Ngành chè 'đánh rơi' 1.000 tỷ đồng mỗi năm

24/08/2018 08:44 AM | Kinh doanh

Sau phong trào “trà bẩn” phá hoại ngành chè mấy năm trước, hiện có nhiều thương nhân Trung Quốc vào tận vùng nguyên liệu chè của Việt Nam đặt xưởng, giành giật nguyên liệu kiểu “phá giá”. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), ngành chè Việt mỗi năm mất khoảng 1.000 tỷ đồng vì yếu kém trong liên kết.

Tên xưởng Việt Nam, chủ Trung Quốc

Cách đây khoảng 7-8 năm, phong trào làm “chè bẩn” ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên…để bán cho thương nhân Trung Quốc khiến không ít người rùng mình. Lúc đó, thật khó tưởng tượng khi người dân dùng cả phân lân, bùn đất, bột đá …trộn vào chè búp. Sau khi sơ chế, chè vừa nặng, cánh chè lại xoăn, xanh. Chè được đóng thành bao tải, rồi bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, với mức độ “bao nhiêu cũng hết”.

Cũng vì “chè bẩn” siêu lợi nhuận, nhiều người dân lao vào làm. Nhiều nhà máy chè làm ăn đàng hoàng thời đó gần như bị khủng hoảng, sống lay lắt vì “đói” nguyên liệu để chế biến và đứng trước nguy cơ phá sản…Một thời gian sau đó, phong trào “chè bẩn” được chẩn chỉnh, nhưng nhiều hệ lụy vẫn còn đó, đặc biệt là uy tín của chè Việt đã bị tổn hại không nhỏ.

Tuy nhiên, vấn đề cạnh tranh thiếu lành mạnh, các xưởng chế biến chè mini mọc như nấm ở các vùng chè, “chôm” nguyên liệu của nhau trở thành một “vấn nạn” của ngành chè trong nước, trong đó có sự tham gia của thương nhân ngoại quốc.

Ông Nguyễn Duy Chánh, Giám đốc Công ty Chè Mộc Châu cho biết, hiện có khoảng chục nhà máy sơ chế, chế biến chè quanh khu vực ở Mộc Châu, tuy nhiên, không phải nhà máy nào cũng có vùng nguyên liệu.

“Chúng tôi cũng không ít lần bị các nhà máy này đẩy giá mua chè lên cao “chôm” nguồn nguyên liệu. Chúng tôi liên kết với dân, và cam kết bao tiêu, còn với các nhà máy nhỏ họ mua thất thường, lúc có hợp đồng cao thì họ mua, còn thấp thì nghỉ và khi đó nông dân không biết bán cho ai”- ông Chánh nói.

Thậm chí theo ông Chánh, có những nhà máy còn dùng trò bẩn, là “xúi” người dân phun thuốc trừ sâu độc tính cao vào chè, khiến những nhà máy này khi đã ký hợp đồng với dân, không thể lấy nguyên liệu đó để chế biến, xuất đi các thị trường khó tính.

Nói về thực trạng ngành chè, tại cuộc họp thường niên của nhóm hợp tác công tư (PPP) thuộc đối tác phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam mới đây, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng thư ký Vitas tiếp tục cảnh báo về “trò” giành giật nguyên liệu không lành mạnh.

Theo bà Hồng, hiện vùng nguyên liệu không nhiều, gần như rất khó mở rộng. Tuy nhiên, các địa phương để xưởng sơ chế chè nhỏ lẻ mọc tràn lan, tranh giành nguyên liệu, gây khó khăn cho các nhà máy.

Thậm chí, tại một vùng chè cổ thụ, cạnh nhà một nhà máy của Việt Nam là một nhà máy mới “nhảy dù” vào, có tên là Việt Nam nhưng chủ Trung Quốc, họ thu mua, giành giật nguyên liệu bằng cách đẩy giá rất cao. “Chẳng hạn nhà máy trong nước mua 20 nghìn đồng/kg, nhưng doanh nghiệp Trung Quốc mua với giá 30.000 đồng/kg, khiến các nhà máy của Việt Nam không xoay trở được”- bà Hồng nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hợp đồng và chế biến, tiêu thụ chè trên địa bàn, ngoài giấy phép đầu tư, kinh doanh, cần phải có vùng nguyên liệu theo quy hoạch hoặc hợp đồng tiêu thụ chè búp tươi với hộ nông dân.

“Nhà máy phải có dây chuyền thiết bị chế biến và công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và môi trường theo quy định hiện hành”- ông Sơn nói.

Xuất khẩu giảm vì chất lượng

Theo Vitas, cả nước có diện tích chè khoảng 130.000 ha. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu chè đứng thứ 5 thế giới, với hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến. Tuy nhiên, với các nước trong khu vực, giá chè xuất khẩu của Việt Nam thuộc diện thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới.

Một trong những vấn đề với ngành chè lâu nay, ngoài chất lượng giống, năng suất chè, tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón không tuân thủ, dẫn đến không đảm bảo về an toàn thực phẩm. Theo Vitas, mỗi năm ngành chè Việt Nam thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng do thiếu liên kết tổ chức sản xuất, không phân vùng nguyên liệu cho nhà máy.

Tổng thư ký Vitas cho biết, hơn một tháng qua, gần như xuất khẩu chè rất chậm, do tỷ giá đồng USD tăng quá cao so với đồng tiền nội tệ của các đối tác nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam mới xuất 110 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hiện 80% chè xuất khẩu vẫn bị áp VAT, tuy nhiên, phải 30 tháng sau mới được hoàn lại, gây khó khăn xoay xở vốn cho doanh nghiệp.

Trao đổi với  phóng viên Tiền Phong, ông Lại Cao Lê, Chủ tịch Tổng Cty Chè Việt Nam cho rằng, các bộ, địa phương thực hiện nghiêm quy định, phải có vùng nguyên liệu mới được mở nhà máy, chứ không để mua tranh bán cướp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tràn lan… “Ngành chè đang đi xuống vì các nước họ cũng đang sợ vì dư lượng thuốc BVTV”- ông Lê nói.

Ông Lại Cao Lê- Chủ tịch Tổng Cty Chè Việt Nam chia sẻ, khi triển khai về phương thức sử dụng thuốc BVTV an toàn tại các vùng nguyên liệu của Tổng công ty, giai đoạn đầu người dân phản ứng rất mạnh, bởi lâu nay họ quen dùng thuốc Trung Quốc, phun “cái chết liền”.

Theo Nam Khánh

Cùng chuyên mục
XEM