Ngành mía đường: Nghiên cứu phải gắn với sản xuất và thương mại

22/08/2016 08:58 AM | Kinh tế vĩ mô

Không có mô hình chung để giúp ngành mía đường ứng phó trước tác động của biến đổi khí hậu, nhưng nếu không có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, ngành mía đường VN khó phát triển bền vững.

Chúng tôi ghi nhận ý kiến các chuyên gia bên lề hội thảo thường niên Mía đường quốc tế TTC vào ngày 19-8.

Ông Rene Ng Kee Kwong (nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu mía đường Mit Phol, Trung Quốc):

Thiếu liên kết, mía đường Việt Nam bị thụt lùi

Ảnh: M.V
Ảnh: M.V

Nhược điểm của ngành mía đường VN là không liên kết hoặc liên kết rất yếu ở các bộ phận sau: nghiên cứu và triển khai công nghệ - nhà máy - nông dân. Đây là lý do nhiều năm qua ngành mía đường VN phát triển chậm, thậm chí thụt lùi so với các quốc gia khác trong khu vực, chưa nói đến chuyện thực hiện các giải pháp để ngành mía đường thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo kinh nghiệm từ các nước, việc nghiên cứu và triển khai công nghệ thuộc quản lý của nhà nước, có trách nhiệm đưa công nghệ sản xuất đến nông dân và các công ty. Nhờ đó, công nghệ được triển khai đồng bộ, thúc đẩy tăng năng suất, sản lượng, chất lượng.

Công ty thực hiện chế biến sau thu hoạch, nhận hợp đồng kinh doanh từ đối tác, lên kế hoạch sản xuất cùng nông dân, cung cấp giống, phân bón hoặc nhiều hoạt động khác tùy quy mô đầu tư.

Nông dân nhận hợp đồng từ công ty, tiếp nhận công nghệ, sản xuất theo hợp đồng khoán việc (bao gồm cả cam kết về chất lượng). Nếu các mắt xích này được điều phối tốt sẽ gắn kết chặt chẽ về quyền lợi, thúc đẩy hoạt động sản xuất chuyển động nhanh hơn, ngành mía đường sẽ phát triển tốt.

Tóm lại, không có mô hình nào tối ưu để thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng công nghệ thì có rất nhiều. Vấn đề là Nhà nước phải tính toán, lựa chọn công nghệ sản xuất phù hợp với những điều đang gặp trong thực tế. Nếu liên kết tốt, việc ứng dụng công nghệ sẽ phát huy hiệu quả. Nếu không, có bỏ thật nhiều tiền nghiên cứu về biến đổi khí hậu cũng không có ích gì.

TS Sushil Solomon (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường Ấn Độ):

Nghiên cứu tách rời thực tế

Ảnh: M.V
Ảnh: M.V

VN cần chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ cho nông dân, những người trồng mía để họ chủ động hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, muốn phát triển mạnh và bền vững trong mọi hoàn cảnh, ngành công nghiệp mía đường VN phải tăng cường bồi dưỡng bộ phận nghiên cứu và phát triển, đảm bảo việc đáp ứng và thích nghi trong mọi biến đổi đột ngột xảy đến.

Theo tôi, bộ phận nghiên cứu của VN đang tách rời quá xa hoạt động sản xuất thương mại. Do đó, các nghiên cứu không mấy hữu ích và sát thực. Không chỉ riêng VN, nhiều quốc gia có ngành mía đường phát triển ở mức thấp cũng mắc phải, bởi chỉ chú tâm đến quản lý sản xuất mà không quan tâm đến nghiên cứu phát triển.

Thậm chí, đơn giản nhất là phải nghiên cứu chọn công nghệ để ứng dụng cho sản xuất cũng làm yếu ớt, hoặc làm sai điều người sản xuất và người tiêu dùng cần.

Ngược lại, dù có xuất phát điểm của ngành mía đường cũng như điều kiện tự nhiên tương đối giống VN nhưng ngành mía đường Thái Lan phát triển hơn nhiều. Một trong những nguyên nhân là Thái Lan tổ chức bộ phận nghiên cứu, phát triển thuộc quản lý của nhà nước rất gần với công ty và nông dân.

Chính bộ phận này đã tư vấn cho chính phủ thêm hay bớt diện tích canh tác trên toàn quốc cho cây mía trong từng thời điểm khiến ngành mía đường phát triển hài hòa trong ngành nông nghiệp.

Theo Mai Vinh

Cùng chuyên mục
XEM