Ngân sách thâm hụt hơn 7,6 tỷ USD trong 11 tháng

29/11/2016 08:19 AM | Kinh tế vĩ mô

Mức bội chi ngân sách 11 tháng đã lên tới 176.900 tỷ đồng, tương ứng gần 7,6 tỷ USD...

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến ngày 15/11 ước đạt khoảng 851.800 tỷ đồng, bằng 84,1% dự toán cả năm 2016.

Trong đó, thu nội địa đạt 683.500 tỷ đồng, bằng 87,1% dự toán năm, thu từ dầu thô chỉ đạt 34.500 tỷ đồng, đạt 63,4% dự toán.

Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 131.300 tỷ đồng, bằng 76,3% dự toán năm.

Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình thu ngân sách nội địa có nhiều lĩnh vực đạt triển vọng khả quan, như thu tiền sử dụng đất đạt 68.800 tỷ đồng, vượt 37,6% so với kế hoạch cả năm. Thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 135.000 tỷ đồng, bằng 94,1%; thuế bảo vệ môi trường 35.200 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân 57.300 tỷ đồng, bằng 90%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 137.300 tỷ đồng, bằng 86,4%.

Riêng thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 176.600 tỷ đồng, chỉ bằng 68,9% dự toán năm.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách tính đến ngày 15/11 ước tính đạt 1.024.700 tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 167.700 tỷ đồng, bằng 65,8%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 713.900 tỷ đồng, bằng 86,6%; chi trả nợ và viện trợ đạt 136.000 tỷ đồng, bằng 87,7%.

Như vậy, sau 11 tháng, ngân sách quốc gia bội chi khoảng 172.900 tỷ đồng, tương ứng gần 7,6 tỷ USD.

Theo kế hoạch thu chi ngân sách năm 2016 đã được phê duyệt, mục tiêu thu ngân sách cả năm là 1.050.400 tỷ đồng, chi ngân sách là 1.273.200 tỷ đồng.

Trong đó, chi trả nợ và viện trợ là 155.000 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển đạt 254.950 tỷ đồng.

Như vậy, với kết quả thực hiện 11 tháng, để đạt được mục tiêu đã đề ra, việc thu ngân sách phải tăng tốc trong tháng cuối cùng của năm 2016.

Bộ Tài chính đang chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan quyết liệt thực hiện thu hồi nợ đọng thuế và các khoản phải thu qua công tác thanh tra, kiểm toán; rà soát các khoản thu, bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước.

Thâm hụt ngân sách là một nguyên nhân dẫn đến tốc độ nợ công gia tăng. Mới đây, tại báo cáo thẩm tra tình hình nợ công giai đoạn 2016-2020, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá, nợ công tính đến năm 2015 đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP.

Theo Bạch Dương

Cùng chuyên mục
XEM