Ngày mai Thủ tướng gặp doanh nghiệp nước ngoài, thiết lập gần 150 điểm cầu

21/04/2023 22:43 PM | Kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngày mai (22/4), Thủ tướng sẽ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài để đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến làn sóng đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hội nghị Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tại 63 điểm cầu địa phương, 80 điểm cầu nước ngoài.

Mục tiêu của hội nghị để truyền tải thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Việt Nam đối với khu vực đầu tư nước ngoài. Khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Ngày mai Thủ tướng gặp doanh nghiệp nước ngoài, thiết lập gần 150 điểm cầu - Ảnh 1.

Tháng 9/2022, Thủ tướng từng có cuộc làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài (ảnh: MPI).

Tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cùng với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài sẽ đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến làn sóng đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhận diện cơ hội, thách thức, khó khăn để có các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc và kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, tình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm sút, lạm phát gia tăng, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.

Các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp… đã tác động mạnh đến làn sóng đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất. Cạnh tranh trong thu hút FDI đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trước cuộc làm việc của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã họp với đại diện của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để bàn về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì họ sẽ được thu thêm 12.000 tỷ đồng riêng năm 2024. Hiệu quả đầu tư của họ vào Việt Nam sẽ giảm một phần không nhỏ so với khi chưa bị áp thuế tối thiểu toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hiện các bộ, ngành có liên quan đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng đề xuất các giải pháp của Việt Nam nhằm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư; khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam; tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Theo Việt Linh

Cùng chuyên mục
XEM