Ngành mía đường hội nhập Atiga – Người tiêu dùng hưởng nhiều lợi ích

30/09/2020 17:30 PM | Kinh doanh

Trái ngược với lo lắng sẽ mất thị phần vào tay doanh nghiệp ngoại khi cam kết ATIGA được triển khai, ngành mía đường Việt Nam vẫn cho thấy những tín hiệu lạc quan từ góc độ người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp nội địa.

Người tiêu dùng hưởng lợi "siêu khủng"

Theo cam kết ATIGA, Việt Nam đã thực hiện xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2020. Trải qua gần một năm kể từ ngày cam kết ATIGA chính thức có hiệu lực, người tiêu dùng trong nước đã và đang nhận được nhiều lợi ích vô cùng lớn.

Cụ thể, ATIGA mang đến lợi ích về giá cho người tiêu dùng. Trước khi hiệp định ATIGA được triển khai, giá đường Việt Nam thường cao hơn so với giá đường thế giới từ 1.000 VNĐ - 4.000 VNĐ/kg tùy từng thời điểm. Ví dụ với một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo quy mô trung bình tiêu thụ mỗi năm khoảng 7.000- 10.000 tấn đường, chi phí đầu vào nếu chỉ sử dụng đường nội sẽ lớn hơn đáng kể. Để giúp giải tỏa sốt giá, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng đường trong nước vào thời điểm đó, Chính phủ đã cho phép mở thêm "quota" nhập khẩu. Tuy nhiên, vì không phải doanh nghiệp nào cũng được cấp quota và có thể hoàn toàn chủ động đầu vào, giải pháp cấp "quota" dường như chỉ là lời giải ngắn hạn.

Trái lại, hiện nay, với ATIGA, thị trường mở cửa cũng là lúc cạnh tranh về giá xuất hiện, kéo theo giá đường vốn được cho là nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu của nhiều dòng sản phẩm chế biến thực phẩm, nước uống cũng giảm đi tương ứng. Vì vậy, những sản phẩm này khi đến tay người tiêu dùng sẽ có giá thành "mềm" và cạnh tranh hơn.

Tín hiệu khởi sắc từ doanh nghiệp nội địa

Hội nhập mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng cũng đòi hỏi các doanh nghiệp nội địa phải cải tổ, sáng tạo, và nâng cao năng lực cạnh tranh. Sự đổi mới này thậm chí còn diễn ra ngay từ 2 năm trước, kể từ khi Việt Nam hoãn triển khai cam kết ATIGA. Từ đó đến nay, một số doanh nghiệp mía đường đã chủ động tiến hành đầu tư một cách đồng bộ để phát triển vùng nguyên liệu mía, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả chế biến, tối ưu chi phí logistic, tối ưu hóa chuỗi giá trị sản phẩm ngành… Một mặt, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp mía đường giúp những doanh nghiệp sử dụng đường trong nước có thêm nhiều cơ hội kinh doanh. Mặt khác, điều này cũng giúp doanh nghiệp đường có thể chủ động và tự tin cạnh tranh bằng những sản phẩm đường tươi, đường lỏng công nghiệp, đường lỏng tiêu dùng hàng ngày có chất lượng cao và giá thành cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong số các doanh nghiệp nội địa quyết liệt trên "đường đua" hội nhập, có thể kể đến Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi (QNS). Trước áp lực cạnh tranh từ doanh nghiệp ngoại, QNS đã sản xuất mía theo mô hình cánh đồng lớn, đầu tư máy móc, cung cấp dịch vụ làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch… bằng máy với giá cả hợp lý cho nông dân; đồng thời tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng thông qua hỗ trợ vốn, cung cấp giống, vật tư, phân bón... Nhờ áp dụng mô hình cánh đồng lớn, năng suất mía đã tăng từ 50-60 tấn/ha lên 70-80 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm, thu nhập từ trồng mía của bà con cũng được cải thiện.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam giờ đây đã có thể tăng tốc, làm chủ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Không chỉ trong khối ASEAN mà ngay cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU… cũng dần xuất hiện những thương hiệu Việt Nam với sản phẩm ngày càng được các đối tác nước ngoài ưa chuộng.

Ngành mía đường hội nhập Atiga – Người tiêu dùng hưởng nhiều lợi ích - Ảnh 1.

Nếu tận dụng tốt, hội nhập chính là cơ hội vô cùng lớn với doanh nghiệp mía đường Việt Nam.

Thậm chí, cửa xuất khẩu của doanh nghiệp mía đường Việt Nam vẫn tiếp tục được mở rộng khi vào ngày 12/2/2020, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) được Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn. EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng. 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%, về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Tận dụng được những thuận lợi từ ATIGA, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nội cũng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Điều này thể hiện rõ nét qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (BCKQHĐKD) của nhiều doanh nghiệp mía đường. Nổi bật trong số đó là Công ty Cổ phần Mía Đường Sơn La. BCKQHĐKD cho năm tài chính từ 01/07/2019 đến 30/06/2020 của doanh nghiệp này cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đã tăng từ 879 tỷ trong năm trước lên 1.053 tỷ trong năm nay. Năm 2020 cũng là năm khởi sắc của Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar) khi BCKQHĐKD của doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm nay là 12.892 tỷ, tăng 2.007 tỷ so với năm trước.

Như vậy có thể thấy hậu ATIGA, người tiêu dùng Việt Nam được hưởng nhiều lợi ích. Về phía doanh nghiệp, tuân thủ các quy định thuộc cam kết ATIGA hiện là xu hướng phát triển chung của toàn ngành. Nếu tận dụng tốt các cơ hội để vượt qua thử thách và không ngừng đổi mới, tin chắc rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cạnh tranh sòng phẳng, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra sân chơi quốc tế.

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM