Ngành giao thông cần đạt mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025

14/01/2023 11:06 AM | Kinh tế vĩ mô

Chiều 13/1, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Ngành giao thông cần đạt mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025 - Ảnh 1.

Một đoạn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đang thi công thảm bê tông nhựa mặt đường. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Đánh giá những kết quả của Bộ Giao thông vận tải đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Trong thành tích chung năm 2022 của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của Chính phủ có sự đóng góp của Bộ Giao thông Vận tải. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, điều hành chắc tay, nắm chắc vấn đề để triển khai công việc. Các Vụ, Cục quyết tâm thực hiện, vào cuộc toàn diện bằng được nhiệm vụ dù gặp nhiều khó khăn”.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, năm 2022, trong thời gian rất ngắn, Bộ Giao thông vận tải đã rốt ráo phối hợp, làm ngày làm đêm đạt được nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành cả núi công việc: Trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia; Phối hợp thực hiện đảm bảo điều kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với tỷ lệ giải phóng mặt bằng được bàn giao đạt tới 70% chỉ trong 1 năm (thay vì mất 3 - 4 năm so với các dự án trước).

Ngoài các dự án khởi công mới, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã cơ bản đưa vào thông xe kỹ thuật đúng kế hoạch.

“Đặc biệt, để triển khai được các dự án, năm 2022, Bộ Giao thông vận tải đã cùng các bộ, ngành, địa phương huy động được 5 nguồn vốn quan trọng: Vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn từ tăng thu giảm chi, vốn ngân sách địa phương và vốn ngoài ngân sách. Nếu nhiệm kỳ trước, các nguồn vốn được huy động cho hạ tầng giao thông chỉ đạt 136.000 tỷ đồng thì nhiệm kỳ này, con số huy động được là gần 500.000 tỷ đồng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Về kết quả xây dựng quy hoạch chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải là một trong những bộ có nhiều quy hoạch chuyên ngành nhưng các quy hoạch được hoàn thành rất sớm, 4/5 quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt. Đây là điều ít bộ, ngành nào làm được.

Nhận định năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo còn gặp nhiều khó khăn khi một số nền kinh tế lớn có thể đi vào suy thoái, chính sách tiền tệ chống lạm phát tiếp tục tác động tiêu cực, xung đột chính trị trên thế giới còn kéo dài, song, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khó khăn nào cũng phải vượt qua. Phải chủ động nhận diện khó khăn, chuẩn bị nguồn lực chủ động ứng phó, bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII để đạt được mục tiêu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.

“Thời gian tới, nguồn vốn vẫn được xác định vẫn tập trung cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là công trình cao tốc. Mục tiêu đề ra là tất cả các địa phương đều phải cao tốc, tăng kết nối vùng, phát triển kinh tế. Tập trung được nguồn lực cho cao tốc ở nhiệm kỳ này, ở nhiệm kỳ sau mới có thể tập trung cho hạ tầng đường sắt.

Năm nay huy động tối đa về đầu tư công mới được 500.000 tỷ đầu tư trong nhiệm kỳ này. Chủ trương của Đảng là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, phải kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, phải có cơ chế chính sách để khởi động lại BOT để huy động nguồn lực. Song, phải có công cụ kiểm soát, không để xảy ra tiêu cực”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo một số dự án trọng điểm như Cảng hàn không quốc tế Long Thành cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc đảm bảo sự minh bạch, đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh nguyên tắc không chia nhỏ dự án, đầu tư dàn trải, manh mún, không để xảy ra tình trạng bán thầu sai quy định. Nhà thầu nào có đủ năng lực phải đưa vào thực hiện, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án.

Các dự án đã được phê duyệt thì phải triển khai nhanh, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, tránh đội vốn bất hợp lý. Phải kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Động viên, cổ vũ, khen thưởng những cá nhân, tổ chức làm tốt. Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh chồng chéo.

“Bộ Giao thông vận tải cũng phải triển khai quyết liệt nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao 200km/h có thể di chuyển từ Hà Nội vào Tp. Hồ Chí Minh chỉ trong 8 tiếng; hoàn thiện các thủ tục, đề xuất các dự án hợp tác công tư cho tốt, đặc biệt tại các tuyến hướng đang làm như: Lạng Sơn - Cao Bằng, Hòa Bình - Sơn La, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng”, Thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải  Nguyễn Danh Huy cho biết, phát huy kết quả đạt được năm 2022, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá để huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương châm vốn nhà nước là vốn mồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong thiết kế, tổ chức xây dựng, khai thác, quản lý các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường để làm cơ sở phục vụ cho các dự án giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ được tập trung.

Đặc biệt, công tác phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được đẩy mạnh. Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được nâng cao. Mô hình tổ chức bộ máy của các Ban quản lý dự án sẽ được kiện toàn, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Đối với các dự án đang triển khai, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn về vật liệu, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nhiên liệu, vật liệu; tăng cường kiểm tra hiện trường, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động xây dựng, cản trở tiến độ giải ngân”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

Quang Toàn

Cùng chuyên mục
XEM