pháp điều trị cũng có hiệu quả khác nhau với mỗi người", Jinx - một vũ công 32 tuổi - nói. "Tôi đã thử vô vàn loại thuốc trong nhiều năm qua, nhưng thời gian lâu nhất mà tôi cảm thấy ổn định là khi sử dụng các liệu pháp thông thường và đi khám chuyên gia xương khớp."

Theo Liên minh Quốc gia về các bệnh tâm thần, những người mắc RLLC có thể hưởng lợi từ nhiều liệu pháp khác nhau. Chẳng hạn, có người cần điều trị bằng liệu pháp hành vi biện chứng để điều tiết cảm xúc của mình, có người lại cần tham gia các nhóm hỗ trợ điều trị để bớt cảm thấy cô đơn. Mọi người có thể sử dụng thêm thuốc hoặc các biện pháp toàn diện, cũng như kết hợp tất cả các phương pháp trên.

 Ngày thấy trầm cảm đến tuyệt vọng, hôm lại vui vẻ tràn đầy năng lượng: Cuộc sống thách thức, khác xa tưởng tượng của số đông mà người mắc rối loạn lưỡng cực phải đối mặt mỗi ngày  - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm diễn ra khác nhau

Một trong những hiểu lầm thường thấy về RLLC là bệnh nhân sẽ liên tục xoay vần giữa hưng cảm và trầm cảm. Trên thực tế, mỗi giai đoạn này có thể kéo dài trong một khoảng thời gian dài. Nghiên cứu trên các bệnh nhân mắc RLLC loại I cho thấy, mỗi giai đoạn cảm xúc của họ sẽ kéo dài trung bình 13 tuần. Họ thường sẽ trải qua 1-2 chu kỳ/năm.

Vì các chu kỳ này rất khó đoán trước, người mắc RLLC cần phải đặc biệt chú ý tới cảm xúc của bản thân để có thể nhận ra các triệu chứng sắp xuất hiện. Stevie Mora - một chuyên gia về quan hệ khách hàng 25 tuổi - cho biết, điều này khiến cho cô phải liên tục đánh giá "từng cảm xúc một".

"Chúng tôi phải chống chọi mỗi ngày, kể cả trong những lúc cảm thấy ‘tuyệt vời nhất’," Mora nói.

Khó duy trì các mối quan hệ xã hội trong từng giai đoạn

Kể cả khi kiểm soát thành công RLLC trong nhiều năm, người bệnh đôi khi vẫn cảm thấy khó khăn khi duy trì các mối quan hệ xã hội trong mỗi giai đoạn trầm cảm hoặc hưng phấn.

"Tôi sẽ trả lời tin nhắn rất nhanh. Tôi sẽ chăm sóc mọi người. Tôi sẽ giúp đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, đôi lúc, tôi lại trả lời tin nhắn vô cùng chậm chạp", Rose - một cựu sinh viên 27 tuổi - chia sẻ. "Điều này cũng tương tự khi bạn bị cúm vậy. Khi não tôi không khỏe, tôi sẽ cần thêm chút thời gian."

 Ngày thấy trầm cảm đến tuyệt vọng, hôm lại vui vẻ tràn đầy năng lượng: Cuộc sống thách thức, khác xa tưởng tượng của số đông mà người mắc rối loạn lưỡng cực phải đối mặt mỗi ngày  - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Kiểm soát RLLC là nhiệm vụ thường ngày

Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng việc duy trì thời gian biểu một cách nhất quán có thể giúp làm giảm các triệu chứng RLLC. Điều này đòi hỏi bệnh nhân phải thực hiện một số nhiệm vụ hàng ngày để kiểm soát căn bệnh này, bao gồm từ bỏ một vài hoạt động nhất định có thể gây ra triệu chứng.

"Tôi đã phải xây dựng thời gian biểu và duy trì thói quen để có thể sống một cách khỏe mạnh. Chỉ một lần phá vỡ thói quen cũng đủ để tôi rơi vào trầm cảm lâu dài", Alex H. - một kiểm soát viên tài chính 30 tuổi - giải thích.

"Tôi không tham gia những hoạt động có thể đe dọa đến thói quen của mình. Không phải là tôi không yêu thương gia đình và bạn bè; chỉ là điều này giúp tôi sống sót", cô nói.

Sự hỗ trợ của mọi người có thể giúp bệnh nhân hồi phục đáng kể

Các bệnh nhân RLLC rất cần có người giúp đỡ mỗi khi các triệu chứng xuất hiện.

Deborah Ontiveros - một bệnh nhân RLLC 39 tuổi - cho biết: "Suốt nhiều năm qua, có lúc tôi cảm thấy thật cô đơn, xấu hổ và hoang mang. Tôi cố gắng để hiểu rõ hành vi của mình trong những giai đoạn trầm cảm, hưng cảm hoặc cả hai".

Tuy nhiên, sau khi tìm được một người bạn dành thời gian để tìm hiểu về căn bệnh RLLC, cô cảm thấy được hỗ trợ rất nhiều về mặt cảm xúc. Người phụ nữ này cảm thấy sẵn sàng hơn khi phải đối mặt với bản thân, kể cả trong những giai đoạn tồi tệ nhất.

Để giúp đỡ bệnh nhân RLLC, bạn có thể tìm đến các chuyên gia về sức khỏe tinh thần hoặc tự tìm hiểu về căn bệnh này. Lắng nghe trải nghiệm của những người mắc RLLC có thể giúp bạn hiểu và đồng cảm hơn với họ.

"Sự phân biệt đối xử và định kiến… thường bắt nguồn từ sự thờ ơ, sợ hãi hoặc thiếu lòng trắc ẩn", Goldsher cho biết.

(Theo HuffPost)

Linh Hân

Cùng chuyên mục
XEM