Ngành du lịch mở cửa đón khách và giải bài toán nhân sự

20/08/2022 11:46 AM | Kinh doanh

Một trong những bài toán các doanh nghiệp ngành du lịch phải giải quyết hậu Covid đó là vấn đề nhân sự.

Ngành du lịch đang "khát" nhân sự

Tại buổi tọa đàm về "Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch khách sạn để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam" vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện nay, khối cơ sở lưu trú du lịch cần khoảng 485.000 lao động cho công suất trên 70%.

Nhưng hiện tại, lao động trực tiếp của khối này hiện chưa đến 400.000 người, định mức trung bình chỉ khoảng 0,4 lao động/buồng.

Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp du lịch cho rằng, đến nay hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động bình thường nhưng số lao động đang thiếu hụt rất lớn, nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ.

Đây là hậu quả chính của 2 năm "đóng băng" của ngành du lịch do đại dịch Covid-19. Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, năm 2020, có tới gần 60% số lao động du lịch phải nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng hoặc tạm nghỉ việc. Năm 2021, chỉ có 25% số lao động làm đủ thời gian; 30% phải nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; 35% tạm nghỉ việc; 10% làm việc cầm chừng.

Ngành du lịch mở cửa đón khách và giải bài toán nhân sự - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: FPT Polytechnic

Quãng thời gian Covid-19 ngành Du lịch Việt Nam thất thoát nhân lực lớn chưa từng có trong lịch sử. Sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát và các hoạt động đi lại, du lịch được mở cửa trở lại, giống như một cái lò xo bị nén, ngành du lịch cấp tập tuyển dụng lao động nhưng vấp phải nhiều khó khăn.

Phó Tổng cục trưởng Du lịch Phạm Văn Thủy nhận định: Phần lớn lao động du lịch vì mưu sinh đã phải chuyển sang nghề khác, nay du lịch mở cửa, có những người sẽ quay lại, nhưng cũng có nhiều người đã ổn định công việc mới, nguồn thu nhập cao hơn cho nên không muốn quay lại ngành. Vì thế, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động chất lượng cao vô cùng căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp du lịch đang phải chịu sự cạnh tranh lớn trong khâu tuyển dụng.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Dân chủ Hà Nội, chủ đầu tư khách sạn De L'Opera Hà Nội cho biết: Cạnh tranh trong tuyển dụng gia tăng, không chỉ giữa các khách sạn hay doanh nghiệp du lịch với nhau mà với cả các ngành nghề khác.

Nguyên nhân là bởi sau hai năm, nguồn nhân lực du lịch phân tán mạnh, lượng học viên đăng ký vào các cơ sở đào tạo du lịch cũng sụt giảm, dẫn đến thiếu hụt số lượng lao động bổ sung mới. Bên cạnh đó, thời gian "đóng băng" du lịch quá dài cũng dẫn đến kỹ năng nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, tác phong phục vụ của người lao động không có điều kiện được mài giũa thường xuyên, suy giảm về chất lượng.

Cuộc "đại tuyển dụng" quy mô lớn nhất từ trước đến nay của ngành du lịch

Ngành du lịch cả nước đang chứng kiến cuộc đại tuyển dụng quy mô lớn nhất từ trước đến nay khi rất nhiều đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ đang ráo riết tuyển thêm lao động.

Tại Ngày hội tuyển dụng khối ngành du lịch - dịch vụ - nhà hàng - khách sạn do Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức ngày 21/5, các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng và hàng không đã tổ chức tuyển dụng hàng ngàn vị trí việc làm và thực tập đối với sinh viên trong khối ngành này.

Ngành du lịch mở cửa đón khách và giải bài toán nhân sự - Ảnh 2.

Nguồn ảnh: Hutech.edu

Sự kiện thu hút lượng lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ tổ chức phỏng vấn tuyển dụng, cho thấy các doanh nghiệp đang rất "khát" nguồn nhân lực sau đại dịch.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng HUTECH khái quát, sau hơn hai năm đại dịch, nhóm ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề và thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Hiện nay, như lò xo bật nén, thị trường du lịch Việt Nam đang có cơ hội để khôi phục và phát triển trước làn sóng mở cửa hoàn toàn.

Cơ sở lưu trú du lịch cung ứng dịch vụ lưu trú và nhiều dịch vụ bổ sung liên quan trực tiếp đến nhiều người, nhiều ngành nghề, thu hút lao động từ giản đơn đến trình độ cao. Thế nên chất lượng cơ sở lưu trú du lịch phụ thuộc nhiều vào năng lực người lao động (bộ phận giám sát, buồng, bàn, bar, bếp…).

Nhiều bộ phận không đòi hỏi trình độ văn hóa cao, như phục vụ buồng, tạp vụ, vệ sinh, chăm sóc cây cảnh, bảo vệ... chiếm tỷ trọng lớn nhưng cần được đào tạo nghề.

Bên cạnh đó cũng có những bộ phận cần chuyên môn sâu như quản trị, lễ tân, bếp, pha chế, kinh doanh, tin học, kỹ thuật, ngoại ngữ...

Thực trạng hiện nay là nhiều khách sạn bị thiếu hụt nhân lực có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, có kỹ năng… tuy lương cao nhưng cũng rất khó tuyển dụng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chất lượng dịch vụ.

Có cơ sở lưu trú du lịch phải tuyển người điều hành hạn chế về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý. Một số cơ sở khó tuyển lao động mới, phải tuyển gấp nhân sự tại địa phương chưa qua đào tạo, sau đó "vừa học vừa làm" nên còn nhiều lúng túng, một số nơi sử dụng sinh viên bán thời gian…

"Nguồn nhân lực đang là một trong những yếu tố quyết định việc khôi phục và phát triển này", PGS.TS Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh.

Đại diện Vụ khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho rằng cần có chính sách thu hút, khuyến khích lao động có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại với ngành du lịch thông qua việc bảo đảm về lương, môi trường làm việc, xây dựng chính sách lương theo năng lực để khuyến khích nhân viên tự học nâng cao kiến thức, kỹ năng…

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM