Ngành nào “đốt tiền” quảng cáo trực tuyến nhiều nhất?

23/02/2020 20:01 PM | Kinh doanh

Tuy chi tiêu cho digital vẫn tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng thị trường quảng cáo Việt Nam vẫn được “phủ bóng” phần lớn bởi những kênh quảng cáo truyền thống.

Adsota - công ty quảng cáo trực thuộc Appota vừa công bố báo cáo "Quảng cáo trực tuyến Việt Nam 2019". Theo báo cáo, trong năm 2019 các thương hiệu tại Việt Nam chi khoảng 284 triệu đô la cho quảng cáo trực tuyến và chỉ chiếm 20,6% tổng chi tiêu cho quảng cáo năm này.

Cuộc đua của các sàn TMĐT

Quảng cáo digital tại thị trường Việt Nam được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng đều đặn trong những năm tới và chiếm tới 24,7% tổng chi tiêu quảng cáo trong năm 2020.

Điều này cũng sẽ đánh dấu việc Digital Marketing sẽ càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp thị các doanh nghiệp Việt.

Trong năm 2019, các nhãn hàng thuộc các nhóm ngành là bán lẻ/thương mại điện tử và tiêu dùng nhanh (FMCG) là các đơn vị chi nhiều ngân sách Marketing nhất cho quảng cáo digital với lần lượt 23,9% và 12,9% tổng ngân sách quảng cáo trực tuyến.

Các nhóm ngành cũng có mức chi lớn là ô tô, dịch vụ tài chính, du lịch và viễn thông.

 Ngành nào “đốt tiền” quảng cáo trực tuyến nhiều nhất?  - Ảnh 1.

Những số liệu trên đã cho thấy nguồn lực và sự quan tâm của các doanh nghiệp thương mại điện tử đến quảng cáo digital trong thời gian gần đây.

Việc này có mối quan hệ trực tiếp tới cuộc chiến “đốt tiền” của các doanh nghiệp thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo hay Tiki cho các kênh quảng cáo trong thời gian vừa qua. Xu hướng này hứa hẹn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2020.

Thương mại điện tử trong những năm gần đây vẫn là cuộc đua “đốt tiền” khốc liệt đến từ các ông lớn khu vực như Shopee, Lazada và những doanh nghiệp trong nước như Tiki, Sendo.

Các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều ngân sách của mình vào hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực và đặc biệt là các chương trình tiếp thị và quảng cáo nhằm định vị tên tuổi của mình trên thị trường. Những doanh nghiệp không đủ tiềm lực sẽ sớm bị “đào thải” trong cuộc đua này.

Năm 2019, thương mại điện tử Việt Nam đạt tổng giá trị 38 tỷ USD. Xét về số lượt truy cập trong năm vừa qua, Lazada đang tỏ ra hụt hơi khi bị Shopee và Tiki vượt lên kể từ cuối năm 2018 và bị Sendo vượt qua trong 2 quý gần đây.

Các sàn thương mại điện tử nội cũng đang dần dành phần thắng thế so với các ông lớn đến từ các thị trường khu vực nhờ việc hiểu thị trường và sử dụng hiệu quả Influencer marketing.

Năm 2019 đánh dấu sự lên ngôi của Influencer marketing đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam.

Shopee vươn lên đứng đầu thị trường với các chiến dịch cùng các KOL tầm cỡ như Cristiano Ronaldo, BlackPink hay những đại diện của showbiz Việt như Hương Giang và Hoài Linh.

Tiki không chịu kém phần nổi bật khi chọn cặp đôi vàng Trường Giang – Nhã Phương làm gương mặt đại diện đồng hành cũng như “phủ sóng” ở hàng loạt các sản phẩm âm nhạc Việt.

Sendo tuy “im ắng” hơn cũng không nằm ngoài cuộc đua với đại sứ thương hiệu là ca sĩ Mỹ Tâm.

Kẻ duy nhất đứng ngoài xu hướng này – Lazada bất ngờ “lao dốc” về thị phần và lượng người truy cập trong những năm gần đây.

 Ngành nào “đốt tiền” quảng cáo trực tuyến nhiều nhất?  - Ảnh 2.

Sau một khoảng thời gian áp dụng phương thức marketing người ảnh hưởng, cả Shopee và Tiki đều tăng hạng ấn tượng trong bảng xếp hạng tăng tưởng người dùng trên website.

Lazada sau cùng cũng bị “cuốn theo” xu hướng này khi quảng bá các đợt khuyến mại của mình bằng hình thức livestream với KOL như Gil Lê, Miu Lê hay các streamer như PewPew, ViruSs...Sau một khoảng thời gian áp dụng phương thức marketing người ảnh hưởng, cả Shopee và Tiki đều tăng hạng ấn tượng trong bảng xếp hạng tăng tưởng người dùng trên website.

Mobile ads đang trên đà tăng trưởng

Tỷ lệ thuận với các xu hướng trên, mobile ads đang trên đà tăng trưởng và sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong thời gian sắp tới.

Ngân sách quảng cáo mobile năm 2019 đã tăng mạnh mẽ so với một năm trước khi từ 55,2% tổng ngân sách quảng cáo trực tuyến (năm 2018) vươn lên 67,1% vào năm 2019. Mobile Ads cũng được dự báo là sẽ tăng trưởng đều đặn khi đạt đến 67,8% tổng ngân sách digital vào năm 2020 và 68,1% vào năm 2021.

 Ngành nào “đốt tiền” quảng cáo trực tuyến nhiều nhất?  - Ảnh 3.

Video là dạng nội dung đạt nhiều tương tác nhất trên Facebook ở Việt Nam với tỷ lệ 6,55% trên tổng số lượt tiếp cận. Điều này có thể hiểu là khi một post trên Facebook dưới dạng video tiếp cận đến 100 người dùng, sẽ có hơn 6 người trong số đó tương tác (comment, react, share).

Trong khi đó, tỷ lệ tương tác trung bình của tất cả các dạng bài đăng trên page chỉ có 3,81%, của bài đăng có chứa ảnh là 5,22%, của bài đăng chứa link là 3,22%, và của status là thấp nhất với 2,71%. Chính vì vậy, các yếu tố thị giác như hình ảnh hay video là một yếu tố rất quan trọng đối với mỗi post trên mạng xã hội.

Các đơn vị sở hữu các platform video media hàng đầu tại Việt Nam cũng là các đơn vị có doanh thu quảng cáo digital cao nhất trong nhiều năm vừa qua.

Google với nền tảng video YouTube vẫn hiển nhiên chiếm vị trí dẫn đầu với hơn 13 triệu unique visitor (số người - tài khoản mạng tính theo địa chỉ IP) ghé thăm trang trung bình trong một tháng và gần 3,5 tỷ video được đăng tải.

Ngoài hai ông lớn là Facebook và Google, các đơn vị nội địa như Admicro, 24H hay Adtima là các đại diện xếp sau với những nền tảng thuộc sở hữu của mình.

Sử dụng hình thức video marketing là một trong những công cụ cơ bản nhất trong hoạt động digital marketing của các doanh nghiệp Việt. Có đến 85% số doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hình thức này trong hoạt động marketing của mình.

Facebook được coi là mạng xã hội “quốc dân” khi có người dùng ở mọi lứa tuổi, mọi thế hệ. Trong khi đó, Tik tok lại chỉ phổ biến đối với người dùng trẻ (25% số Gen Z được khảo sát cho biết có sử dụng mạng xã hội này). Ứng dụng MXH – Nhắn tin Zalo lại thông dụng với nhóm người dùng lớn tuổi hơn (86% gen X và 90% Millenial).

Theo Nguyễn Tuân

Cùng chuyên mục
XEM