Ngành đường sắt đặt mục tiêu 100% thanh toán không dùng tiền mặt vào năm 2021

06/08/2019 15:51 PM | Xã hội

Đường sắt Việt Nam cho biết hợp tác mở rộng kênh thanh toán qua Ngân Lượng không nằm ngoài mục đích tối ưu hệ thống nhằm mang lại cho khách hàng trải nghiệm hài lòng nhất với dịch vụ bắt đầu từ khâu mua vé.

Trong thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng không sử dụng tiền mặt ở Việt Nam ngày càng tăng, sau khi Chính phủ có những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Trong đó, đáng chú ý, tại Nghị quyết 02 năm 2019, một trong những giải pháp đột phá là tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với các mục tiêu cụ thể.

Để tiến tới xã hội không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin; trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số. Xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực, vận hành liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số, đặc biệt có khả năng kết nối, tích hợp và xử lý thanh toán cho tất cả các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Riêng trong năm 2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực, chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như: xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, Nghị định quy định một số giải pháp để mở rộng về phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhằm thay đổi dần tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng….

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỷ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017; giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017. Khảo sát của hãng kiểm toán PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.

Ngành đường sắt đặt mục tiêu 100% thanh toán không dùng tiền mặt vào năm 2021 - Ảnh 1.

Cũng thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.

"Tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua vé tàu tăng từ 10% lên 34% vào năm 2018. Mục tiêu tới năm 2021 tỷ lệ thanh toán khi mua vé tàu không dùng tiền mặt sẽ lên tới 100%", bà Phùng Thị Lý Hà- Phó tổng giám đốc CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết trong buổi ký kết hợp tác giữa đơn vị này là CTCP Ngân Lượng. Theo đó kể từ ngày 6/8 bên cạnh hình thức mua vé truyền thống, khách hàng sẽ có thêm lựa chọn thông qua cổng thanh toán Ngân Lượng.

Phía Đường sắt Việt Nam cho biết hợp tác mở rộng kênh thanh toán qua Ngân Lượng không nằm ngoài mục đích tối ưu hệ thống nhằm mang lại cho khách hàng trải nghiệm hài lòng nhất với dịch vụ bắt đầu từ khâu mua vé. Khách hàng có thể lựa chọn các hình thức thanh toán như thẻ nội địa ATM, thẻ Visa/ Master Card hoặc quét mã QR Code để liên kết thanh toán.

Ông Đinh Hồng Quân, tổng giám đốc Ngân Lượng cho biết thêm việc hợp tác không chỉ đem đến trải nghiệm đặt vé và thanh toán dễ dàng, an toàn và minh bạch cho tất cả khách hàng của ngành đường sắt mà còn góp phần mở rộng hệ sinh thái thanh toán của Ngân Lượng bên cạnh 18.000 đối tác,doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực từ ăn uống, mua sắm, vận tải, hàng không, viễn thông.

PV

Cùng chuyên mục
XEM