Ngành du lịch mong ngóng gói hỗ trợ để giữ chân người lao động

29/09/2020 09:58 AM | Xã hội

Nhân lực của ngành du lịch đang bị bào mòn qua những đợt dịch bệnh Covid-19, vì vậy các doanh nghiệp du lịch chỉ mong có những gói hỗ trợ đễ giữ chân lao động khi dịch bệnh đi qua.

Ngành du lịch chưa kịp hồi phục sau 3 tháng đóng băng vì Covid-19, đã tiếp tục bị tác động bởi đợt dịch thứ 2. Lượng khách hủy tour lên tới 95-100% vào dịp cuối tháng 7 và trong tháng 8 - hai tháng được coi là cao điểm của du lịch nội địa, khiến cho các doanh nghiệp du lịch lâm vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Với nhiều doanh nghiệp lữ hành, để có thể duy trì và “sống” được qua mùa Covid-19, họ rất cần những chính sách hỗ trợ trước mắt và cả lâu dài để có thể tiếp tục cầm cự, chờ đợi một đợt khôi phục mới. Đồng thời, đây cũng là một sự chuẩn bị cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp để khi ngành du lịch quay trở lại hoạt động bình thường, sẽ không có cảnh thiếu hụt nhân sự xảy ra.

 Ngành du lịch mong ngóng gói hỗ trợ để giữ chân người lao động  - Ảnh 1.

Công việc chủ yếu của nhiều doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn này là giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc cùng những hậu quả, tồn đọng từ các tác động của việc khách hủy tour, bảo đảm quyền lợi của khách cũng như của công ty và các đối tác, đồng thời chăm sóc chu đáo những đoàn khách vẫn thực hiện các tour du lịch đến các vùng chưa công bố dịch. Trước bộn bề khó khăn, một số đơn vị lữ hành đã chuyển đổi hình thức hoạt động, tạo công ăn việc làm ở lĩnh vực dịch vụ khác cho nhân viên của mình có thu nhập, cho đến khi du lịch hoạt động trở lại. Một số doanh nghiệp đã phải lên phương án giúp người lao động trong công ty được đăng ký các thủ tục cần thiết để giải quyết cho nhân viên làm hồ sơ được hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng.

Anh Trần Văn Tứ - một hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: "Trước đây tôi làm hướng dẫn viên du lịch, bây giờ không làm nữa thì tôi sẽ kiêm nhiệm các việc về hành chính, đi giao hàng, ship hàng khẩu trang. Tôi cảm thấy còn may mắn hơn những hướng dẫn viên khác rất nhiều. Bởi hiện nay theo thống kê của Tổng Cục Du lịch, có khoảng 25.000 hướng dẫn viên mà đa phần là hướng dẫn viên tự do, không có công việc để làm".

 Ngành du lịch mong ngóng gói hỗ trợ để giữ chân người lao động  - Ảnh 2.

Doanh nghiệp mong có những gói hỗ trợ đễ giữ chân lao động khi dịch bệnh đi qua.

Nỗi lo lắng lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp du lịch là đang bị mất dần nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực có tay nghề, như người quản lý hoặc các hướng dẫn viên lâu năm. Những lao động này vì doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh mà phải cho nghỉ việc hoặc đi tìm kiếm công việc khác với mức lương cao hơn. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và ngành du lịch khôi phục trở lại, khi đó các doanh nghiệp du lịch sẽ khó có đủ nguồn nhân lực để phục vụ thị trường. Phòng ngừa trước nguy cơ này có thể xảy ra, Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt đã kịp thời có những chính sách hợp lý để giữ chân nhân viên, đồng hành cùng người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông Lưu Đức Kế - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt cho biết: "Công việc hoàn toàn mới và cũng không liên quan đến du lịch nhiều nhưng tôi cũng giữ được một số nhân lực mà các bạn có kỹ năng chuyển đổi nhanh, hai là những công việc không quá khó".

Nhân lực của ngành du lịch đang bị bào mòn qua những đợt dịch bệnh Covid-19, vì vậy các doanh nghiệp du lịch chỉ mong có những gói hỗ trợ đễ giữ chân lao động khi dịch bệnh đi qua. Hiện đại diện nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã có kiến nghị rằng, để chính sách đi vào cuộc sống, hỗ trợ doanh nghiệp được nhiều hơn, các chính sách của Chính phủ khi về địa phương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn. Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đến các sở, ban, ngành thì cần được đẩy nhanh tiến độ giải quyết sớm cho doanh nghiệp, đừng để doanh nghiệp chờ lâu đến “đóng cửa” mới tiếp cận được các gói hỗ trợ thì đã quá trễ. Còn đối với Ngân hàng, có thể điều chỉnh quy định cho vay, có thể lấy tiền ký quỹ của doanh nghiệp làm tài sản thế chấp để vay vốn, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự qua mùa dịch này.

Bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc Điều hành Công ty Du lịch Vietrantour cho biết: "Cho đến tận bây giờ chúng tôi cũng liên tục tham gia các cuộc họp với Hiệp hội Du lịch, với Tổng Cục Du lịch, với Sở Du lịch và chúng tôi cũng có những tham vấn đúng với góc độ là 1 doanh nghiệp tư nhân. Trong du lịch, việc làm thế nào để các bạn có thể nhận được số tiền hỗ trợ của Chính phủ, đúng quả thật thời gian qua vẫn có những hạn chế nhưng tôi nghĩ rằng trong tương lai gần, trong thời gian tới, trong 12 tháng tới tôi mong đợi rằng chúng ta sẽ có những định hướng dài hơi về sản phẩm, về nhân sự, về chính sách hỗ trợ phải rất cụ thể.

Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phản ánh, chính sách cho vay ưu đãi đang có độ vênh, một phần do sự chưa hiểu rõ của địa phương, phần khác là do các sở ngành triển khai chậm. Cụ thể như chính sách vay tín dụng, thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch dù muốn vay cũng không tiếp cận được dù họ chấp nhận lãi suất vay cao. Nguyên nhân, do doanh nghiệp du lịch được đánh giá là ngành có rủi ro, không có tài sản thế chấp nên không thể vay vốn từ ngân hàng.

Với mong muốn được hỗ trợ kịp thời để giải quyết các khó khăn trước mắt, nhiều doanh nghiệp du lịch đã có những đề xuất đề nghị Tổng Cục du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến với Ngân hàng nhà nước xem xét gói hỗ trợ tín dụng cho những đơn vị và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng được vay lãi suất ưu đãi. Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch./.

Theo Huyền Trang

Cùng chuyên mục
XEM