Ngân hàng Thế giới lý giải vì sao ngày một nhiều người dân tộc “bỏ làng ra phố” kiếm ăn

10/11/2019 09:22 AM | Xã hội

Nguồn tiền gửi về từ các thành viên gia đình đi làm xa đóng vai trò quan trọng mang lại diện mạo vô cùng khởi sắc ở các thôn bản.

Để xác định được các nhóm ‘đầu bảng’ và các nhóm ‘cuối bảng’, nhóm nghiên cứu đã dựa vào số liệu Điều tra Thực trạng Kinh tế - Xã hội của 53 Dân tộc thiểu số năm 2015 để tính toán chỉ số Phát triển con người (HDI) và chỉ số Nghèo đa chiều (MPI) như là hai chỉ báo về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các DTTS.

Sau nhiều cuộc tham vấn với đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, đại diện của Ủy ban Dân tộc và Ngân hàng Thế giới, nhóm nghiên cứu đã thống nhất lựa chọn 6 nhóm dân tộc thiểu số (DTTS). Theo đó, nhóm Mường và Sán Dìu đại diện cho các nhóm ‘đầu bảng’; nhóm Khơ Mú và Mông đại diện cho các nhóm ‘cuối bảng’; nhóm Xơ Đăng được chọn do ở vị trí gần các nhóm cuối bảng còn nhóm Khmer thì lại sát với các nhóm ‘đầu bảng’.

Với cách thức lựa chọn các nhóm DTTS này, nghiên cứu đã bao quát được thứ hạng phát triển kinh tế - xã hội khác nhau của các nhóm DTTS, thể hiện trong bảng dưới đây.

Dựa trên sự xác định các nhóm ‘đầu bảng’ và nhóm ‘cuối bảng’ này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lựa chọn các địa bàn nghiên cứu cho cấu phần định tính. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điền dã nhân học trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2018 trên địa bàn thuộc 7 tỉnh, 13 huyện, 16 xã và 32 thôn ấp.

Tổng cộng, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 105 cuộc tham vấn với các bên hữu quan tại cấp tỉnh, 260 cuộc cấp huyện, 192 cuộc ở xã và 832 cuộc tại thôn ấp và cấp hộ gia đình (trong số này 48.5% là nữ), nâng tổng số đối tượng phỏng vấn lên 1389 người.

Ngân hàng Thế giới lý giải vì sao ngày một nhiều người dân tộc “bỏ làng ra phố” kiếm ăn - Ảnh 1.

Các cơ hội tham gia thị trường lao động ngày càng trở nên thiết yếu để giảm nghèo tại các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trong 5 năm vừa qua. Các nhóm ‘đầu bảng’ tạo được nguồn thu nhập chủ yếu ngoài sản xuất nông nghiệp, trong khi các nhóm ‘cuối bảng’ vẫn tiếp tục trông vào nông nghiệp như nguồn thu chính duy nhất của họ.

Với các nhóm ‘đầu bảng’, họ thường có thêm các lựa chọn việc làm được trả lương ở gần địa phương hay ngoại tỉnh. Thanh niên người Mường, Sán Dìu và Khmer đã hoàn thành chương trình trung học cơ sở hay các cấp học cao hơn có thể dễ dàng xin việc trong các nhà máy đóng trên địa bàn hoặc gần đó.

Các công việc trong phạm vi thôn ấp thường trả lương không cao và ít đa dạng hơn các cơ hội có thể tìm kiếm ở ngoại tỉnh. Các vị trí việc làm ở địa phương có vẻ phù hợp với không ít phụ nữ DTTS, nhất là các chị em đã lấy chồng, bởi các chị em có thể vào làm mà vẫn đi về được hàng ngày để chăm lo cho gia đình.

Nguồn tiền gửi về từ các thành viên gia đình đi làm xa đóng vai trò quan trọng mang lại diện mạo vô cùng khởi sắc ở các thôn bản. Tại các địa bàn khảo sát xu hướng dịch chuyển lao động ngày càng phổ biến nhưng lại mang tính giới rất cao: gần như chủ yếu là nam giới, đặc biệt ở nhóm Mông (Sơn La, Thái Nguyên và Thanh Hóa), và một số ít ở nhóm Sán Dìu (Thái Nguyên) và Khmer tại đồng bằng sông Cửu Long.

Các cơ hội việc làm được trả lương ngày càng mở ra cho các nhóm ‘cuối bảng’ chủ yếu là các việc làm thu nhập thấp. Rào cản ngôn ngữ (phổ thông) và trình độ học vấn thấp là các nhân tố cản trở các DTTS này tiếp cận được cơ hội việc làm ổn định. Kết nối hạ tầng dường như không phải là tác nhân khi xét đến cơ hội tham gia thị trường lao động vì rằng các thông báo, tờ rơi, áp phích quảng cáo tuyển dụng việc làm đăng tải khắp các nơi công cộng, thậm chí đến cả những xã thôn xa xôi hẻo lánh nhất.

Thị trường lao động không chính thức là một lựa chọn ngày càng phổ biến cho các nhóm ‘cuối bảng’. Trong khi tiếp cận thị trường lao động chính thức hay xuất khẩu lao động vẫn còn nằm ngoài khả năng của hầu hết người dân ở độ tuổi trung niên hay những người không đáp ứng được về khả năng sử dụng ngôn ngữ phổ thông hay trình độ học vấn chưa đạt mức yêu cầu, thì dịch chuyển lao động qua biên giới đang được xem là một biện pháp thay thế. Hoạt động này ngày càng đem lại nguồn thu nhập chính cho một số nhóm dân tộc như Mông, Ca Dong và Khơ Mú.

Trình độ học vấn không đạt mức yêu cầu của người dân nghèo đã làm giảm khả năng họ tiếp cận được các cơ hội việc làm ổn định, khiến họ nhận được nguồn thu nhập thấp và đối mặt với nhiều rủi ro.

Đang ngày càng trở thành con đường cốt yếu để thoát nghèo, các cơ hội việc làm được trả lương cũng đặt ra một số thách thức cho các DTTS. Về cơ hội nghề nghiệp chính thức, các tiêu chí tuyển dụng vị trí việc làm trong các nhà máy thường giới hạn độ tuổi từ 18 đến 35 và yêu cầu hoàn thành trung học cơ sở không tính đến khả năng tham gia của các đối tượng trung niên. Cả cán bộ và người lao động địa phương đều nêu lên các quan ngại về việc đảm bảo quyền lợi của người lao động như chi trả chế độ bảo hiểm y tế, an toàn, bảo hộ lao động và các lợi ích công việc khác. Người dân có thể tìm các vị trí việc làm được trả lương cao ở các tỉnh khác, nhưng dịch chuyển liên tỉnh cũng phát sinh thêm chi phí cho họ.

Tham gia thị trường lao động cũng nảy sinh một số vấn đề gia đình. Các cha mẹ đi lao động xa nhà và để các con ở lứa tuổi chưa đến trường cho ông bà nội ngoại trông nom. Các giáo viên được phỏng vấn cũng cho biết thực trạng này ảnh hưởng đến một số học sinh bị thụt lùi trong lớp, nhất là các nhóm có tỷ lệ không sử dụng thành thạo ngôn ngữ phổ thông cao như Mông, Khơ Mú và Xơ Đăng. Hơn nữa, cha mẹ đi làm xa vắng nhà nên cũng không quan tâm sâu sát được việc học tập của con em, cũng dẫn đến việc bỏ học giữa chừng như quan sát tại một số thôn ấp người Mường, Khơ Mú (Sơn La) và Khmer trong đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM