Ngành bán lẻ Mỹ đối mặt núi hàng tồn sau hàng loạt vụ phá sản

11/09/2020 14:58 PM | Xã hội

Hiện hàng triệu người Mỹ đang bị mất việc làm trong khi những người còn giữ được công việc thì phải cắt giảm chi tiêu. Doanh số của các cửa hàng thời trang đã giảm 37% so với cùng kỳ năm trước trong khi các mặt hàng điện tử, đồ gia dụng… cũng giảm với tỷ lệ 2 chữ số.

Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành bán lẻ Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt vụ phá sản khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên, tình trạng này lại dẫn đến một hệ lụy vô cùng lớn khác là hàng tồn kho quá nhiều và công ty đã liên tục giảm giá nhưng chẳng mấy khách hàng chịu chi tiêu.

Nhiều chuyên gia cho hay các hãng bán lẻ hiện nay đang đua nhau giảm giá để tống khứ bớt hàng tồn kho trước khi đóng cửa rời cuộc chơi. Thậm chí có những hãng chấp nhận giảm giá sâu đến 95% trong khi thông thường họ chỉ hạ 20%.

Một chiếc quần bò tại cửa hàng Catheries ở Parkerburg đã giảm giá từ 60 USD xuống còn 3 USD sau khi công ty mẹ Ascena tuyên bố phá sản. Một chiếc quần tất tại đây có giá 17 USD thì nay cũng chỉ còn 0,79 USD.

Thế nhưng, ngay cả như vậy doanh số cũng rất ảm đạm. Doanh số của những cửa hàng bán dọn kho để đóng cửa đã giảm 25% kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Ngành bán lẻ Mỹ đối mặt núi hàng tồn sau hàng loạt vụ phá sản - Ảnh 1.

"Điều này cứ như thể chúng tôi tổ chức một bữa tiệc hoàng tráng nhưng chẳng ai tham dự cả. Ngày nay mọi người không còn chạy đến những cửa hàng bán dọn kho đóng cửa của J.C.Penny hay Lord&Taylor để tận dụng mức giá hời như những vụ phá sản của các hãng bán lẻ khác trong quá khứ nữa. Thậm chí có nơi giảm đến 60% nhưng người tiêu dùng vẫn chẳng quan tâm", CEO Jim Schaye của Eaton Hudson nhấn mạnh.

Trong tuần trước, hãng GAP tuyên bố sẽ đóng cửa 200 chi nhánh còn chuỗi bán lẻ Ascena Retail Group thì quyết định giải tán gần 1.600 cửa hàng để làm thủ tục phá sản. Chuỗi bán lẻ Lord&Taylor đang bán dọn kho trên toàn bộ chi nhánh để ngừng kinh doanh.

Số liệu của Coresight Research ước tính các hãng bán lẻ Mỹ dự kiến sẽ đóng kỷ lục 25.000 cửa hàng trong năm nay.

Giám đốc Michael McGrail của Tiger Group cho biết thông thường các hãng bán lẻ phá sản sẽ bán dọn kho khoảng 9 tuần trước khi ngừng kinh doanh hẳn nhưng với tác động của dịch Covid-19, thời gian này sẽ kéo dài thêm 30% do ít người mua.

Thậm chí loại hàng gì bán chạy trong đợt dọn kho đóng cửa cũng ảnh hưởng đến doanh số. Trong khi các mặt hàng đồ gia dụng, quần áo thể thao… bán chạy thì những thứ như giày, trang sức lại khó bán hơn.

Hiện hàng triệu người Mỹ đang bị mất việc làm trong khi những người còn giữ được công việc thì phải cắt giảm chi tiêu. Doanh số của các cửa hàng thời trang đã giảm 37% so với cùng kỳ năm trước trong khi các mặt hàng điện tử, đồ gia dụng… cũng giảm với tỷ lệ 2 chữ số.

Ngành bán lẻ Mỹ đối mặt núi hàng tồn sau hàng loạt vụ phá sản - Ảnh 2.

Chuỗi bán lẻ J C Penny đã đóng cửa

Việc sức tiêu dùng giảm đã khiến tiến trình thanh lý hàng tồn kho của các hãng bán lẻ bị thay đổi. Trước đây các chi nhánh sẽ được thanh toán tiền hàng trước khi bán dọn kho, nhưng giờ đây họ chỉ nhận được tiền sau khi đã bán xong.

Tồi tệ hơn, nhiều nhân viên chẳng muốn quay trở lại các cửa hàng bán lẻ trong mùa dịch sau khi nghe tin hãng phá sản. Nhiều cửa hàng cũng chẳng muốn gọi nhân viên quay lại khi họ phải trang bị thêm khẩu trang và chi phí để bán dọn kho.

"Nói thật là chúng tôi chỉ muốn mọi chuyện trôi qua thật nhanh. Chúng tôi đang phải đối đầu với khó khăn mất việc sau khi ngồi chơi 2 tháng rưỡi và bây giờ phải bán dọn kho nữa ư? Cảm giác chẳng thể vui cho nổi", nhân viên Lyndsey Fought của cửa hàng Catherines buồn bã nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM