Ngân hàng trung ương Thụy Điển lên kế hoạch dùng tiền số vì dân... “chê” tiền mặt?

29/10/2018 09:45 AM | Xã hội

Trong vài năm qua, ngân hàng trung ương của Thụy Điển, Riksbank, đang cân nhắc về ý tưởng phát hành một loại tiền kỹ thuật số để đáp ứng với nhu cầu của một xã hội ngày càng ít sử dụng tiền mặt.

Năm ngoái, Riksbank - ngân hàng trung ương lâu đời nhất thế giới - đã phát hành một báo cáo, trong đó họ mô tả "e-krona" có thể trông như thế nào, và vào hôm thứ Sáu vừa qua, tổ chức này đã hỏi ý kiến công chúng về mẫu thiết kế cho đồng tiền kỹ thuật số này để tiến hành kế hoạch của họ.

Thí điểm sẽ liên quan đến việc tạo ra "một đồng e-krona dựa trên giá trị", có thể được lưu trữ trên thẻ hoặc trong ứng dụng điện thoại di động và từ đó các giao dịch có thể theo dõi được.

Riksbank cũng cho biết đã đến lúc bắt đầu đưa ra các đề xuất cho những thay đổi lập pháp mà có thể cung cấp vị thế pháp lý cho đồng e-krona. Ngân hàng trung ương này đã không nói rằng tiền điện tử chắc chắn phải được ra mắt, nhưng rõ ràng là họ muốn tất cả mọi thứ được sắp xếp đâu vào đấy cho thời gian quyết định.

Thế thì tại sao họ lại vội đến thế? Câu trả lời là, Thụy Điển đang trở thành quốc gia không sử dụng tiền mặt với tốc độ cực nhanh – thậm chí có ý kiến còn cho là "quá nhanh". Một số ngân hàng hiện không còn xử lý tiền mặt và nhiều cửa hàng, nhà hàng không chấp nhận tiền mặt nữa. Một cuộc khảo sát của Riksbank vào năm nay cho thấy chỉ có 13% người Thụy Điển trả tiền cho lần mua gần đây nhất bằng tiền mặt, giảm mạnh so với con số 39% trong năm 2010.

Sự thay đổi nhanh chóng này khiến cuộc sống trở nên khó khăn cho nhiều đối tượng công dân như người già hoặc người tàn tật, những người sẽ không hoặc không thể theo kịp các hình thức thanh toán di động hoặc kỹ thuật số hiện đang nhận được ưu đãi khi sử dụng dịch vụ này. Một rủi ro khác cũng sẽ xảy ra, đó là người dân Thụy Điển sẽ không còn có quyền tiếp cận một hình thức thanh toán được bảo đảm bởi nhà nước và không hoàn toàn nằm trong tay của khu vực tư nhân.

Riksbank cho biết: "Nếu tiền mặt tiếp tục bị xem nhẹ thì đồng krona kỹ thuật số, hay còn gọi là đồng e-krona, có thể đảm bảo rằng người dân vẫn có quyền tiếp cận một phương tiện thanh toán được nhà nước bảo đảm". "Ngoài ra, không được hành động trước các diễn tiến hiện tại và hoàn toàn để mặc thị trường thanh toán cho các tổ chức tư nhân, điều đó sẽ làm cho người dân hoàn toàn phụ thuộc vào các giải pháp thanh toán tư nhân, có thể gây khó khăn cho Riksbank trong việc phát triển một hệ thống thanh toán an toàn và hiệu quả".

Ngân hàng trung ương này lo ngại rằng nếu không có phương tiện thanh toán do nhà nước hậu thuẫn cho thời đại kỹ thuật số thì những hệ thống thanh toán trong nước có thể sẽ không ổn định và hệ thống tiền tệ Thụy Điển trở nên không đáng tin cậy.

Việc chính thức lưu hành đồng e-krona — mà trước tiên là, như một hình thức thanh toán bên cạnh tiền mặt - có thể đảm bảo rằng người dân vẫn có thể tiếp cận với tiền của ngân hàng trung ương, và cũng tránh được tình huống khu vực tư nhân phải "chịu mọi trách nhiệm trong đảm bảo chức năng thanh toán đó ở các tình huống khủng hoảng ", ngân hàng trung ương Thụy Điển cho biết.

"Hiện tại, có những nhóm người trong xã hội đang gặp phải vấn đề khi số lần thanh toán bằng tiền mặt đang giảm, bởi họ thấy khó sử dụng các giải pháp thanh toán kỹ thuật số vì lý do này hoặc lý do khác. Các nhóm này bao gồm người lớn tuổi, người khuyết tật hoặc những người có những lý do khác nhau, không có thể tiếp cận những công cụ thanh toán khác ngoài tiền mặt. Bởi không thể mong đợi rằng thị trường tư nhân sẽ phục vụ đầy đủ cho các nhóm người này, nên nhà nước có thể chọn giải pháp là có trách nhiệm lớn hơn đối với họ", Riksbank nói thêm.

Về mặt thời gian, báo cáo mới đề xuất bắt đầu chương trình thí điểm vào năm tới, và việc triển khai thực hiện sẽ khả thi vào năm 2021 — nếu quốc gia này quyết định thực hiện bước nhảy vọt đó.

Theo Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM